Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ cho các quốc gia gặp khủng hoảng. Ảnh: GETTYIMAGES
Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ cho các quốc gia gặp khủng hoảng. Ảnh: GETTYIMAGES

Mỹ cắt giảm ngân sách và viện trợ nước ngoài

Quốc hội lưỡng viện Mỹ vừa bỏ phiếu thông qua dự luật cắt giảm khoảng chín tỷ USD từ ngân sách dành cho phát thanh công cộng và viện trợ nước ngoài. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cũng dự kiến cắt giảm 25% lực lượng lao động trong ngành giao thông.

Siết chặt chi tiêu liên bang

Với 216 phiếu thuận và 213 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cắt giảm khoảng chín tỷ USD từ ngân sách dành cho phát thanh công cộng và viện trợ nước ngoài, theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này với tỷ lệ sít sao 51 phiếu thuận, 48 phiếu chống và hai phiếu trắng.

Đây là lần đầu sau nhiều thập kỷ, một đề xuất hủy chi tiêu từ Tổng thống được Quốc hội Mỹ thông qua thành công, đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump siết chặt chi tiêu liên bang. Dự luật sẽ loại bỏ khoảng tám tỷ USD từ nhiều chương trình viện trợ nước ngoài, trong đó có hỗ trợ khẩn cấp cho người tị nạn, cung cấp thực phẩm và nước sạch cho các quốc gia gặp khủng hoảng. Ngoài ra, dự luật cũng loại bỏ toàn bộ 1,1 tỷ USD tài trợ cho Tập đoàn Phát thanh công cộng (CPB) trong hai năm tới, ảnh hưởng hơn 1.500 đài phát thanh và truyền hình địa phương.

Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, dù bày tỏ quan ngại về tác động của các biện pháp cắt giảm, vẫn bỏ phiếu ủng hộ dự luật nhằm tránh đối đầu Nhà trắng. Trong khi đó, đảng Dân chủ chỉ trích mạnh mẽ gói cắt giảm trên, cho rằng điều này làm suy yếu vai trò giám sát tài chính của Quốc hội, gây tổn hại sức mạnh mềm của Mỹ trên trường quốc tế và ảnh hưởng khả năng tiếp cận thông tin thiết yếu, nhất là ở các vùng nông thôn. Một số thượng nghị sĩ và các nhóm vận động lo ngại việc cắt giảm ngân sách CPB sẽ làm suy yếu hệ thống phát thanh cảnh báo thiên tai ở vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng các dịch vụ phát thanh công cộng cho cộng đồng dân cư khó tiếp cận thông tin.

Mặc dù khoản cắt giảm lần này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng ngân sách liên bang, trị giá 6.800 tỷ USD, các nghị sĩ đảng Dân chủ cảnh báo nếu trở thành tiền lệ, việc này có thể làm xói mòn nghiêm trọng quy trình phân bổ ngân sách lưỡng đảng, vốn đóng vai trò then chốt trong việc thông qua các đạo luật tài trợ chính phủ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump khẳng định, đây là bước đi cần thiết để kiểm soát chi tiêu và nhấn mạnh rằng, những khoản tiền bị cắt giảm là từ ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt nhưng chưa giải ngân. Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Russ Vought tuyên bố, sẽ tiếp tục đệ trình các yêu cầu cắt giảm tương tự trong thời gian tới, đồng thời cho rằng, quy trình ngân sách hiện tại cần “ít mang tính lưỡng đảng hơn”.

Tinh gọn ngành giao thông

Chính phủ Mỹ đang tiến hành cắt giảm mạnh lực lượng lao động tại Bộ Giao thông vận tải Mỹ (USDOT), với tổng số nhân sự dự kiến giảm hơn 4.100 người, từ gần 57.000 xuống còn 52.862. Động thái này là một phần trong chiến dịch cải tổ nhân sự liên bang do Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) triển khai. Trong đó, tính từ ngày 31/5 đến nay, Cơ quan An toàn giao thông cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) đã cắt giảm hơn 25% nhân sự, từ 772 người xuống còn 555 người thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính khuyến khích nghỉ việc.

Cơ quan Quản lý đường bộ liên bang và Cơ quan Quản lý vận tải liên bang cũng đang thực hiện kế hoạch tương tự với mục tiêu tinh giản khoảng 25% nhân sự. Cục Hàng không liên bang (FAA), một đơn vị khác thuộc USDOT, sẽ giảm 2.137 nhân viên, đưa tổng nhân sự từ khoảng 46.250 xuống còn 44.208 người.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Sean Duffy cho biết, hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu bộ có thực hiện kế hoạch sa thải hay không, song ông nhấn mạnh việc cắt giảm sẽ tập trung vào các lĩnh vực dư thừa nhân lực. Bộ trưởng Duffy cũng cho biết, bộ sẽ tiếp tục tuyển dụng ở một số vị trí thiết yếu, nhất là nhân viên kiểm soát không lưu, đồng thời cam kết không cắt giảm các vị trí liên quan an toàn.

Tuy nhiên, các nghị sĩ và nhóm vận động người tiêu dùng bày tỏ lo ngại về tác động của việc cắt giảm lực lượng lao động ngành giao thông. Nghị sĩ Rick Larsen, thành viên cấp cao của Ủy ban Giao thông và cơ sở hạ tầng Hạ viện, đặt câu hỏi về khả năng thực hiện các dự án và bảo đảm an toàn giao thông trong bối cảnh nhân sự giảm mạnh. Các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng kêu gọi giới lập pháp hủy bỏ đề xuất cắt giảm ngân sách của NHTSA, với lo ngại việc cắt hơn 10 triệu USD từ quỹ vận hành và nghiên cứu của cơ quan này sẽ làm suy giảm khả năng ban hành quy định, thực thi pháp luật và tiến hành nghiên cứu, phân tích.

Xem thêm