Xóm Cà Phê, thưởng trà hương cốm
Ở đây tôi mới biết phân biệt thế nào là chè và thế nào là trà nói chung. Khi đang sống xanh tươi trên nương đồi kia thì nó là cây chè, lá chè, khi đã qua khâu chế biến, trở thành thức uống chè sẽ thành trà. Không riêng gì danh trà Thái Nguyên mà mọi thứ “trà” khác trên thế giới cũng vậy, đều bắt đầu từ cây trái tươi như trà sâm, trà táo, trà việt quất… Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có 22.200 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt 272,8 nghìn tấn, sản lượng chè sau chế biến đạt 54,6 nghìn tấn, mang lại giá trị sản phẩm trà trên 13.800 tỷ đồng.
Địa điểm đầu tiên đoàn đến là Công ty cổ phần chè Trại Cài, xóm Cà Phê xã Đồng Hỷ. Thật lạ và vui là xóm trồng danh trà mà lại tên là xóm Cà Phê. Đường đi lối lại đã đổ bê-tông rộng rãi khang trang. Xe ô-tô 26 chỗ của đoàn chúng tôi vào được tận trong xóm. Ông Điển xóm trưởng cho biết, chính quyền đã vận động nhân dân thu hẹp lại hàng rào, hiến gần 10 nghìn m2 đất để làm đường.
Ông Nguyễn Minh Hoan, Phó Bí thư đảng ủy xã Minh Lập cũ, thủ phủ vùng trồng danh trà Trại Cài thông tin, rằng hiện Minh Lập đang có 362 ha chè đặc sản, trong đó hơn 100 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên năm 2022. Trà Trại Cài, mà người thẩm trà chuyên nghiệp ở đây thường chỉ gọi tắt là trà Cài, sở hữu hương cốm thoang thoảng, sắc nước trà pha vàng óng như mật ong, chát vừa phải cùng vị ngọt hậu lưu đằm trong họng. Những đơn đặt hàng trà Tân Cương còn thiếu thì dân làm trà sẽ bù thêm trà Trại Cài vào cho đủ mà vẫn một lòng yên tâm, bởi chất lượng cùng hương vị trà Trại Cài hoàn toàn tương đồng với trà Tân Cương. Việc phân biệt giữa hai loại này không bao giờ là dễ dàng ngay cả đối với dân sành trà bản địa. Chẳng qua do trà Trại Cài chưa nổi danh lâu như trà Tân Cương mà thôi.

“Nắn nót” với những danh trà
Đường đi lối lại trên các đồi chè Trại Cài - Minh Lập cũng đều được trải bê-tông, lắp camera an ninh và các biển cổ động như những đường phố xanh cây mát mắt. Ngay cả những người hái danh trà thời công nghệ 4.0 cũng tự trang bị bảo hộ lao động tân tiến, là áo blouson lắp quạt mát tự động. Những đồi chè mênh mông vắng vẻ kéo dài hút tầm mắt, bởi thế nên người hái chè bao giờ cũng đi đôi để hỗ trợ lẫn nhau.
Chè phải được hái thủ công từ sáng sớm, khi búp chè vẫn ngậm sương, giữ lại được nhiều hoạt chất quý báu. Người ta đã thử hái chè bằng máy, nhưng lại phải bỏ ngay vì lẫn nhiều búp lẫn lá tạp. Búp chè phải được phân loại ngay từ lúc hái một cách tinh tế. Tiếp đó chè sẽ được phơi héo trên các nong, bạt ở nhiệt độ thích hợp, diệt men trong bồn inox quay hoặc sao nóng, qua nhiều lần sao khô san ẩm theo riêng từng bí quyết nhà nghề, đến khi búp chè đã săn lại lên “mốc” thì dồn lại để gom hương thành trà.
Một dòng trà khác tôi cũng mới biết danh khi đến xã La Bằng. Chuyện trò cùng chúng tôi, nghệ nhân trà, chị Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chè La Bằng chia sẻ: Vùng chè La Bằng nằm phía sườn đông dưới chân núi Tam Đảo. Dãy núi như tấm bình phong chắn mây, chắn gió mùa Đông Bắc, làm nên cái rét Thái Nguyên nổi tiếng trong thơ ca kháng chiến. Đó là thiên thời dành cho cây chè ưa khí hậu mát lạnh. Chè lại được trồng trên vùng đất gan trâu non, tên khoa học là đất feralit. Loại đất này mưa thì thoát nước nhanh, khô thì giữ ẩm, lại thêm dòng suối Kẹm trong mát làm nguồn nước tưới. Đó là địa lợi. Còn nhân hòa là chúng em đây, những con người luôn “đau đáu khát khao” với cây chè quê hương, muốn đưa danh trà La Bằng - Thái Nguyên vươn ra cùng thế giới.
Nếu nói về hương vị dòng trà trung du, không nơi nào qua được Tân Cương. Dòng trà Bát Tiên chẳng ai vượt nổi Quân Chu dù nước pha hơi đỏ. Trà Long Vân trồng tại La Bằng đây kết tinh lại trong bốn chữ: Xanh - sánh - ánh - vàng, lại phảng phất hương hoa của núi rừng không nơi nào có được. Vùng nguyên liệu HTX chè La Bằng hiện có 37 ha, trong đó có 20 ha chè đã có chứng nhận VietGAP, 17 ha chè sản xuất hữu cơ, 7 ha chè có mã QR truy xuất vùng trồng. Sản phẩm trà sạch La Bằng có thị trường vươn đến tận châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…
Nhãn hiệu Đinh Tâm Trà của La Bằng đã được chọn làm quà cho các nguyên thủ quốc gia và khách quốc tế tại sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017 tổ chức tại Đà Nẵng. Vừa mới đây thôi, Thanh Hải trà của HTX chè La Bằng được đấu giá tại Hội thi “Bàn tay vàng chế biến chè” huyện Đại Từ (cũ) với giá chốt 68 triệu đồng/kg. Từ vài triệu đồng ngày thành lập HTX năm 2006, đến năm 2024, doanh thu trà La Bằng đã cán mốc 4 tỷ đồng.

Về chân núi gặp trà cổ thụ
Theo nhiều nguồn ghi chép, cây chè Thái Nguyên là cây di thực từ Phú Thọ, do cụ Đội Năm mang về trồng. Ngoài ra, hiện Thái Nguyên còn trồng các giống chè lai từ các giống chè Trung Hoa, chè Bát Tiên, chè Kim Tuyên… Chưa thỏa mãn với các giả thiết trên, để bổ sung thêm cho một căn cước văn hóa, nghệ nhân trà Nguyễn Thanh Hải vẫn đau đáu đi tìm nguồn cội cho cây chè Thái Nguyên đặc sản quê hương như một đứa con nhớ ơn tiên tổ.
Năm 2024, chị đã từng tổ chức một đoàn hơn 100 người gồm đại diện các doanh nghiệp, nhà báo, nhà khoa học lên núi Bóng thăm một rừng chè cổ. Núi Bóng chính là núi Hồng, nơi dưới chân phía Tuyên Quang có lán Nà Lừa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp. Nơi đó, trên độ cao tuyệt đối 740 m, có những gốc chè cổ thụ chu vi tới 1,6 m.
Theo ý kiến chỉ đạo của ông Trịnh Việt Hùng, Bí thư tỉnh ủy, Thái Nguyên đang chuẩn bị lập hồ sơ cây di sản cho chè cổ núi Bóng thì một niềm vui khác sớm nhanh đến không ngờ. Những người đi rừng La Bằng ngồi nghỉ dưới bóng một quần thụ trên núi Tam Đảo, thấy hoa rụng xuống mới biết đó là những cây chè quý giá cùng tuổi với rừng chè núi Bóng.
Nghe họ về làng nói chuyện, chị Hải tổ chức một đoàn khảo sát gấp rút khoác ba-lô lều trại lên đường. Khởi hành lúc 8 giờ sáng, sau 9 giờ đồng hồ leo núi vượt thác, đến 4 giờ chiều đoàn lên đến đỉnh núi 1.400 m. Cả đoàn reo lên khi thấy một rừng chè cổ rực rỡ trong ánh nắng buổi chiều tà. Trời ơi! La Bằng cũng có chè cổ. La Bằng cũng là cái nôi của danh trà Thái Nguyên.
Chúng tôi nghe chị reo trong câu chuyện của mình mà lòng sung sướng cười theo. Hạnh phúc cũng như hương trà, luôn cần được lan tỏa và chia sẻ. Một khám phá không chỉ nối dài mạch nguồn văn hóa mà còn thắp sáng niềm tự hào của những đứa con hiếu thảo tìm về nguồn cội.