Hoạt động tư vấn tuyển sinh năm 2025 của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Hoạt động tư vấn tuyển sinh năm 2025 của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phân hóa tốt

Đúng 8 giờ ngày 16/7, thí sinh có thể tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Nếu như khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 xuất hiện khá nhiều dư luận về đề thi, đặc biệt là độ khó của đề Toán và Tiếng Anh, thì phổ điểm được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy sự bất ngờ, xóa tan các lo ngại trước đó.

Đánh giá đúng năng lực học sinh

Trước đó, chiều 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT. Phổ điểm giúp thí sinh biết kết quả của mình nằm ở ngưỡng nào, từ đó quyết định đặt nguyện vọng xét tuyển phù hợp. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT (công bố 8 giờ ngày 16/7), thí sinh có nhu cầu sẽ nộp đơn phúc khảo, hạn cuối là ngày 25/7.

Cũng từ ngày 16 đến 17 giờ ngày 28/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học. Thí sinh được điều chỉnh không giới hạn số lần trong thời gian này. Lệ phí xét tuyển trực tuyến nộp từ ngày 29/7 đến 17 giờ ngày 5/8.

Nhận xét về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, GS Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi theo dõi phổ điểm năm nay, ông thật sự bất ngờ “vì đề thi được xây dựng tốt hơn tôi kỳ vọng”. Với môn Toán, vốn được xem là “thước đo” năng lực tư duy của học sinh, phổ điểm đã thể hiện rõ tính phân hóa. Việc điểm trung bình thấp, theo GS Đức, không đồng nghĩa với thất bại, mà cho thấy đề thi đã yêu cầu học sinh phải vận dụng tư duy và hiểu bản chất thay vì chỉ học thuộc. Đặc biệt, đề thi không dễ dãi, cũng không đánh đố, mà phân loại học sinh rõ rệt - đó là điểm rất đáng ghi nhận. Về các môn Hóa, Sinh, GS Đức nhận định có tỷ lệ điểm thấp hơn, nhưng điều đó không quá bất thường, bởi số lượng thí sinh chọn các môn này để xét tuyển tổ hợp cũng giảm mạnh. Điều này phản ánh xu hướng lựa chọn tổ hợp thi của học sinh đang dần thực tế và định hướng rõ ràng hơn.

Ở môn Ngữ văn, theo cô giáo Hoài Thanh, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, tuy là môn tự luận với đổi mới cách ra đề, không có ngữ liệu quen thuộc trong sách giáo khoa, nhưng năm nay phổ điểm vẫn cao, cho thấy hướng ra đề đã phù hợp trình độ học sinh phổ thông. Điều này cho thấy học sinh thích ứng tốt với yêu cầu mới.

Giảng dạy tiếng Anh tại Trường THCS-THPT Phenikaa, thầy Đồng Quang Thuận đánh giá phổ điểm môn Tiếng Anh năm 2025 thể hiện bước chuyển tích cực trong thiết kế đề thi với xu hướng chuẩn hóa và tăng tính phân loại. Với điểm trung bình 5,38 và trung vị 5,25, phổ điểm có dạng gần chuẩn, hơi lệch trái, cho thấy phần lớn thí sinh đạt kết quả trung bình khá, đồng thời có một nhóm nhỏ kéo điểm trung bình lên.

Độ lệch chuẩn chỉ 1,45 (giảm mạnh so 1,88 của năm 2024) cùng với độ lệch tuyệt đối trung vị (MAD) 1,16 phản ánh sự hội tụ rõ rệt của điểm số quanh trung tâm, giúp đánh giá năng lực một cách ổn định và công bằng. Đáng chú ý, số thí sinh đạt điểm từ 7 trở lên chỉ chiếm 15,13% (so 25,2% năm 2024), và số điểm 10 chỉ còn 141 em (giảm 75%). Đây là dấu hiệu rõ ràng của việc đề thi đã siết chặt “trần điểm”, tăng cường khả năng phân loại ở nhóm thí sinh khá, giỏi, phục vụ mục tiêu tuyển sinh đại học.

Nhìn tổng thể, phổ điểm 2025 phản ánh một đề thi có độ khó được điều tiết hợp lý, giàu khả năng phân loại và phù hợp định hướng đổi mới kiểm tra đánh giá; không chỉ phục vụ xét tốt nghiệp mà còn hỗ trợ hiệu quả cho các mục tiêu tuyển sinh đại học và nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ trên toàn quốc.

Với môn Công nghệ công nghiệp - lần đầu xuất hiện trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo cô Trần Thị Phương, giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội), phổ điểm có dạng hình chuông lệch phải, đỉnh rơi vào 4,5 - 5,5 điểm, cho thấy điểm tập trung cao ở mức năng lực trung bình. Tỷ lệ học sinh đạt điểm 8 trở lên tuy có nhưng không quá nhiều. Cả nước có bốn điểm 10, phản ánh rõ sự phân hóa; không có thí sinh bị điểm liệt (dưới 1 điểm), cho thấy đề thi đã phù hợp trình độ học sinh đại trà.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), ghi nhận một chuyển biến rất tích cực: học sinh năm nay được học và thi các môn mình lựa chọn, đúng sở trường. Điều này giúp các em học tập hiệu quả hơn, tâm lý ổn định hơn và kết quả thi phản ánh đúng năng lực. “Khi chương trình mới được triển khai, chúng tôi từng rất lo lắng về tính khả thi. Nhưng sau ba năm, đặc biệt qua kỳ thi năm nay, tôi thấy rõ ràng học sinh đã trưởng thành hơn về nhận thức và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn”, cô Quỳnh nhận xét. “Việc đổi mới đề thi, đặc biệt ở môn Toán và Tiếng Anh, đòi hỏi giáo viên cũng phải đổi mới phương pháp giảng dạy, học sinh phải thay đổi cách thức học không phải là lớp 12 mà ngay từ lớp 10. Không thể chỉ dạy mẹo làm bài, học thuộc mẫu, mà phải giúp học sinh hiểu và vận dụng kiến thức. Đây là quá trình khó khăn nhưng bắt buộc phải thực hiện để không chỉ đáp ứng yêu cầu của kỳ thi mà quan trọng hơn là đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống”, cô Bội Quỳnh nhấn mạnh.

Các thầy, cô giáo đều có chung quan điểm, phổ điểm năm nay cho thấy có sự phân tầng rõ giữa các nhóm học sinh yếu, trung bình, khá và giỏi. Như vậy, đề thi đã đánh giá đúng năng lực học sinh, tạo cơ sở đáng tin cậy để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. So với mục tiêu đặt ra của kỳ thi, phổ điểm này đã phản ánh đúng năng lực của học sinh sau ba năm học chương trình mới. Kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được tổ chức ổn định, nghiêm túc và có độ tin cậy cao với đề thi có độ bao phủ tốt các mức độ nhận thức, không quá dễ hay quá khó.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng GD&ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thực hiện đầy đủ ba mục tiêu quan trọng: xét tốt nghiệp, cung cấp dữ liệu đánh giá chất lượng dạy học ở phổ thông, và là căn cứ cho chính sách giáo dục. Phân tích phổ điểm năm nay không chỉ mang tính lý thuyết mà còn phản ánh thực tiễn vận hành kỳ thi, từ khâu ra đề đến tổ chức thi, tuyển sinh. Ông Thưởng cho rằng, phổ điểm năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, đủ sức làm căn cứ tuyển sinh đại học. Các tỉnh vùng khó như Gia Lai, An Giang có học sinh đạt điểm cao ở môn Tin học, phản ánh tác động tích cực từ các chính sách liên quan đến dạy học, thi cử…

Các trường đại học xét tuyển sẽ có độ chênh lệch lớn về điểm chuẩn

Phân tích phổ điểm, GS Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội dự đoán, điểm chuẩn xét tuyển đại học năm nay sẽ thấp hơn so năm ngoái do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đề thi có sự phân hóa tốt hơn, điểm trung bình chung có giảm. Tỷ lệ điểm giỏi so mọi năm thấp hơn. Vì vậy, điểm chuẩn xét tuyển thấp hơn so năm ngoái. “Ban đầu, chúng tôi dự đoán, điểm chuẩn năm nay sẽ thấp hơn 2 - 6 điểm vì thí sinh và giáo viên đều đánh giá đề Toán và Tiếng Anh khó. Nhưng khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm, chúng tôi bất ngờ vì phổ điểm không có sự phân biệt lớn. Điểm chuẩn sẽ thấp hơn khoảng 2-3 điểm tùy lĩnh vực”, ông Đức nhận định.

Ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Hành chính, Trường đại học sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhận xét, nói chung, phổ điểm thi năm nay thể hiện tính phân hóa thí sinh tốt hơn các năm trước. Các trường đại học xét tuyển sẽ có độ chênh lệch lớn về điểm chuẩn. Các trường ở top đầu dự kiến điểm chuẩn không có nhiều thay đổi (trừ tổ hợp có môn Toán có thể giảm nhẹ). Đối với các trường nhóm dưới, điểm chuẩn năm nay sẽ giảm nhiều (2 - 3 điểm, hoặc hơn).

Theo ông Nguyễn Thế Lực, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Dược Hà Nội, 2025 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù cấu trúc đề thi có đôi chút thay đổi nhưng nhìn chung phổ điểm năm nay cơ bản đẹp. Điểm trung bình chung các môn hầu hết thấp hơn năm trước. Đặc biệt, môn Toán mặc dù có số điểm 10 vượt trội so năm 2024 (513 so với 0), tuy nhiên đây cũng là môn có điểm trung bình thấp nhất trong các môn thi.

Kết quả phổ điểm năm nay phản ánh đúng mục tiêu của chương trình mới, đó là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú. Nhờ đó, các em có được cuộc sống có ý nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. Liên quan xét tuyển đại học, với phổ điểm năm nay, ông Nguyễn Thế Lực cho rằng sẽ thuận lợi cho các trường đại học tuyển sinh. Dự đoán, trường có điểm chuẩn từ 25 trở lên vẫn bảo đảm ổn định và ít có sự điều chỉnh. Các trường nhận dưới mức 25 điểm sẽ giảm nhẹ điểm chuẩn nhằm bảo đảm lượng thí sinh xét tuyển.

Xem thêm