Theo AP, thông báo từ Bộ chỉ huy Thông tin và Quan hệ công chúng của Quân đội Senegal (DIRPA) cho hay, lực lượng tuần tra đã bắt giữ 69 người trên đất liền và 132 người trên thuyền gỗ nhỏ vào tối 9/7 tại khu vực châu thổ Saloum, một điểm khởi hành phổ biến của những người di cư trái phép. Những người bị bắt giữ mang nhiều quốc tịch khác nhau ở Tây Phi, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.
Tuyến đường Tây Phi chỉ hải trình vượt Đại Tây Dương đến quần đảo Canary, là một trong những tuyến chính để vào “lục địa già”. Người di cư chủ yếu khởi hành từ Morocco, Mauritania, Senegal, Gambia… rồi bắt đầu hành trình nguy hiểm dọc bờ biển Tây Phi để đến quần đảo Canary. Quãng đường di chuyển trong phạm vi từ gần 100 km tính từ điểm gần nhất trên bờ biển châu Phi, đến hơn 1.600 km nếu đi từ Gambia.
Ngoài ra, với tuyến phía tây Địa Trung Hải, người di cư sẽ di chuyển bằng cả đường bộ và đường biển đến đất liền Tây Ban Nha và các vùng nằm trong lãnh thổ Tây Ban Nha như Ceuta và Melilla. Năm 2018, phía tây Địa Trung Hải trở thành tuyến di cư phổ biến nhất vào châu Âu. Sau đỉnh điểm vào năm 2018, lượng người di cư theo hướng này giảm dần từ năm 2019 trở đi, do giới chức tăng cường hoạt động tuần tra. Bởi vậy, từ năm 2020 đến nay, tuyến di cư từ Tây Phi qua Đại Tây Dương đến quần đảo Canary có xu hướng gia tăng trở lại. Số liệu từ Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho thấy, năm 2024 có gần 47.000 người di cư đã cập bến Canary, tăng so khoảng 40.000 người của năm 2023.
Theo tổ chức cứu trợ Walking Borders của Tây Ban Nha, mỗi năm có hàng nghìn người chết trên tuyến đường di cư này, đánh dấu đây là một trong những tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới. Trước đây phần lớn người di cư là nam giới nhưng hiện nay có nhiều phụ nữ và trẻ em, bất chấp nguy hiểm luôn rình rập trên suốt hành trình. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các tuyến di cư khác như tới đảo Crete của Hy Lạp. Các tổ chức đưa người di cư trái phép thường giấu người trong tàu đánh cá và di chuyển vào ban đêm để trốn tránh lực lượng tuần duyên, nhưng cũng khiến cho việc cứu nạn trở nên khó khăn và dẫn tới thương vong tăng cao.
Thêm vào đó, hiện nay có rất nhiều người di cư mạo hiểm đi biển kể cả khi thời tiết rất xấu, sóng lớn. Nhiều tàu, thuyền đã mất tích không để lại dấu vết, hoặc phải vài tháng sau mới thấy các mảnh vỡ trôi dạt đến vùng biển khác. Dù vậy, số lượng người di cư không ngừng tăng lên và mở rộng thêm nhiều đối tượng, từ người dân các quốc gia Tây Phi vốn chạy trốn khỏi đói nghèo và bạo lực đến người dân Pakistan, Bangladesh, Yemen, Syria và Afghanistan.
Năm 2015, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư, “lục địa già” đã chứng kiến hơn một triệu người đến châu Âu bằng đường biển, bao gồm một số lượng lớn trẻ em. Đã 10 năm kể từ đó, đây vẫn là một trong những thách thức lớn với giới chức châu Âu. Mặc dù một số quốc gia chủ trương chào đón người di cư để duy trì lực lượng lao động, nhưng sự gia tăng đột ngột này đã dẫn đến mâu thuẫn trong phân bổ nguồn lực và phối hợp chính sách giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Cuộc khủng hoảng cũng làm dấy lên lo ngại về hội nhập xã hội, tác động kinh tế và an ninh quốc gia, dẫn đến sự gia tăng tư tưởng cực đoan và bài ngoại ở một số khu vực.
Các chuyên gia nhấn mạnh, tuyến đường vượt Đại Tây Dương đến quần đảo Canary đã trở thành tâm điểm mới khi nó ghi nhận sự gia tăng đáng kể các vụ vượt biên trái phép và hậu quả bi thảm. Sự gia tăng này một phần là do việc tăng cường giám sát dọc theo tuyến đường Địa Trung Hải, khiến người di cư phải tìm đến những con đường nguy hiểm hơn.
Để ngăn chặn làn sóng di cư vượt biển vào châu Âu, năm ngoái, EU đã ký thỏa thuận trị giá 210 triệu euro (khoảng 245 triệu USD) với Mauritania để triệt phá các đường dây buôn người từ nước này đến Tây Ban Nha. Tuy nhiên đến nay thỏa thuận vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. EU cũng đã khởi xướng các biện pháp như ký kết Hiệp định tị nạn EU và các hoạt động hải quân phối hợp với Senegal, Tunisia – những quốc gia ở cửa ngõ di cư - nhằm quản lý và giảm dòng người. Những nỗ lực nhằm xây dựng chính sách tái định cư và cải thiện điều kiện sống tại các quốc gia xuất xứ của người di cư vẫn đang được tiến hành, nhưng tình hình còn phức tạp do những mâu thuẫn về đóng góp chi phí giữa các quốc gia thành viên EU.