Tư vấn ngành học cho học sinh tại Trường Điện - Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) sáng 19/7.
Tư vấn ngành học cho học sinh tại Trường Điện - Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) sáng 19/7.

“Chọn con đường nào cũng phải hiểu rõ bản thân”

Chỉ còn một tuần nữa (17 giờ ngày 28/7), hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ đóng. Tuy nhiên, vẫn còn ngổn ngang những thắc mắc của phụ huynh, thí sinh được đặt ra tại Ngày Hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 diễn ra tại khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội vào sáng 19/7.

Sự thành công gắn với năng lực

Rất nhiều thí sinh tham dự ngày hội để tìm hiểu cách thức đăng ký xét tuyển và cập nhật thông tin về điểm sàn, dự báo điểm chuẩn năm nay. Một nam sinh bày tỏ: “Em rất muốn học ngành Thiết kế vi mạch tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng không tự tin lắm với nguyện vọng này. Vậy, cùng một ngành có thể đăng ký nhiều tổ hợp được không?”. PGS, TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thí sinh chỉ cần “ba cú kích chuột”. Thứ nhất là sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức độ yêu thích, mong muốn của mình. Thứ hai là chọn trường và thứ ba là chọn ngành (với mỗi nguyện vọng).

Thí sinh không cần phải đăng ký từng tổ hợp xét tuyển, hay phương thức xét tuyển cụ thể, vì hệ thống sẽ tự động lựa chọn tổ hợp/phương thức có lợi nhất cho thí sinh. Thầy Hải cũng cho biết, hệ thống xét tuyển của Bộ chỉ hiển thị những dữ liệu chung, còn những dữ liệu phục vụ việc xét tuyển của riêng mỗi trường thì các trường sẽ tự xử lý sau khi thí sinh cập nhật đầy đủ dữ liệu lên hệ thống.

Nắm bắt xu thế, ngành vi mạch bán dẫn được nhiều phụ huynh và thí sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn. Sau khi nghe TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tư vấn có thể đăng ký học ngành kép để theo đuổi ngành mình mơ ước nhưng chưa đủ điểm đỗ, một vị phụ huynh có con vừa tốt nghiệp Trường THPT Quang Trung - Hà Đông hỏi con có thể “đi đường vòng” để theo ngành vi mạch bán dẫn, công nghệ nano… của Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội không?

PGS, TS Vũ Duy Hải cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố dự kiến điểm chuẩn tất cả các ngành đào tạo, nhưng điểm chuẩn chính thức chỉ chốt khi kết thúc thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng. Nên ở thời điểm hiện tại, thí sinh mong muốn vào ngành nào thì cứ mạnh dạn đăng ký.

Ông Hải cũng thông tin: Thí sinh tốt nghiệp cử nhân của Đại học Bách khoa Hà Nội được phép học chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu. Đây cũng là một cách “đi đường vòng” để được học ngành mơ ước. Song ông cũng lưu ý, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, học một ngành đã vất vả nên thí sinh cần cân nhắc để bảo đảm yêu cầu học tập.

Trao đổi ý kiến thêm với gia đình các thí sinh muốn học vi mạch bán dẫn, PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa cho hay, muốn làm việc ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn có thể học ở nhiều ngành khác nhau. Lĩnh vực này tạm chia hai dạng: Thiết kế vi mạch và công nghệ kiểm thử đóng gói. Vì thế phụ huynh và thí sinh cần tham khảo kỹ thông tin về ngành đào tạo của các trường khối kỹ thuật công nghệ để có nhiều lựa chọn.

Với ngành chip bán dẫn, để thiết kế ra các con chip, vi mạch phải là ở bậc đại học - là “nhân lực nghĩ”, còn “nhân lực làm” được TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội giới thiệu rằng, chính là đội ngũ nhân lực học cao đẳng. Do vậy, việc lựa chọn bậc học đại học hay cao đẳng phù hợp với năng lực là lý tưởng nhất, không cứ phải vào đại học mới thành công.

Vì vậy, khi có học sinh đặt câu hỏi: “Học cao đẳng có những ưu đãi nào, liệu có thất nghiệp khi nhiều nơi chỉ tuyển dụng người có bằng đại học?”, TS Đồng Văn Ngọc cho rằng, học đại học là bậc học hàn lâm, còn học cao đẳng là sự lựa chọn. Ai cũng muốn sẽ đỗ vào một trường đại học tốt nhất, phù hợp nhất. Tuy nhiên, TS Ngọc chia sẻ: “Đại học hay học cao đẳng thì sự thành công của mỗi con người trong suốt cuộc đời không gắn với bằng cấp, mà gắn với năng lực, gắn với khả năng phát triển của mỗi người”.

Theo ông, khác với đại học, học cao đẳng sẽ chỉ học trong ba năm, một số trường sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài có thể lên 3,5 năm. Chương trình đào tạo hầu hết là thực hành, chiếm hơn 70%. “Hiện nay, những ngành nghề liên quan đến cơ khí, ô-tô, điện, điện lạnh… khi sinh viên vào học được nhà nước cấp 70% học phí. Với Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội thì được doanh nghiệp hỗ trợ thêm 30%, miễn học phí hoàn toàn. Về cơ hội việc làm, hiện các doanh nghiệp trong nước đang rất khát nhân lực trình độ từ cao đẳng trở xuống, tuy nhiên chúng ta phải có năng lực học tốt, xây dựng mục tiêu rõ ràng, khi đó dù học đại học hay cao đẳng đều sẽ là lựa chọn phù hợp”, ông Ngọc nói.

Có thể xếp nguyện vọng yêu thích trước nguyện vọng được tuyển thẳng

TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Đào tạo báo chí và truyền thông khuyên phụ huynh không nên “nghe nói” mà chỉ nên nắm thông tin chính xác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và thông tin đăng trên website chính thức của các cơ sở đào tạo. Ông chia sẻ thêm một chính sách “mềm” cho thí sinh có điểm không đủ vào ngành mình yêu thích nhưng đủ điểm sàn vào trường, chẳng hạn báo chí - truyền thông. Theo đó, thí sinh có thể lựa chọn ngành có điểm chuẩn thấp hơn ngành mong muốn. Sau khi vào trường học, bảo đảm yêu cầu học tập, thí sinh có thể đăng ký học ngành kép để được học thêm ngành mà mình mơ ước.

Trước thắc mắc của thí sinh “nhận điểm phúc khảo khi đã qua thời gian xét tuyển thì đăng ký ra sao?”, GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hệ thống sẽ tự động cập nhật nếu điểm sau phúc khảo của thí sinh có sự thay đổi, thí sinh hãy yên tâm.

Về băn khoăn điểm chuẩn các trường đại học năm nay có thay đổi khi phổ điểm có biến động, ông Thảo nói năm nay dự báo sẽ có sự thay đổi về điểm chuẩn, bởi các tổ hợp thi tốt nghiệp THPT đều có sự thay đổi. “Không nên lo lắng vì điểm D01 thấp, C00 cao thì bất công. Năm nay, một trường xét tuyển bằng cả hai tổ hợp D01 và C00, sẽ có hiệu chỉnh theo bách phân vị. D01 có thể được cộng thêm điểm; C00 có thể trừ 0,5 - 1 điểm, tùy theo sự điều chỉnh của các trường để bảo đảm quyền lợi của thí sinh”, ông Thảo nói.

Phụ huynh có con học Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) hỏi cách đặt nguyện vọng theo thứ tự ở trường và ở hệ thống của Bộ có buộc phải giống nhau không? Thí sinh có được đăng ký thêm/bớt nguyện vọng (so với đã đăng ký với trường) trên hệ thống của Bộ không? “Được xét tuyển thẳng vào một trường đại học (do quyết định của trường), vậy con bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển thẳng đó là nguyện vọng 1 hay có thể đặt sau một số nguyện vọng yêu thích khác?”, phụ huynh thắc mắc.

GS, TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, việc đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT là bắt buộc và là quyết định cuối cùng của thí sinh trong mùa xét tuyển năm nay. “Trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng so với thứ tự khi đăng ký ở trường, có thể thêm, bớt số nguyện vọng. Trường hợp thí sinh được xét tuyển thẳng (do quyết định của một trường), nhưng thí sinh muốn ưu tiên các nguyện vọng khác thì có thể xếp nguyện vọng mình yêu thích trước nguyện vọng được tuyển thẳng. Trường hợp không đỗ các nguyện vọng yêu thích thì cơ hội tuyển thẳng vẫn còn hiệu lực”, ông tư vấn.

Gửi thông điệp tới thí sinh, GS, TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh, ngưỡng cửa đại học chưa phải là đích đến cuối cùng, mà chỉ là bước khởi đầu trong quá trình trưởng thành, một hành trình rất khác những gì các bạn đã từng trải qua. Theo ông, không có trường đại học, ngành nghề nào là lý tưởng, là lương cao, dễ xin việc nếu chúng ta không cố gắng hết mình bằng cả tình yêu, trái tim và khối óc. Cũng không có nghề nghiệp nào thành công mà không có áp lực, mồ hôi và nước mắt. Không có điểm số nào là cao nếu ta sớm tự tin và tự mãn. Không có cánh cửa nào đóng lại nếu chúng ta không từ bỏ ước mơ, không có con đường nào là thảm đỏ nếu ta không hiểu con đường mình đang đi.

Vụ trưởng Giáo dục đại học nhắn gửi, dù bạn là ai, chọn con đường nào, điều quan trọng là hãy hiểu rõ bản thân, dám mơ ước và đủ dũng cảm để theo đuổi ước mơ ấy. “Hãy tin rằng, quyết định mình đưa ra hôm nay, dù là ngành, trường học nào thì đều phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Khi đặt niềm tin vào đó thì phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Khi đặt niềm tin vào đó và nỗ lực hết mình, cánh cửa diệu kỳ sẽ mở ra cơ hội phát triển bản thân”.

Các chuyên gia tư vấn, thí sinh chọn ngành, trường học nên dựa vào ba tiêu chí:

Thứ nhất, nên xem mình muốn gì, phù hợp với ngành nào. Đây là tiêu chí quan trọng nhất.

Thứ hai, chọn các ngành học đang được Nhà nước quan tâm, đầu tư. Chẳng hạn, lĩnh vực STEM, từ nay đến 2030, mục tiêu mỗi năm đào tạo 80.000 kỹ sư STEM. Hay khối ngành bán dẫn, có đề án đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân. Đây là những chiến lược lớn của Nhà nước đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, chọn những trường, ngành nghề có sự gắn kết học thuật với thực tiễn, làm sao để sinh viên học trên ghế nhà trường thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp.

Xem thêm