Không chỉ là thú chơi của những người yêu tri thức, sưu tầm sách cổ còn là cách gìn giữ một phần ký ức văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử dân tộc. Đằng sau mỗi cuốn sách xưa là hành trình “lên voi xuống chó”: có khi được định giá cả trăm triệu, nhưng cũng có lúc bị lãng quên giữa chợ sách cũ. Điều quan trọng nhất, có lẽ, không nằm ở giá tiền mà nằm ở việc cuốn sách ấy có gặp được người đủ hiểu và đủ trân quý nó hay không.
Những cuốn sách đáng giá cả gia tài
Cổ nhân có câu: “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc/Thư trung tự hữu hoàng kim ốc” (đại ý “Trong sách có người đẹp nhan sắc như ngọc, tự có nhà lầu vàng) nhằm đề cao giá trị của sách. Nhưng với giới chơi sách cổ, nhiều cuốn sách hay bộ sưu tập cũng thật sự đáng giá cả một gia tài.
Giá trị của một cuốn sách cũ được cấu thành nên từ nhiều yếu tố: năm xuất bản, chất liệu giấy, hình thức bìa, kiểu chữ, tác giả, nhà xuất bản, minh họa, chữ ký, thể loại và nội dung. Trong đó, năm xuất bản vốn đã mang giá trị riêng. Quan điểm quen thuộc “sách nào càng xưa cũng càng đắt” thực chất chỉ đúng một phần, khi những người sưu tầm sách còn xét đến những yếu tố quan trọng khác như giá trị văn học, giá trị lịch sử hay tên tuổi tác giả.
Một thí dụ tiêu biểu là thời kỳ trước năm 1945 với những di sản sách vô cùng quý giá. Sở hữu những bản in đầu các cuốn sách của Nhà xuất bản Đời Nay gắn liền với Tự Lực Văn Đoàn, hay phiên bản đầu tiên của kiệt tác “Dế Mèn phiêu lưu ký” được mang tên “Con Dế Mèn”… là mơ ước của bất kỳ nhà sưu tầm nào. Giá trị của những cuốn sách thời đó không chỉ nằm ở nội dung văn học mà còn ở hình thức mỹ thuật, với những bìa sách được các họa sĩ danh tiếng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí trình bày.
Do chiến tranh và đặc thù khí hậu khắc nghiệt, những cuốn sách này ngày càng hiếm, trở thành những di sản vật thể của một giai đoạn văn chương rực rỡ. Có những cuốn sách quý như bản “Số đỏ” của nhà xuất bản Lê Cường năm 1938 thậm chí từng được xem như một huyền thoại. Đó là bản sách duy nhất được in khi tác giả Vũ Trọng Phụng còn sống, với đầy đủ 20 chương của tác phẩm. Trong suốt hàng chục năm, người ta đã ngỡ nó đã bị thất truyền cho đến khi “đột nhiên” gần đây xuất hiện theo lời kể nhà báo Yên Ba.
Ấn bản duy nhất của “Số đỏ” bản 1938 đã được một nhà sưu tầm mua lại với giá hàng trăm triệu đồng. Nghe có vẻ cao đến phi lý cho một cuốn sách mà nội dung có thể dễ dàng được tải về miễn phí trên mạng, nhưng có nhiều trường hợp các nhà sưu tập thậm chí muốn bỏ tiền cũng không được.
Nếu phải kể tên những “Chén Thánh” trong giới chơi sách Việt, không thể không nhắc đến các ấn phẩm Quốc ngữ sơ khai, đặt nền móng cho chữ viết hiện đại. Đứng đầu trong số đó là cuốn “Phép giảng tám ngày” của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (dân ta vẫn thường gọi cha Đắc Lộ) được in năm 1651 tại Rome (Italia). Đây là cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên với 319 trang, mỗi trang chia 2 cột và hiện chỉ còn một bản được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên cũ, hiện là tỉnh Đắk Lắk).
Được in cùng trong năm 1651 còn có cuốn “Từ điển Việt-Bồ-La” cũng của Alexandre de Rhodes được xem như cột mốc lịch sử của chữ Quốc ngữ. Sự quý hiếm của những cuốn sách này khiến ngay cả những người không thuộc giới sưu tầm cũng phải thán phục, bởi được chiêm ngưỡng chúng cũng đồng nghĩa với việc được mục sở thị cội nguồn của chữ Việt hiện đại.
Việc tốn tiền bạc, thời gian, công sức tìm kiếm khiến tại Việt Nam, nhiều bộ sưu tập sách cũ có giá đến cả tỷ bạc. Nhà sưu tầm Yên Ba cho hay, anh đã gặp nhiều tủ sách có giá trị trên dưới một tỷ đồng và thậm chí từng chứng kiến những tủ sách có giá từ ba tới năm tỷ đồng!
Những tay chơi sách có điều kiện sẵn sàng bỏ tiền tương đương giá trị cả mảnh đất để sở hữu tủ sách, nhưng về lâu dài, họ đối mặt với một bài toán khác. Anh Hải An - một người quan sát giới chơi sách nhận định: “Vòng đời của một bộ sưu tập lớn thường trải qua hai giai đoạn mà giới chơi sách hay gọi vui là “gom” và “phân thây”. Khi một nhà sưu tầm lớn dành cả đời để “gom” sách quý về một mối, nhưng lúc ông khuất núi, con cháu không hiểu được giá trị của chúng, cả cơ đồ có thể bị xem là giấy vụn và bán rẻ”.
“Kho tàng khi đó sẽ bị “phân thây”, lưu lạc ra ngoài dân gian, chờ đợi một thế hệ những người có duyên khác bắt đầu một chu trình “gom” mới. Vòng quay đó vừa là bi kịch, vừa là cơ may giúp những cuốn sách tưởng đã thất truyền lại có cơ hội tái xuất”.
Để tránh tình trạng những cuốn sách “từ nhân gian vào bộ sưu tập rồi lại trở lại với nhân gian”, thú chơi sách cổ cần tính kế thừa, bắt nguồn ngay từ trong chính gia đình. Việc truyền lại tình yêu với sách cổ cho thế hệ kế cận là không hề dễ dàng, khi thế giới hiện tại có quá nhiều loại hình giải trí tinh thần khác. Nhưng đó vẫn là việc không thể không làm.
Dòng chảy không đứt đoạn
Tháng 7/2021, một sự kiện đấu giá trực tuyến thu hút sự chú ý của những người yêu sách. Sau một giờ đấu giá bản đặc biệt cuốn “Bố già” được chế tác thủ công, sự kiện thu hút nhiều nhà sưu tập chuyên nghiệp với hơn 100 lần ra giá. Cuốn sách được bán với giá lên đến 260 triệu đồng. Đáng chú ý hơn, chỉ trước đó không lâu, ấn bản S100 (dòng sách đặc biệt chỉ in giới hạn 100 cuốn) của “Bố già” phát hành nhân kỷ niệm ngày mất diễn viên Marlon Brando cũng được bán với giá 85 triệu đồng.
Những con số ấn tượng trên cho thấy sự quan tâm ngày càng rõ nét đến sách đẹp, sách đặc biệt, sách bản giới hạn (limited edition). Các ấn bản in thủ công, đánh số, bìa da hoặc có minh họa riêng… đang được săn đón như một hình thức khẳng định gu thẩm mỹ và cá tính. Đây có thể xem là bước đệm quan trọng để tiến đến với sách cổ - nơi mà cái đẹp không chỉ đến từ hình thức, mà còn từ bối cảnh xuất bản, giá trị nội dung và hành trình tồn tại của cuốn sách.
Điểm đáng mừng là sự xuất hiện của nhiều người ở độ tuổi U30 trong các phiên đấu giá sách hay trong các cuộc trao đổi sách trên những diễn đàn. Anh Hải An nhận định dù lý do họ mua sách vì đam mê hay nhằm giao dịch trong tương lai đều đáng quý: “Giới mua đi bán lại sách để đầu tư bây giờ là ai? Chính là những người ở độ tuổi từ khoảng 18 đến quanh 30. Họ nhìn thấy ở sách “tính tăng sản” (khả năng tăng giá trị) chứ không phải “tiêu sản” ở những cuốn sách quý”.
“Dù động cơ là gì, việc họ săn đuổi, canh giờ phát hành để mua được bản đặc biệt cũng tạo ra một sự sôi động và lợi ích rất lớn cho ngành sách. Bởi chính nhờ đó, nhà xuất bản mới có thêm động lực để phát triển, nâng cao tay nghề và dư luận ý thức được hơn về giá trị của sách”, anh An chia sẻ.
Ngay cả với động cơ ban đầu thuần kinh tế, việc săn đón, cạnh tranh để sở hữu những cuốn sách quý hiện đại cũng có thể đưa những nhà sưu tập trẻ tới gần hơn với thế giới cổ thư. Hiện tại, không nhiều người trẻ thật sự chơi hay sưu tầm sách cổ, cũng vì họ còn thiếu kiến thức chơi sách và đặc biệt là trải nghiệm, cảm xúc gắn liền với cuốn sách đó.
Kiến thức, trải nghiệm và cảm xúc không phải những thứ có thể hình thành trong ngày một ngày hai. Đến một độ tuổi nhất định, khi đã “chín muồi” về nhận thức, rất có thể chính những người trẻ năm nào sẽ ý thức hơn về giá trị lịch sử của những cuốn sách cổ. Sự thay đổi sở thích là điều rất tự nhiên trong cuộc đời mỗi con người, như khi bước vào độ tuổi trung niên, những ca khúc sâu lắng, trữ tình bỗng thay thế những bản nhạc sôi động, xập xình mà nhiều người từng mê đắm khi còn trẻ.
Còn đó những chất xúc tác đặc biệt khác như các cộng đồng, hội nhóm chung đam mê trên mạng xã hội. Trong một nhóm về sách trên Facebook, có thể góp mặt cả ông cụ 80 tuổi lẫn một chàng thanh niên 18 tuổi. Họ có thể không quen biết trực tiếp, nhưng sau những tương tác, trao đổi, chia sẻ về sách, về những hành trình tìm kiếm…, những góc nhìn khác về sách cổ sẽ dần được nảy mầm trong những người trẻ.
Anh Hải An tâm sự: “Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp như vậy. Lúc đó, rất có thể họ sẽ bán đi bộ sưu tập sách đặc biệt của Đông A, Nhã Nam mà họ dày công sưu tầm khi còn trẻ để lấy tiền đi tìm mua một cuốn sách được xuất bản từ trước năm 1945. Khi tuổi tác thay đổi, quan niệm thay đổi, và lựa chọn trong thú chơi cũng sẽ thay đổi. Cái mạch chơi sách cổ nó vẫn tiếp nối như vậy, và mạch văn hóa dân tộc không hề bị đứt đoạn cũng nhờ thế”.
Vì thế, thứ đáng lo nhất không phải thiếu vắng thế hệ kế cận, mà là sự biến mất vĩnh viễn của những cuốn sách cổ. Lý do có thể muôn hình vạn trạng: do thất lạc, hỏa hoạn, mối mọt hay ẩm mốc. Chừng nào một cuốn sách còn hiện hữu, nó sẽ không bao giờ “chết”.
Nó sẽ nằm ở đâu đó, thuộc về ai đó, và là tình yêu của ai đó.