Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phạm Trương Uy.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phạm Trương Uy.

Dáng bay Việt Nam

“Bay vút trời xanh, tên lửa của ta dáng bay Việt Nam” (Tên lửa ta đánh rất hay, Huy Thục)

Đúng ngày này 60 năm trước (24/7/1965), tên lửa SAM lần đầu tiên vút lên bầu trời Hà Nội, hạ gục một chiếc F4C, khiến người Mỹ kinh ngạc. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam thật sự bước vào một bước ngoặt.

Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, vất vả trong huấn luyện cho đến chiến công mở màn, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và kinh nghiệm “kéo pháo” Điện Biên Phủ đã được vận dụng một cách tài tình, góp phần làm nên những chiến thắng, buộc đối phương phải thay đổi chiến thuật và nhìn nhận lại năng lực phòng không của Việt Nam.

Kỳ 1: Từ tinh thần kéo pháo Điện Biên

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phạm Trương Uy, sĩ quan điều khiển đầu tiên của Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236, Quân chủng Phòng không - Không quân, nói vẫn nhớ như in cảm giác “sốt ruột” và “khó chịu” khi đứng ở Mỏ Chén (Sơn Tây, Hà Nội) chứng kiến những chiếc máy bay địch “đủng đỉnh bay qua” ném bom khu công nghiệp Việt Trì. Lứa lính tên lửa thuở ban đầu ấy, chỉ tràn đầy khao khát một ngày nào đó, tự tay nhấn nút phóng quả tên lửa lập chiến công.

Quyết tâm vươn tầm cao

Năm 1953, anh lính trẻ Phạm Trương Uy nhập ngũ. Tới năm 1961, ông được cử sang học tại Liên Xô, chuyên ngành kỹ sư vô tuyến điều khiển từ xa. Nhưng phải rất lâu sau, ông mới biết, đó thật ra là những bước chuẩn bị cho một người lính tên lửa phòng không. Năm 1964, ông nhận lệnh về nước. Năm 1965, ông trở thành sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 64 thuộc Trung đoàn 236 - Trung đoàn Tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thời điểm đó, lực lượng được gửi sang Liên Xô đào tạo gồm: Lực lượng chỉ huy như các ông Nguyễn Văn Ninh, Hồ Sĩ Hưu, Phạm Tuyến…; Sĩ quan điều khiển như ông Phạm Trương Uy, Lã Đình Chi… Ngoài ra còn có các học viên học ngoại ngữ phục vụ công tác phiên dịch, một số học viên đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội.

Về tới Việt Nam, tất cả bước vào giai đoạn huấn luyện thần tốc dưới sự giảng dạy của các chuyên gia Liên Xô. Họ phải học ngày đêm, khí tài không đủ, họ vẽ sơ đồ ra giấy để luyện tập các thao tác và khẩu lệnh. Phải tới khi nhận khí tài, tháng 7/1965, những anh lính tên lửa Tiểu đoàn 63, 64 mới lần đầu tận tay “sờ” vào SAM. Cái khao khát được bắn rơi máy bay địch luôn thường trực.

Năm 1965, theo đánh giá của CIA, hệ thống phòng không của miền bắc Việt Nam chủ yếu dựa vào pháo phòng không (AAA), mặc dù đã có những cải tiến qua các năm. Điều này được củng cố bởi trong các cuộc không kích của Mỹ từ tháng 2 đến tháng 4/1965, “phản ứng chủ yếu từ phòng không Bắc Việt là hỏa lực phòng không với cỡ nòng 57 mm trở xuống” (*).

Tháng 4/1965, tình báo Mỹ phát hiện các trận địa tên lửa đất đối không SA-2 (SAM). Nhưng họ không tin vào khả năng sử dụng SAM của Việt Nam. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về An ninh quốc tế John T. McNaughton còn cho rằng việc đặt SAM ở đó “chỉ là chiêu trò chính trị của người Nga để xoa dịu Hà Nội” và “người Bắc Việt sẽ không dùng đến chúng đâu!” (**). Trong một báo cáo khác, CIA đánh giá: Trước 1965, phòng không Việt Nam còn yếu, cơ bản mới sử dụng pháo phòng không đơn thuần, khả năng hạn chế trong việc chống lại các cuộc không kích hiện đại. Kỹ năng tổ chức và phối hợp phòng không kém (***).

Thế nhưng, người Mỹ đã bỏ qua một điều quan trọng: Tinh thần của người Việt Nam. Ngày 19/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ). Bác căn dặn: “Phải khẳng định rằng: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Cú ra đòn của một đợt tác chiến phòng không tập trung

Và dự đoán của Mỹ đã nhanh chóng bị thực tế bác bỏ.

Dù chương trình huấn luyện tiêu chuẩn của Liên Xô là một năm, nhưng nhờ quyết tâm và chủ trương “đưa giảng đường ra chiến trường” như lời Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Phùng Thế Tài, lịch huấn luyện rút xuống còn sáu tháng, rồi hai tháng.

Ngày 20/7/1965, Tiểu đoàn 64 nhận khí tài tại Ba La - Bông Đỏ (phường Hà Đông, Hà Nội bây giờ). Đến ngày 22/7/1965, Tiểu đoàn 64 đã sẵn sàng hệ thống trận địa tại Vô Khuy (Suối Hai, Hà Nội), Tiểu đoàn 63 hoàn thiện trận địa Chùa Ghè (xã Yên Kỳ, Phú Thọ). Toàn bộ công việc vận hành do bộ đội Việt Nam thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia Liên Xô.

Suốt hai ngày sau đó, mọi thứ đã sẵn sàng nhưng máy bay Mỹ không xuất hiện. Ngày 24/7, một tốp máy bay Mỹ nhằm hướng nhà máy Việt Trì, Phú Thọ. Chúng sử dụng bảy chiếc F105 ném bom và bảy chiếc F4C bảo vệ. Lo ngại lộ trận địa, ta quyết định đánh. Tiểu đoàn 63 bắn trước Tiểu đoàn 64 khoảng 6 giây. Kết quả là một chiếc F4C bị bắn rơi tại chỗ, bắt sống một phi công. Đây là chiếc máy bay thứ 400 bị bắn rơi trên miền bắc. Phía Mỹ ghi nhận đó là máy bay đầu tiên trong số 110 máy bay họ bị mất vì SAM tại Đông Nam Á (theo số liệu công bố phía Mỹ). Các chuyên gia Liên Xô trực tiếp điều khiển bắn, với các sĩ quan Việt Nam thực tập quan sát.

Là người chứng kiến khoảnh khắc quả tên lửa đầu tiên vút bay trên bầu trời, bắn rơi máy bay địch, ông Uy nói: “Sướng lắm”. Chiến thắng trận đầu như gỡ bỏ một nút thắt quan trọng, cho thấy tên lửa Việt Nam đã có thể vào chiến trường. Nói về chiến thắng mở màn đó, ông Uy cho rằng đó không phải là một chiến công của riêng ai, mà đứng về học thuật, trận đánh này đủ yếu tố của một “đợt tác chiến tập trung đưa tên lửa phòng không ra quân” (****). Đó cũng là dấu ấn kết thúc giai đoạn 1 đợt huấn luyện của bộ đội tên lửa.

Sau khi bắn xong, đơn vị nhận lệnh rút khỏi trận địa cũ để bảo đảm bí mật. Việc di chuyển khí tài gặp vô vàn khó khăn vì mưa to, đường vô cùng lầy lội, “Tên lửa nặng như thế mà phải đấu hai xe xích để kéo”, ông Uy nhớ lại. Các chuyên gia Liên Xô lo ngại mưa ngập sẽ khiến khí tài bị hỏng. Nhưng ông Nguyễn Văn Ninh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64 đã động viên: “Chúng tôi có kinh nghiệm kéo pháo ở Điện Biên, các đồng chí đừng lo, chúng tôi bảo đảm đưa tên lửa an toàn ra trận địa”. Ông Ninh đã tìm ra một sườn đồi có rặng tre để triển khai trận địa. Đó cũng là thử nghiệm sáng tạo của bộ đội Việt Nam khi lần đầu tiên trận địa tên lửa được xây dựng ở địa bàn không có công sự, điều mà chính các chuyên gia Liên Xô cũng không nghĩ tới.

Trận đầu thắng lợi giáng đòn bất ngờ vào người Mỹ đang đầy tự tin.

Ngày 25/7, bầu trời miền bắc không còn một bóng dáng máy bay Mỹ nào. Sang ngày 26, Tiểu đoàn 64 bắn hai quả tên lửa, tiếp tục hạ một máy bay không người lái ở đồi Yên Khoái. “Mặc dù là máy bay không người lái, nhưng mà lúc đó càng khẳng định tên lửa mình có thể bắn rơi máy bay ở độ cao 18 km”, ông Uy cho biết.

Sau trận đánh này, “Nhà Trắng phê chuẩn đợt không kích trả đũa, nhưng khi đến nơi, các bệ phóng SAM đã biến mất, thay vào đó là các tên lửa giả, một cái bẫy pháo phòng không. Bốn máy bay Mỹ bị bắn hạ khi lọt vào tầm bắn của pháo phòng không ẩn giấu” (*****). Ngày 27/7/1965, trong vòng 40 phút, 40 lượt máy bay cường kích Mỹ đã tấn công hai trận địa giả với các tên lửa làm bằng tre, cót.

Tới ngày 24/8, sĩ quan điều khiển Lã Đình Chi (Tiểu đoàn 63) trực tiếp nhấn nút bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ tại Thanh Hóa. Ngày 26/8, sĩ quan điều khiển Phạm Trương Uy (Tiểu đoàn 64) trực tiếp bắn rơi một chiếc máy bay F105 ở Yên Bái.

Đó là thời điểm các chuyên gia Liên Xô nhận định, bộ đội Việt Nam đã hoàn toàn có thể tự làm chủ khí tài. Tiểu đoàn 61 và Tiểu đoàn 63 được điều tới Thanh Hóa, Tiểu đoàn 64 Yên Bái, Tiểu đoàn 62 đi Hải Dương. Nói như Chính ủy Quân chủng PK-KQ Đặng Tính là các tiểu đoàn tên lửa như “con cháu các cụ nở hoa, biến ít thành nhiều”.

“Bắc Việt Nam đã xây dựng một hệ thống phòng không đa tầng, kết hợp pháo phòng không, tên lửa đất đối không (SAM), và máy bay tiêm kích MiG” (******). Người Mỹ biết, họ đã phải đối mặt với một hệ thống phòng không đa tầng, ngày càng hoàn thiện. Họ bắt đầu triển khai “Chiến dịch Bàn tay sắt” và gấp rút phát triển dự án “Chồn hoang” với máy bay F100F, sau đó là F105F mang tên lửa Shrike để truy tìm và tiêu diệt các trận địa SAM của ta.

Tháng 6/1963, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt. Để giữ bí mật, đơn vị được mang phiên hiệu Trung đoàn 228B (trùng tên với Trung đoàn pháo cao xạ 228). Đây là lực lượng nòng cốt để thành lập các đơn vị tên lửa đầu tiên và xây dựng nên Binh chủng Tên lửa Phòng không sau này.

Ngày 7/1/1965, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 03/QĐ-QP, thành lập Trung đoàn Tên lửa 236 - Trung đoàn Tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/4/1965, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 35/QĐ-QP, thành lập Trung đoàn Tên lửa thứ hai, mang phiên hiệu 238, trực thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không. (Nguồn: Quân chủng Phòng không - Không quân).

(Còn nữa)


(*) “Over-all Appraisal of Air Strikes Against North Vietnam, 7 February 1965 through 30 April 1965”, Giải mật 2016.

(**)(*****) Take It Down! The Wild Weasels in Vietnam - Tạp chí Không lực Hoa Kỳ, tác giả John T. Correll, 2010.

(***)(******) VIETNAM 1967: A Synthesis of “The Vietnam Situation: An Analysis and Estimate”, 5/1967, Giải mật 2007. (****) Từ điển giải thích thuật ngữ quân sự (Cục KHQS, Bộ Tổng tham mưu, tr224, 1985) định nghĩa: “Đợt tác chiến tập trung là hình thức tác chiến gồm số trận chiến đấu, các đòn tập kích và hành động chiến đấu khác liên kết với nhau do một bộ phận chủ lực kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương hoặc lực lượng vũ trang khác tiến hành trong một không gian và thời gian nhất định, theo một ý định và kế hoạch thống nhất, dưới sự chỉ huy thống nhất”.

Xem thêm