Việc di dời động vật nằm trong kế hoạch tái hoang dã MNP. Ảnh XINHUA
Việc di dời động vật nằm trong kế hoạch tái hoang dã MNP. Ảnh XINHUA

Zimbabwe bảo tồn động vật hoang dã

Zimbabwe đang triển khai chiến dịch tái hoang dã quy mô lớn tại Công viên quốc gia Matusadona (MNP), nhằm khôi phục đa dạng sinh học và bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngày 3/7 vừa qua, Cơ quan quản lý công viên và động vật hoang dã Zimbabwe (ZimParks) thông báo sẽ di dời nhiều loài động vật hoang dã đến MNP, tỉnh Mashonaland West nước này, nhằm tái thiết hệ sinh thái địa phương. MNP là một trong những công viên quốc gia lớn nhất ở Zimbabwe, đóng vai trò là khu bảo tồn quan trọng bảo vệ nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm sư tử, báo, voi, trâu, ngựa vằn…

Theo Xinhua, trong đợt đầu, 10 con linh dương đầu bò và 50 con trâu rừng từ đảo Tsetse (thuộc Công viên giải trí Hồ Kariba) sẽ được đưa về MNP. Ngoài ra, 20 con linh dương đen và các loài linh dương khác cũng sẽ được di dời từ nhiều khu vực khác nhau trên cả nước.

Người phát ngôn của ZimParks, Tinashe Farawo cho biết, việc di dời nằm trong khuôn khổ kế hoạch do cơ quan nói trên phối hợp với Mạng lưới Công viên châu Phi và Quỹ Bảo tồn Matusadona, nhằm tái hoang dã tại MNP. MNP đã phải hứng chịu tình trạng suy giảm động vật hoang dã trong nhiều năm qua do các thách thức khác nhau, trong đó có nạn săn bắt trộm.

Chương trình là một phần trong nỗ lực dài hạn của Zimbabwe nhằm phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, bảo đảm sự sống còn cho nhiều loài động vật hoang dã trước sức ép từ con người và môi trường. Thông qua sáng kiến ​​này, Zimbabwe không chỉ tái khẳng định quyền bảo vệ di sản động vật hoang dã độc đáo mà còn đầu tư vào các giải pháp dựa trên thiên nhiên có tiềm năng mang lại lợi ích sinh thái, xã hội và kinh tế lâu dài.

Cũng theo ông Farawo, các loài được lựa chọn thông qua đánh giá sinh thái nghiêm ngặt nhằm bảo đảm tính đa dạng và bền vững của các quần thể nguồn. “ZimParks và các đối tác vẫn cam kết thực hiện hoạt động bảo tồn có trách nhiệm, dựa trên bằng chứng nhằm duy trì tính toàn vẹn của đa dạng sinh học, sức khỏe hệ sinh thái và phúc lợi cộng đồng”, ông Farawo nhấn mạnh.

Trong suốt chương trình tái hoang dã, các biện pháp bổ sung sẽ được thực hiện để tăng cường kết quả bảo tồn, bảo đảm tuân thủ pháp luật, giám sát đa dạng sinh học và ứng dụng các sáng kiến ​​phát triển cộng đồng nhằm cải thiện sinh kế của người dân địa phương và thúc đẩy các nỗ lực chống săn trộm.

Xem thêm