Thả lưới trên hồ Ba Bể.
Thả lưới trên hồ Ba Bể.

Trên sóng hồ Ba Bể

Mặt trời khuất dần sau đỉnh Đồn Đèn. Thoáng chốc, khói lam chiều tỏa trên những nóc nhà sàn của đồng bào Tày trên hồ Ba Bể (xã Ba Bể, tỉnh Thái Nguyên).

Trời nhá nhem tối, như mọi hôm, bà Dung lại lục tục chuẩn bị đồ nghề là những chiếc lồng bát quái đi đánh cá trên hồ. Hôm nay mát trời, khu vực thôn Bó Lù nhiều người tham gia cất vó. Bà Dung kể, thường có rất nhiều loại cá nhưng nhiều nhất vẫn là cá mương và cá trứng. Hôm nào trời mưa to, có người cất vó được cả chục cân, người ít cũng được 5-6 cân.

Lênh đênh trên hồ

Ngoài cá, hồ Ba Bể còn nhiều tép. Tép hồ Ba Bể ngon, thơm đặc trưng, vậy nên bà con đã xây dựng đặc sản riêng của hồ Ba Bể là sản phẩm tép chua, các bữa ăn cho du khách không thể thiếu món tép chua hồ Ba Bể, nhiều người ưa thích. Tép hồ đánh về nhặt sạch, bà con cho lên bếp đồ qua, tép thơm và có màu đỏ tươi thơm lừng. Ở đây nhà nào chuyên nghề đánh cá, đều đều có thu nhập, hôm nào “trúng quả” kiếm 500-700 nghìn đồng, “xui” thì cũng được vài cân tôm, tép, cá mương…

Gần 19 giờ, những giỏ cá của bà con phong phú dần, nhiều người thu vó về cơm tối. Chỉ còn vài người ở lại. Lúc sau, một người cất vó gần đó mừng quýnh, reo to: Ui con cá trình. Cá trình ở hồ Ba Bể rất ngon, thịt thơm và chắc. Theo bà Dung, cá này giá trị kinh tế cao, hiện tại bán giá 600 nghìn đồng/kg. Hôm nào may mắn đánh bắt được những loài cá này, hoặc một số loại cá, như: cá chiên, cá lăng... thì thu nhập tiền triệu.

Hồ Ba Bể sở hữu nhiều loại cá nhưng quý và ngon nhất phải là cá chép kính và cá rầm xanh. Cá chép kính là loài đặc biệt, thân hình thon dài, vảy nhỏ, sáng bóng, chuyên sống vùng nước sâu, nước tĩnh. Cá rầm xanh thì thân xanh biếc, chuyên sống ở những khu vực nước chảy mạnh. Ngoài ra còn có cả cá lăng cũng sống ở những nơi nước xiết. “Làm nghề mà không nắm rõ tập tính của cá thì có thức cả đêm có khi vẫn trắng giỏ về không”, bà Dung bảo. Trúng quả những loài cá quý thì lãi to nhưng không phải hôm nào cũng may mắn như vậy.

4 giờ sáng, nhìn từ cửa sổ mái nhà sàn bên hồ, dưới ánh trăng bàng bạc, những ánh đèn pin lấp lánh từ những chiếc thuyền nhỏ, mặt hồ trở nên sống động như một bức tranh thủy mặc. Sau một đêm dài thả lưới và bát quái, những ngư dân cần mẫn bắt đầu công việc thu hoạch. Ngay bến xuồng, ông Bế Văn Thương đã chực chờ sẵn để thu mua cá, tôm. Ông Thương cho biết: “Hơn chục năm tôi thu mua cá của bà con quanh hồ Ba Bể. Những năm trước bà con quăng chài, thả bát quái được nhiều cá to, có con cả chục cân ấy, nhưng nay hiếm rồi, chủ yếu là cá mương, trắm, chép, rô phi đơn tính, tôm... Tôi cũng gắn bó với nghề chài lưới từ năm 20 tuổi, đến khi tóc đổi màu truyền nghề rồi đổi sang nghề thu mua”. Ông nói thêm: “Tôi đánh cá từ khi còn bằng thuyền gỗ, đến nay là thuyền sắt. Giờ không còn khỏe như thời trẻ, chỉ buôn bán là chủ yếu nhưng nhớ nghề lắm. Thi thoảng rảnh rỗi vẫn chèo thuyền trên hồ đi thả lưới”.

Điều ngạc nhiên là thay vì ở trên bờ thu gom cá như những làng chài miền xuôi thì ở đây, nhiều ngư phủ là nữ. Chiếc thuyền độc mộc mấp mé mớm nước mạn thuyền, tròng trành, lắc lư nhưng chị Hoàng Thị Bảy vẫn đứng chắc nịch, tay thoăn thoắt nhấc từng đoạn lưới để gỡ cá. Chị Bảy chia sẻ: “Từ bé tôi đã quen với sông nước, chèo thuyền độc mộc. Xưa thuyền độc mộc được làm bằng thân gỗ to, bây giờ thay bằng thuyền sắt rồi. Ngày nào cũng vậy, cứ chiều chiều là dong thuyền ra hồ thả bát quái, sáng sớm ra thu hoạch. Đánh bắt cá trên hồ là nguồn thu nhập chính của gia đình”.

Thông thường, buổi đánh cá trên hồ Ba Bể sẽ bắt đầu từ khoảng 15 giờ hôm trước, ngư dân lên thuyền và chèo đến các địa điểm thấy có cá nhảy lên sẽ thả lưới, với người đã quen tay chỉ mất hơn một giờ đồng hồ là có thể quay về. Đến 3 giờ sáng hôm sau, những chiếc thuyền lại rẽ sóng trong đêm lên đường thu lưới và chở cá về. Hiện nay cá vùng hồ đa số là loại cá bé bằng hai ngón tay, nếu muốn bắt cá to, ngư dân phải thả lưới thật sâu.

52.jpg
Cá hồ được nướng, sấy khô, đóng gói để bán cho du khách. Ảnh: TÙNG VÂN

Đổi thay nghề chài lưới

Ông Nguyễn Văn Từ cho thuyền trôi thêm một lúc để đến gần với thuyền của vợ chồng ông Hòa. Gặp nhau, hai người hỏi nhau xem bữa nay chài lưới thế nào, rồi cùng lắc đầu. Tầm tuổi ông Hòa, bà Bảy sinh ra và lớn lên ở đây và làm nghề đánh bắt cá đã mấy đời. Cuộc sống chài lưới vất vả. Ông Hòa nhớ như in cách đây hơn 20 năm, chỉ bám chiếc thuyền mưu sinh, nhiều đêm đi thả lưới rồi ngủ luôn trên thuyền chờ sáng hôm sau thu hoạch. Nhớ những đêm cùng anh em trên thuyền lai rai, tán dóc đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, chiếc thuyền đung đưa, lắc lư, nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền...

Ông Từ bỗng trầm giọng, hồ Ba Bể được coi như một “vựa cá trời ban”. Vì thế, không chỉ người dân quanh hồ đánh bắt hưởng lộc mà nhiều người dân ở nơi khác đến câu, quăng chài, thả lưới và lặn bắt cá. Lặn cá thì thường được cá to nhưng lại rất nguy hiểm.

Một đêm tháng 6/2021, một thanh niên sinh năm 1996, ở thôn Tin Đồn vốn nổi danh lặn giỏi lại vác đồ nghề đi lặn cá. Hồ Ba Bể sâu trung bình 30 m, dưới lòng hồ có nhiều hang động ngầm. Người thường ở dưới nước không được bao lâu nhưng cậu thanh niên này thì bơi như rái cá. Thành quả thu hoạch mỗi ngày của cậu luôn là những con cá to, mang lại tiền triệu mỗi ngày. Nhưng cái đêm tháng 6 ấy, cậu thanh niên này đã mắc kẹt dưới một hang ngầm và bỏ mạng. Những bạn lặn cá của cậu kể, cậu ấy lặn giỏi nên chủ quan, nhiều khi cứ thấy cá to là đuổi theo bằng được, chui cả vào ngách ngầm dưới nước. Lần này, cũng như mọi lần cậu bơi đuổi theo con cá to và mắc kẹt, sâu đến nỗi phải sau 10 ngày, đội thợ lặn chuyên nghiệp của Hải Phòng dùng thiết bị chuyên dụng ở biển sâu lặn mới tìm thấy...

Ba Bể, ngoài hồ Ba Bể còn có sông Năng chảy xuống thác Đầu Đẳng sang Na Hang (Tuyên Quang) bởi thế, nhiều gia đình ở các thôn như: Pác Ngòi, Bó Lù, Bản Cám, Cốc Tộc... nhiều hộ nhiều đời sống bằng nghề chài lưới. Vất vả sớm khuya mà thu nhập thì phập phù, bập bềnh như sóng nước trên hồ. Nhưng không đánh cá thì cũng chẳng biết làm gì khác.

Những bản làng ven hồ giờ chỉ còn đâu đó khoảng hơn 40 người theo nghề chài lưới chuyên nghiệp để sống bằng nghề. May là dân chài lưới không phải mang cá đi đâu bán mà thương lái chờ sẵn trên bờ. Từ lòng hồ xanh biếc, những con cá tươi ngon được đưa vào các nhà nghỉ homestay chế biến phục vụ du khách. Người già, sức mỏi thì bày bếp than, nướng cá bán cho du khách vãn cảnh hồ. Những loại cá đem nướng thường là cá mương, cá trứng. Bà con làm sạch rồi xâu từng con cá và nướng trên than củi, thơm nức mũi. Cá nướng chấm cùng tương ớt vắt chanh hoặc chấm với mắc khén thì khó có ai quên được...

Nhè nhẹ đưa mái chèo khỏa nước, ông Hòa bảo, ăn lộc hồ thì phải giữ lấy hồ. Ngư dân chài lưới nơi đây luôn ý thức bảo tồn nguồn thủy sản và bảo vệ môi trường. Họ biết rõ thời điểm nào, khu vực nào cá sinh sản và nhắc nhau chỉ đánh bắt bằng phương pháp truyền thống, không sử dụng kích điện, nổ mìn, không buông lưới ở khu vực cá đẻ.

Và rồi đổi thay lớn nhất đã xuất hiện khi những người trẻ ở Ba Bể đã thử nghiệm và thành công với việc nuôi cá lồng trên dòng sông Năng đổ vào hồ. Anh Ma Thế Toán ở bản Phiêng Chì bắt đầu nuôi cá diêu hồng trên sông Năng từ năm 2020. Với hai lồng nuôi, mỗi lồng diện tích 40 m2, mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Học theo anh Toán, nhiều hộ cũng đầu tư và hàng chục lồng nuôi đã đặt xuống sông Năng. Thay vì đánh cá tự nhiên, những người trẻ đã chuyển sang nuôi cá trên chính dòng nước nguồn của hồ Ba Bể.

Ông Từ thết đãi chúng tôi một bữa cá hồ ngon tuyệt, chế biến theo phong cách của đồng bào Tày. Ông bảo, lớp trẻ giờ năng động lắm. Họ biết chuyển sang nuôi cá lồng, bán lãi cao. Như vậy cá hồ sẽ càng được bảo tồn tốt hơn.

Nắng vàng trải trên mặt hồ xanh biếc. Những chiếc thuyền độc mộc nằm đung đưa trên sóng ven bờ nhường chỗ cho những xuồng chở du khách trên hồ. Ngư dân bắt tay vào công việc nhà, việc đồng áng, chờ chiều tối lại lên đường đánh cá.

Xem thêm