Ngày 14/7 vừa qua, Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ (DGCA) đã ra lệnh kiểm tra toàn bộ công tắc nhiên liệu trên các mẫu máy bay Boeing 787 và 737, hạn chót trước ngày 21/7, sau khi kết quả điều tra sơ bộ vụ rơi máy bay Boeing 787-8 của hãng Air India được công bố. Đây là phản ứng đầu tiên mang tính hệ thống của cơ quan quản lý sau thảm kịch hàng không tồi tệ nhất tại Ấn Độ trong hơn một thập kỷ qua. Việc kiểm tra công tắc nhiên liệu được xem là biện pháp mang tính phòng ngừa.
Theo CNN, chuyến bay số hiệu AI171 của Air India, khai thác bằng chiếc Boeing 787-8 Dreamliner, đã rơi chỉ vài chục giây sau khi cất cánh từ sân bay Ahmedabad vào chiều 12/6 (giờ địa phương). Chiếc máy bay chở theo 242 người, gồm 230 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn bất ngờ lao xuống khu ký túc xá của một trường y gần đó, khiến 241 người trên máy bay và 19 người dưới mặt đất thiệt mạng. Chỉ một hành khách sống sót trong thảm họa này.
Báo cáo sơ bộ do Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) công bố ngày 11/7 xác nhận, hai công tắc điều khiển nhiên liệu vào động cơ đã bị gạt xuống trạng thái “ngắt”, lần lượt cách nhau đúng một giây, ngay sau khi máy bay rời mặt đất. Việc này khiến cả hai động cơ đồng loạt mất lực đẩy, máy bay nhanh chóng giảm độ cao và không thể phục hồi dù phi công đã kích hoạt lại công tắc. Trích xuất từ hộp đen cho thấy một phi công hỏi người còn lại tại sao lại ngắt công tắc nhiên liệu, nhưng nhận được câu trả lời phủ nhận.
Công tắc nhiên liệu là bộ phận kiểm soát trực tiếp dòng nhiên liệu vào động cơ, được thiết kế để không thể vô tình kích hoạt. Mỗi công tắc đều có khung bảo vệ, lò xo và cơ chế chốt, buộc người điều khiển phải kéo lên rồi mới có thể gạt. Chúng được in nhãn rõ ràng với hai trạng thái “ON” (hoạt động) và “OFF” (ngắt). Trên thực tế, phi công chỉ sử dụng công tắc này để bật, tắt động cơ trên mặt đất hoặc trong trường hợp khẩn cấp ở trên không.
Một số giả thuyết khác đã được đặt ra, bao gồm lỗi phần mềm hoặc mất tín hiệu điều khiển nhiên liệu. Tuy nhiên, cựu Giám đốc Kỹ thuật hàng không Chow Kok Wah lập luận rằng, khả năng này gần như bằng không. “Công tắc nhiên liệu cần lực kéo và không thể tự gạt. Nếu lỗi hệ thống xảy ra, động cơ sẽ không khởi động lại ngay lập tức như trong vụ này”, ông Chow cho biết. Ông cũng cho rằng: “Nếu công tắc hoạt động đúng, thì chắc chắn có ai đó đã thao tác. Câu hỏi còn lại là ai và vì sao?”.
Theo các chuyên gia hàng không, việc cả hai công tắc bị gạt xuống chỉ cách nhau một giây là điều gần như không thể xảy ra do lỗi thao tác. “Không một phi công tỉnh táo nào lại ngắt nhiên liệu trong giai đoạn máy bay đang tăng độ cao”, chuyên gia John Nance nhận định. Trong khi đó, nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe tâm thần của Cơ trưởng Sumeet Sabharwal, người điều khiển chiếc máy bay gặp nạn cũng được tiết lộ. Theo The Telegraph, ông Sabharwal từng nghỉ phép vì lý do sức khỏe tâm thần và chịu nhiều áp lực cá nhân. Dù vậy, các hiệp hội phi công như ALPA India và ICPA đã lên tiếng bác bỏ mọi giả định về khả năng tự sát hay lỗi cá nhân. Họ chỉ trích mạnh mẽ việc suy diễn thiếu căn cứ, đồng thời kêu gọi điều tra khách quan, tôn trọng gia đình nạn nhân.
Về phía Hãng hàng không Air India, người phát ngôn hãng này khẳng định, chiếc Boeing 787 gặp nạn được bảo dưỡng đầy đủ, không có trục trặc trước khi bay. Trong khi đó, nhà sản xuất Boeing nhấn mạnh rằng, công tắc nhiên liệu trên dòng 787 đạt tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, năm 2018, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) từng ban hành khuyến cáo về nguy cơ công tắc nhiên liệu có thể bị vô hiệu hóa, song lại không yêu cầu hành động cụ thể nào từ đó đến nay.
Trong khi các cuộc điều tra vẫn tiếp diễn, Giám đốc điều hành Air India Campbell Wilson kêu gọi không đưa ra kết luận vội vàng. Ông cũng khẳng định, sẽ hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng.