Cần chính sách hỗ trợ sát sườn
Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - HIDS, đơn vị chủ trì đề án) vừa hoàn thiện dự thảo đề án. Trọng tâm hướng tới nhóm tài xế công nghệ, giao hàng - lực lượng thường xuyên di chuyển, có mức phát thải cao và sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh hằng ngày.
Dự kiến, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ như miễn lệ phí trước bạ, cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe lần đầu (khoảng 3 triệu đồng/xe). Lãi suất vay mua xe điện được hỗ trợ ít nhất 2% thông qua Nghị quyết 198, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Xe cũ đã hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn khí thải được tạo điều kiện thu mua. Từng chuyến xe điện cũng sẽ được hoàn thuế VAT, giúp tài xế tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành.
Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với Tổ chức tài chính vi mô CEP và một số ngân hàng để thiết kế các gói vay mua xe điện kỳ hạn 24 - 30 tháng. Khoản trả góp hằng tháng được tính toán tương đương với số tiền tiết kiệm được từ việc không phải mua xăng.
Anh Lê Văn Hoàn, tài xế xe công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xe điện giúp tiết kiệm chi phí, đi êm, không gây ồn ào, đặc biệt góp phần bảo vệ môi trường. “Tôi ủng hộ chuyển đổi xe điện nhưng rất cần Nhà nước, doanh nghiệp có những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời đi kèm”.
Mỗi ngày anh Hoàn tốn cả trăm nghìn đồng tiền xăng để phục vụ cho công việc. Nhiều anh em tài xế đã chuyển đổi sang xe điện chia sẻ với nhau, tính ra, tiền sạc điện khi chuyển đổi chỉ bằng một phần năm chi phí hiện tại.
Đồng quan điểm, anh Hà Đình Sơn, tài xế chạy xe ô-tô công nghệ ở khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, việc chạy xe xăng trong khu vực trung tâm thành phố rất tốn kém. Giờ cao điểm phải di chuyển chậm, đồng nghĩa tiền xăng phải chi nhiều hơn. Nếu chuyển đổi sang xe điện sẽ giải quyết được bài toán trên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ sát sườn. Đồng thời, doanh nghiệp cần đầu tư đồng bộ hạ tầng trạm sạc cũng như các dịch vụ liên quan để xe điện hoạt động hiệu quả.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, khảo sát với hơn 400 tài xế cho thấy mỗi ngày họ chạy trung bình 80 - 120 km, tiêu tốn 70.000 - 100.000 đồng tiền xăng. Do di chuyển nhiều vào giờ cao điểm, kẹt xe, chở nặng… mức tiêu hao nhiên liệu của họ cao hơn bình thường từ 20 - 40%. Trong khi đó, nếu sử dụng xe điện, chi phí chỉ khoảng 20.000 đồng/ngày. Trung bình mỗi tháng tài xế có thể tiết kiệm từ một - hai triệu đồng.
Theo quan điểm của ông Hải, điều quan trọng là tài xế không cảm thấy bị gánh nặng khi đổi xe. Nếu biết cách tận dụng khoản tiết kiệm từ tiền xăng, tài xế hoàn toàn có thể trả góp xe mới mà không cần bỏ thêm chi phí đầu tư ban đầu.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ đầu tư xây dựng trạm sạc, điểm dừng nghỉ, hệ thống pin sạc dự phòng tại các vị trí phù hợp, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cho xe điện cũng được tiếp cận các chính sách vay ưu đãi để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 600 trạm sạc công cộng (VinFast) và 50 trạm đổi pin (Selex), chủ yếu ở chung cư, trung tâm thương mại. Lưới điện có dự phòng khoảng 40%, nhưng chưa tính đến nhu cầu sạc xe. Thành phố đặt mục tiêu xây dựng 3.000 điểm sạc và đổi pin đến cuối năm 2028, ưu tiên tại cây xăng, bãi xe, công viên... Đồng thời, thành phố sẽ phối hợp ngành điện để nâng cấp lưới điện tại các khu vực có nguy cơ quá tải, áp dụng biểu giá điện linh hoạt, khuyến khích sạc ngoài giờ cao điểm và phát triển sạc tích hợp điện mặt trời.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến nay, thành phố đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, bao gồm hơn một triệu xe ô-tô và gần 8,6 triệu xe máy. So cùng kỳ năm 2024, số lượng xe ô-tô tăng 9% và xe máy tăng 2%, xu hướng gia tăng phương tiện cá nhân tiếp tục tạo áp lực lên hạ tầng giao thông và môi trường đô thị.
Trong đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông đang được xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến lựa chọn các khu vực như Cần Giờ, Côn Đảo và trung tâm thành phố để triển khai thí điểm việc khoanh vùng kiểm soát khí thải. Những khu vực này được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc chuyển đổi sang hệ thống giao thông sạch.
Hướng tới đô thị xanh, thông minh
Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất lộ trình chuyển đổi bắt đầu từ năm 2026 và chia thành hai giai đoạn chính. Giai đoạn đầu, từ năm 2026 đến 2027, dự kiến khoảng 80% số tài xế - tương đương 320.000 xe sẽ hoàn tất chuyển đổi sang xe điện. Giai đoạn còn lại trong năm 2028 tiếp tục chuyển đổi nốt 20% xe còn lại. Tới năm 2029, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cấm hoàn toàn xe máy xăng hai bánh tham gia vận tải công nghệ trên địa bàn.
Việc này được kỳ vọng sẽ giúp giảm khoảng 315 tấn khí CO2 và 2.000 tấn bụi mịn mỗi năm - góp phần đáng kể vào nỗ lực giảm ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng sống cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm nghiên cứu xây dựng đề án cũng đề xuất thành lập quỹ tín dụng chuyển đổi xanh, sử dụng nguồn thu từ tín chỉ carbon (ước tính khoảng 87.500 tấn CO2/năm) để tái đầu tư vào hạ tầng giao thông xanh và hỗ trợ người dân, đặc biệt là nhóm tài xế công nghệ trong quá trình chuyển đổi phương tiện.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Kinh tế và quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, lực lượng tài xế công nghệ rất đông đúc, hoạt động dày đặc, phát thải cao, nếu chuyển đổi thành công sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực lớn đến môi trường và thói quen tiêu dùng.
Liên quan việc xử lý số lượng lớn xe xăng sau chuyển đổi, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có giải pháp phân loại cụ thể, dựa vào mức độ khấu hao và tình trạng sử dụng. Cụ thể, với các xe đã quá cũ, khi thực hiện kiểm định khí thải sẽ phát sinh chi phí cao do phải sửa chữa thường xuyên, không còn hiệu quả kinh tế. Những xe này nên được cân nhắc chuyển đổi công năng hoặc bán làm phế liệu để tránh gây ô nhiễm và tốn kém chi phí duy trì.
Đối với những xe vẫn còn khả năng vận hành tốt, dù quy định kiểm định khí thải tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang được siết chặt, nhiều địa phương khác trên cả nước vẫn chưa áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn này. Do đó, sẽ có xu hướng các phương tiện này được “chuyển dịch” về các tỉnh, thành phố khác, nơi chưa có quy định nghiêm về khí thải.
Cũng theo ông Hải, khi xe máy điện ngày càng phổ biến và được hỗ trợ nhiều chính sách khuyến khích, thị trường xe máy xăng sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh về giá trị. Các dòng xe đã qua sử dụng khoảng hai - ba năm có thể trở nên hấp dẫn hơn về giá, nhưng những mẫu xe mới lại mất dần sức hút do người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen. Đây là quy luật điều tiết tự nhiên của thị trường. Các nhà sản xuất xe máy xăng được dự báo sẽ chủ động rút lui khỏi phân khúc này bằng cách cắt giảm đầu tư, thu hẹp quảng cáo và chuyển hướng sang phát triển dòng xe điện.
Không chỉ dừng lại ở xe máy, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu 100% xe bus sử dụng năng lượng sạch vào năm 2030. Hiện toàn thành phố có khoảng 2.200 xe bus, trong đó khoảng 31% đã chuyển sang chạy điện hoặc khí CNG.
Đề án chuyển đổi xe máy điện là một phần trong chương trình kiểm soát khí thải của thành phố, đồng thời góp phần hiện thực hóa cam kết quốc gia về giảm ít nhất 9% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến việc đăng ký bán tín chỉ carbon, mở ra nguồn tài chính mới phục vụ các sáng kiến môi trường.