Biếm họa: LARS-ERIK HAKåNSSON
Biếm họa: LARS-ERIK HAKåNSSON

Vai trò tiên phong

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất mục tiêu cắt giảm 90% lượng khí nhà kính vào năm 2040 so mức cơ sở năm 1990.

Đây là một bước tiến mang tính chiến lược trong lộ trình dài hạn hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050, thể hiện nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) duy trì vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Khác với những cam kết khí hậu trước đây, đề xuất lần này được thiết kế với tinh thần linh hoạt và thực tiễn hơn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế, an ninh và địa-chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhận định, người dân châu Âu ngày càng cảm nhận rõ tác động của biến đổi khí hậu và mong đợi những hành động cụ thể từ EU, trong khi các nhà đầu tư cần một hướng đi ổn định. Theo bà Leyen, việc đặt ra mục tiêu giảm 90% phát thải vào năm 2040 không chỉ thể hiện sự kiên định với chiến lược phi carbon hóa, mà còn là minh chứng cho một hành trình khả thi, có tính đến thực tế vận hành của nền kinh tế.

Đề xuất này cũng mở rộng và làm sâu sắc thêm khuôn khổ pháp lý trong Luật Khí hậu châu Âu được thông qua năm 2021, nhằm đưa mục tiêu trung hòa carbon vào luật định, đồng thời xác lập mức cắt giảm ít nhất 55% khí nhà kính vào năm 2030 như một bước đệm. Thời gian qua, EU đã triển khai gói chính sách “Fit for 55”, gồm hàng loạt đạo luật nhằm thúc đẩy giảm phát thải toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Theo báo cáo cập nhật gần đây, EU đã đạt mức giảm phát thải 37% vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng vào năm 2040, EU sẽ phải đầu tư ở quy mô chưa từng có. Các tính toán sơ bộ cho thấy, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2031-2050, EU sẽ cần khoảng 660 tỷ euro cho hạ tầng năng lượng và 870 tỷ euro cho hệ thống giao thông. Trọng tâm sẽ là phi carbon hóa quy trình công nghiệp, nâng cao hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực then chốt, đẩy mạnh điện khí hóa và phát triển nhiên liệu thay thế bền vững.

Nhằm khơi thông dòng vốn và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, EC cũng đã ban hành một loạt biện pháp hỗ trợ mới như Khung hỗ trợ nhà nước cho công nghiệp sạch (CISAF), đồng thời điều chỉnh cơ chế thuế biên giới carbon để miễn trừ 90% cho doanh nghiệp nhập khẩu. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, EC khẳng định sẽ không đánh đổi giữa tăng trưởng và chuyển đổi bền vững.