Người có BHYT được lựa chọn dịch vụ
Người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được thanh toán chi phí thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng. Phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu với mức thanh toán của quỹ BHYT sẽ do người bệnh tự chi trả trực tiếp cho cơ sở y tế.
Điều này đồng nghĩa người dân có quyền lựa chọn dịch vụ khám theo yêu cầu, thí dụ chọn bác sĩ, chọn phòng điều trị tốt hơn, mà vẫn được quỹ BHYT thanh toán đúng quyền lợi, chỉ cần đóng thêm phần chênh lệch ngoài mức bảo hiểm chi trả.
Quy định cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị y tế và bảo đảm khả năng cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng ký kết với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, các cơ sở y tế phải công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải tự chi trả ngoài phạm vi quyền lợi BHYT, thông báo rõ phần chi phí chênh lệch trước cho người bệnh để tránh phát sinh khiếu nại, bức xúc sau này.
Ông Nguyễn Mạnh Trường, cán bộ hưu trí tại phường Yên Hòa (Hà Nội) bày tỏ: “Việc cho phép khám, chữa bệnh theo yêu cầu nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT là phù hợp xu hướng phát triển dịch vụ y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nay, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng đa dạng, cho dù chúng tôi có thẻ BHYT nhưng khi bị bệnh vẫn muốn được hưởng các dịch vụ y tế tốt và sẵn sàng trả thêm phần chênh lệch đó. Một mặt, chúng tôi vẫn được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT nhưng lại được hưởng thêm lựa chọn dịch vụ. Tôi rất hài lòng về sự thay đổi này!”.
Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện ở Hà Nội cũng đóng góp: “Quy định này tạo động lực để các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ. Ở đâu bác sĩ có chuyên môn giỏi, trang thiết bị hiện đại kèm theo thái độ phục vụ ân cần khiến người bệnh yên tâm là họ tìm đến ngay. Việc được chi trả BHYT là một chuyện, nhưng câu chuyện quan trọng không kém là người nhà bệnh nhân và bệnh nhân phải thấy được hiệu quả khám, chữa bệnh “đáng đồng tiền, bát gạo!”.
Chính sách linh hoạt của BHYT
Chị Lê Thị Trinh (quê Ninh Bình) thường xuyên bị đau bụng, lên những cơn co thắt và tiêu chảy. Thay vì chọn khám ở địa phương, chị đã đến Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chị Trinh cho biết, mình có thẻ BHYT, tuy nhiên vì tiết kiệm thời gian và việc xin giấy chuyển cơ sở khám, chữa bệnh khó khăn nên chị đã đến đây để được khám bệnh theo yêu cầu. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, tiến hành nội soi đại tràng, chị phải thanh toán số tiền là gần 5 triệu đồng.
Khi được hỏi, chị có nắm được thông tin về khám, chữa bệnh theo yêu cầu cũng được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng từ ngày 1/7, chị lắc đầu không biết. Chị Trinh cũng như rất nhiều bệnh nhân khác ở đây đều có thẻ BHYT, nhưng chấp nhận bỏ thêm tiền để khám, chữa bệnh dịch vụ. Lý do là khám BHYT thường phải chờ đợi lâu và cũng chưa biết đến chính sách này cũng như thủ tục để được hưởng quyền lợi BHYT.
Ths, BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Khi người bệnh khám, chữa bệnh theo yêu cầu, quỹ BHYT vẫn thanh toán các chi phí thuộc phạm vi quyền lợi như thuốc, dịch vụ kỹ thuật, tiền giường… theo mức giá BHYT quy định. Phần chênh lệch giữa giá dịch vụ theo yêu cầu và mức giá BHYT sẽ do người bệnh tự trả cho cơ sở y tế”.
“Đây là chính sách ưu việt của BHYT. Nó cho phép người bệnh có điều kiện kinh tế tốt hơn, được lựa chọn dịch vụ tốt hơn theo mong muốn cá nhân, đồng thời vẫn bảo đảm những quyền lợi BHYT theo quy định. Riêng thuốc, không có khái niệm “thuốc theo yêu cầu”. Nếu thuốc thuộc danh mục BHYT chi trả, người bệnh sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi, không phân biệt khám BHYT hay khám theo yêu cầu”, Ths, BSCKII Trần Thái Sơn cho biết.
Lấy thí dụ về mức giá khám, chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Sơn cho biết: “Hiện nay tiền công khám theo quyết định của Bộ Y tế phê duyệt giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai là 50.600 đồng/lượt. Giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu lựa chọn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 300.000 đồng/lượt. Do đó người bệnh sẽ tự trả phần chênh lệch 249.400 đồng. Phần còn lại 50.600 đồng, quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng trên thẻ (80%, 95% hoặc 100%)”.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, để được hưởng quyền lợi BHYT khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh phải thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, người bệnh có phiếu chuyển cơ sở khám, chữa bệnh từ một cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản cấp và còn thời gian hiệu lực.
Thứ hai, người bệnh có phiếu hẹn khám lại BHYT do chính Bệnh viện Bạch Mai cấp. Giấy này phải đúng mẫu theo quy định tại Thông tư số 01/2025/TT-BYT và vẫn còn giá trị sử dụng. Người bệnh đến khám lại trong thời gian được ghi trên giấy hẹn hoặc bất kỳ thời gian nào trước ngày hẹn khám lại nếu có dấu hiệu (triệu chứng) bất thường. Trường hợp vì lý do khách quan không thể đến đúng hẹn (thí dụ tai nạn, gia đình có việc gấp...), người bệnh chủ động liên hệ với bệnh viện để được hỗ trợ và thống nhất lại thời gian khám lại để quyền lợi của mình được bảo đảm.
Thứ ba, người bệnh mắc một trong các bệnh thuộc danh mục 62 bệnh và nhóm bệnh theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng, một số bệnh trong danh mục trên có kèm điều kiện cụ thể. Chẳng hạn, nếu bệnh không có ghi chú “người bệnh được hưởng quyền lợi ngay trong lượt khám, chữa bệnh có kết quả xác định bệnh” thì người bệnh chỉ được quỹ BHYT thanh toán khi đã được một cơ sở khám, chữa bệnh khác chẩn đoán xác định. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT, trong các trường hợp này, người bệnh phải mang theo đơn thuốc hoặc giấy ra viện của lần khám, chữa bệnh trước đó để làm bằng chứng.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, TS Cát Vân Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết: “Bệnh viện Mắt Trung ương là bệnh viện chuyên sâu nên theo phụ lục 1 Thông tư 01/2025 có hai bệnh là ung thư mắt và bệnh võng mạc trẻ đẻ non, người bệnh BHYT sẽ được hưởng khi đi khám bệnh mà không cần giấy chuyển tuyến. Tuy nhiên, đối với ung thư mắt thì có điều kiện đi kèm là bệnh đã được chẩn đoán xác định và có điều trị đặc hiệu.
“Đối với bệnh ung thư mắt, có điều kiện kèm theo là bệnh nhân phải được chẩn đoán xác định và có chỉ định điều trị đặc hiệu thì mới được hưởng quyền lợi. Thông thường ở lần khám thứ 2 thì bệnh nhân mới được hưởng BHYT, hoặc ở tuyến dưới đã chẩn đoán ra bệnh, nhưng không điều trị được nên phải chuyển lên tuyến trên. Khi ấy, bệnh nhân mới đủ điều kiện được bảo hiểm chi trả mà không cần giấy chuyển tuyến”, bà Vân Anh thông tin thêm.
Đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh
Bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho hay, Nghị định 02/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật BHYT bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt đối với trường hợp người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đó, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng, theo quy định tại Điều 22 của Luật BHYT.
Bên cạnh đó, thủ tục khi đi khám cũng được đơn giản hóa, tránh phiền hà. Cụ thể, khi đi khám, người dân chỉ cần mang theo giấy tờ phù hợp. Nếu thông tin BHYT đã được tích hợp trên căn cước công dân hoặc tài khoản VNeID mức độ 2 thì chỉ cần xuất trình giấy tờ đó, không cần mang thẻ BHYT giấy. Nếu chưa tích hợp, có thể dùng thẻ BHYT hoặc mã số BHYT. Trường hợp thẻ chưa có ảnh thì phải kèm theo giấy tờ tùy thân có ảnh như căn cước công dân, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử hoặc giấy xác nhận của công an xã, trường học.
Trẻ em dưới 6 tuổi chỉ cần xuất trình thẻ BHYT, nếu chưa được cấp thẻ thì xuất trình giấy khai sinh (bản gốc, bản sao, trích lục) hoặc giấy chứng sinh (bản gốc hoặc bản sao). Trường hợp trẻ vừa sinh, cha mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án. Người đang chờ cấp lại hoặc đổi thẻ BHYT được dùng giấy hẹn trả kết quả của cơ quan bảo hiểm xã hội kèm giấy tờ tùy thân. Người hiến tạng nhưng chưa kịp được cấp lại thẻ vẫn được hưởng BHYT nếu xuất trình giấy ra viện kèm giấy tờ tùy thân. Với trường hợp cấp cứu, người bệnh cần bổ sung đầy đủ các giấy tờ trên trước khi kết thúc đợt điều trị để được thanh toán BHYT.