Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố đây là cảnh báo cuối cùng và ông sẽ không tiếp tục gia hạn hay miễn trừ việc áp dụng biện pháp thuế quan có đi có lại này thêm nữa.
Không tiếp tục trì hoãn
Thời gian 90 ngày Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng kết thúc vào ngày 9/7. Tuy nhiên, Mỹ lùi thời hạn triển khai khi Tổng thống Trump ngày 7/7 ký sắc lệnh hành pháp ấn định áp dụng các mức thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 1/8 tới. Ít nhất 14 quốc gia sẽ đối mặt mức thuế cao, dao động từ 25% đến 40%.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump đã chia sẻ ảnh chụp những thư gửi các lãnh đạo có tên trong danh sách chịu “thuế có đi có lại”, gồm cả những đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tổng thống Trump cho biết, sắc lệnh thuế quan mới được đưa ra dựa trên thông tin và khuyến nghị bổ sung của giới chức trách.
Theo nội dung được Tổng thống Trump chia sẻ, phần lớn các nước nhận được thư đều sẽ chịu mức thuế tương đương so mức đề xuất hồi tháng 4, trừ một số nước như Lào, Campuchia được hưởng mức thuế thấp hơn. Trong 14 đối tác sẽ chịu thuế đối ứng từ ngày 1/8 tới, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia chịu mức thuế 25%; Nam Phi và Bosnia Herzegovina 30%, Indonesia 32%, Bangladesh và Serbia 35%, Campuchia và Thái Lan 36%, Lào và Myanmar 40%.
Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng, các mức thuế trên tách biệt với thuế bổ sung theo ngành đối với các mặt hàng chiến lược. Và sẽ có thêm nhiều thư nữa được gửi tới các đối tác trong những ngày tới.
Một ngày sau khi công bố thời hạn áp thuế đối ứng, ngày 8/7, Tổng thống Trump tiếp tục công bố mức thuế 50% đối với đồng nhập khẩu Mỹ. Ông cũng cảnh báo mức thuế dự định áp đặt với chất bán dẫn, dược phẩm sẽ sớm được công bố. Đặc biệt, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ không gia hạn việc áp thuế đối ứng thêm lần nào nữa. Ông Trump khẳng định: “Sẽ không có thay đổi. Việc áp thuế sẽ được triển khai đúng thời hạn!”.
Tổng thống Trump công bố gói thuế nhập khẩu toàn cầu lần đầu vào ngày 2/4/2025 mà ông gọi là “Ngày giải phóng”, với các mức dao động 11%-50%. Tuy nhiên, sau đó mức thuế được giảm còn 10% đối với hầu hết các đối tác và tạm hoãn áp dụng trong thời gian 90 ngày, đến ngày 9/7, nhằm tạo không gian cho đàm phán thương mại.
Một số chuyên gia nhận định, quyết định thời hạn mới áp đặt thuế đối ứng phản ánh sự thất vọng của Tổng thống Trump về các cuộc đàm phán thương mại không đạt kết quả mong đợi. Tuy nhiên, theo Hội đồng Cố vấn kinh tế thuộc Nhà Trắng, các nước vẫn có cơ hội đạt thỏa thuận với Mỹ trong đàm phán sắp tới.
Sức ép tăng tốc đàm phán
Quyết định của Tổng thống Mỹ về thời hạn áp thuế quan mới nhất mang lại hy vọng cho các đối tác lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) về cơ hội đạt được các thỏa thuận thương mại và giảm thuế, thông qua nỗ lực tăng tốc đàm phán trong chưa đầy một tháng nữa. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, quyết định này gây hoang mang cho một số đối tác, quốc gia xuất khẩu nhỏ hơn.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tuyên bố sẽ thúc đẩy đàm phán hướng tới một thỏa thuận có lợi cho cả hai nước, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Ông cho biết, Nhật Bản đã nhận được đề xuất từ Mỹ về tiếp tục các đàm phán cho tới gần hạn chót mới. Hàn Quốc cũng cam kết tăng cường đàm phán để đạt được một kết quả cùng có lợi. Giới chức Hàn Quốc nhận định, nội dung thư Tổng thống Trump gửi lãnh đạo Hàn Quốc cũng phản ánh cơ hội hai bên tiếp tục đàm phán.
Thái Lan bất ngờ trước mức thuế Mỹ mới công bố và vẫn đang chờ phản hồi từ phía Mỹ về đề xuất mới của mình. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira, Thái Lan vẫn hy vọng hai bên sẽ hoàn tất đàm phán trước hạn chót 1/8 và đạt thỏa thuận về giảm thuế quan.
Phản đối mức thuế quan 30% của Mỹ, song Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cam kết tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và đàm phán nhằm bảo đảm quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi với Mỹ. Nhà lãnh đạo Nam Phi chỉ thị các nhà đàm phán nước này đẩy nhanh đàm phán với các đối tác Mỹ.
Không nhận được thư thông báo về thuế quan từ Mỹ dịp này, song EU đang xem xét khả năng đề nghị Mỹ miễn trừ hoặc nhanh chóng đạt thỏa thuận thương mại nhằm giảm tác động từ mức thuế cơ bản 10% Mỹ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu. Các nguồn tin ngoại giao châu Âu tiết lộ, EU và Mỹ đang tiến rất gần một thỏa thuận sơ bộ.
Trong khi đó, LHQ cảnh báo về nguy cơ bất ổn kinh tế, thương mại kéo dài, xuất phát từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) thuộc LHQ, bà Pamela Coke-Hamilton nhận định: Các cuộc đàm phán thương mại và thuế quan kéo dài có thể kéo theo những rủi ro khó lường và tình trạng bất ổn, bất định cho các nền kinh tế trên thế giới.