Sản phẩm thiết bị điện thông minh của doanh nghiệp Việt được giới thiệu tại triển lãm công nghệ. Ảnh: BẮC SƠN
Sản phẩm thiết bị điện thông minh của doanh nghiệp Việt được giới thiệu tại triển lãm công nghệ. Ảnh: BẮC SƠN

Cơ chế tạo đột phá công nghệ số

Luật Công nghiệp công nghệ số có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, đánh dấu bước ngoặt để Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên số, thiết lập khung pháp lý vững chắc cho công nghiệp công nghệ số, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số.

Tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn

Luật Công nghiệp công nghệ số với nhiều cơ chế, chính sách mới được đánh giá là có tính đột phá để xây dựng những ngành công nghệ số mũi nhọn cho Việt Nam. Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ), Luật đã điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số, tạo nền tảng pháp lý đồng bộ để phát triển các ngành công nghệ số mũi nhọn.

Đáng chú ý, luật quy phạm hóa chương trình “Make in Vietnam”, ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ số Việt Nam trong các dự án ngân sách nhà nước, bảo đảm thị trường đầu ra ổn định.

Doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ kinh phí mua công nghệ, phát triển mẫu thử và xúc tiến thương mại quốc tế. Doanh nghiệp FDI được khuyến khích chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh toàn cầu.

Đánh giá về điểm đột phá của Luật Công nghiệp công nghệ số, TS Cao Anh Tuấn, CEO Genetica cho rằng, nếu như trước đây, doanh nghiệp công nghệ mạnh ai nấy làm khiến bộ mặt ngành giống như một “con nhím”, chỗ nào cũng là mạnh hết. Nhưng nay Luật đã đặt ra những lĩnh vực cụ thể hơn, trọng tâm hơn như AI, bán dẫn, công nghệ xanh, chuyển đổi xanh.

“Điều này giúp cho toàn bộ đội hình làm công nghệ của Việt Nam có định hướng tập trung hơn rất nhiều. Họ cũng tự tin hơn khi đầu tư vào những lĩnh vực được Nhà nước đặt trọng tâm, bởi điều đó cũng có nghĩa họ sẽ có thêm nguồn lực hỗ trợ, những chính sách thông thoáng hơn để mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực đó”, TS Cao Anh Tuấn chia sẻ.

CEO Genetica cũng đánh giá rất cao cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được quy định trong luật. Là một trí thức từ Mỹ trở về Việt Nam khởi nghiệp, TS Cao Anh Tuấn cho rằng, điều quan trọng nhất để giữ chân đội ngũ doanh nhân, tài năng công nghệ chính là cơ chế. Bởi để đưa ra thị trường một sản phẩm sau khi nghiên cứu và phát triển cần rất nhiều thời gian để thử nghiệm, rồi hàng rào quy chuẩn, tiêu chuẩn.

“Ở Mỹ hay Singapore, cơ chế thử nghiệm sandbox đã được áp dụng từ nhiều năm trước. Trong Luật Công nghiệp công nghệ số, lần đầu cơ chế sandbox được luật hóa tại Việt Nam mở ra những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp. Sandbox không chỉ giúp phát triển công nghệ tốt hơn mà còn mang công nghệ đến tay người dùng nhanh hơn”, TS Tuấn nhận định.

Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số mạnh

Các chuyên gia khẳng định, một trong những điểm nổi bật của Luật Công nghiệp công nghệ số là tạo ra những cơ chế vượt trội trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ. Từ đó đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hàng đầu về kinh tế số. Đồng thời, Luật được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thể chế quan trọng, giúp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, gia tăng doanh thu và khẳng định thương hiệu toàn cầu.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), ba khía cạnh quan trọng mà Luật tiến tới thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là: Cắt giảm thủ tục quy định, hỗ trợ rõ ràng và đặc biệt là cơ chế để các hỗ trợ đi vào thực tế hiệu quả.

“Chưa bao giờ, ngành công nghệ ở Việt Nam có những thuận lợi rõ ràng như hiện nay. Trước đây, cũng có những chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng hầu hết nguồn lực rất khó để đến nơi cần. Với Luật này, chúng tôi kỳ vọng các hỗ trợ sẽ được thực hiện bằng cơ chế thực chất và hiệu quả hơn”, ông Thịnh nói.

Với MedCAT, một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI, Luật Công nghiệp công nghệ số đã mang tới cho họ nhiều hy vọng.

“Luật Công nghiệp công nghệ số đã đưa AI vào là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Việt Nam đang đi theo xu hướng của thế giới là nhìn nhận AI là một cơ hội để phát triển. Những doanh nghiệp khởi nghiệp cũng nhận được rất nhiều cơ hội từ các đơn vị tài trợ, những đơn vị đi đồng hành”, bà Đặng Thị Ánh Tuyết, CEO MedCAT chia sẻ.

Theo bà Đặng Thị Ánh Tuyết, nếu như chỉ sáu tháng trước đây, MedCAT rất khó có cơ hội tham gia những dự án liên quan đến chuyển đổi số, dữ liệu quốc gia. Thế nhưng tại thời điểm này doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội rất rõ ràng.

“Những yêu cầu về xây dựng cơ sở dữ liệu ngày càng rõ ràng, chiến lược về AI được định hướng từ cấp trung ương và hiện nay đang triển khai đến địa phương. Sản phẩm của chúng tôi đã được đưa vào ứng dụng thử trong các cơ quan nhà nước. Đây là một bước tiến lớn đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp như chúng tôi”, bà Tuyết chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, một trong những điểm đột phá của Luật Công nghiệp công nghệ số chính là đưa ra những ưu đãi vượt trội cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, chỉ cần doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sẽ được Nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm đầu và miễn tiền thuê đất ba năm.

Thứ hai, đối với các lĩnh vực ưu tiên như sản phẩm công nghệ số trọng điểm, bán dẫn, AI, điện toán hiệu năng cao (HPC), hoặc đầu tư vào khu công nghệ số tập trung, doanh nghiệp sẽ được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong 15 năm, đồng thời được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu và giảm 50% trong chín năm tiếp theo. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được miễn tiền thuê đất trong 11 năm, thậm chí có thể lên tới 15 năm nếu dự án đặt tại địa bàn đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, với dự án quy mô lớn có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ số trọng điểm, bán dẫn, AI hoặc HPC, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi tương đương dự án có quy mô 30.000 tỷ đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi chỉ 5% trong suốt 37 năm, miễn thuế sáu năm đầu và giảm 50% trong 13 năm tiếp theo. Về chi phí thuê đất và mặt nước, dự án được miễn toàn bộ trong 22 năm và tiếp tục được giảm 75% cho thời gian còn lại. Đây là những chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ số mang tính chiến lược của quốc gia.

Bên cạnh chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp, Nhà nước cũng đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực đầu vào cho ngành công nghiệp công nghệ số. Sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực này sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ như: Ưu đãi tín dụng, lãi suất vay học tập phù hợp, học bổng học thuật, trợ cấp xã hội và miễn giảm học phí; đồng thời hỗ trợ cả chi phí cho việc đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ số chất lượng cao. Đồng thời, Nhà nước ưu tiên đầu tư vào cơ sở vật chất đào tạo và hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp để tham gia đào tạo sinh viên hoặc phát triển nhân lực phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Với mục tiêu hình thành 150.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2035, Luật Công nghiệp công nghệ số đặt nền móng xây dựng hệ sinh thái công nghệ vững mạnh, thúc đẩy phát triển nhân lực.

Xem thêm