Động thái này được cho là đã gây bất ngờ cho đối tác thương mại truyền thống của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh EU đang hy vọng nối lại đàm phán một thỏa thuận thương mại toàn diện với Washington sau nhiều năm gián đoạn.
Pháp kêu gọi đáp trả
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng kêu gọi EU đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các biện pháp đáp trả, trong đó có Công cụ chống cưỡng ép (ACI), sau tuyên bố áp thuế 30% của ông Trump. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, trách nhiệm của EC là khẳng định quyết tâm của liên minh trong việc kiên quyết bảo vệ các lợi ích của châu Âu”.
ACI cho phép EU đáp trả các quốc gia thứ ba áp đặt sức ép kinh tế buộc các quốc gia thành viên trong khối phải thay đổi chính sách, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều biện pháp hành động khác. Cơ chế này cũng cho phép EU hạn chế quyền tiếp cận các gói thầu mua sắm công đối với doanh nghiệp từ quốc gia thứ ba và triển khai những biện pháp liên quan thương mại dịch vụ hoặc đầu tư.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen dù chỉ trích các mức thuế quan mới của Mỹ, song cho biết, EU vẫn muốn hợp tác để đạt được một thỏa thuận thương mại với Washington. Chủ tịch EC khẳng định: "Chúng tôi vẫn sẵn sàng tiếp tục nỗ lực hướng tới một thỏa thuận trước ngày 1/8”, đồng thời cảnh báo “sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của EU, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp đối phó tương xứng nếu cần thiết". Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof kêu gọi EU duy trì sự đoàn kết để đạt được thỏa thuận thương mại cùng có lợi với Mỹ.
Trước đó, EU gần như đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mỹ, bao gồm các nhượng bộ về thuế suất 10% đối với máy bay, thiết bị y tế, đồ uống có cồn và một số ô-tô. Đặc biệt, EU cũng xem xét cho phép các nhà sản xuất ô-tô châu Âu, đặc biệt từ Đức, nhập khẩu nhiều xe hơn với mức thuế dưới 25%. EU trước đó phải đối mặt với các mức thuế nhập khẩu của Mỹ gồm 50% đối với thép và nhôm, 25% đối với ô-tô và phụ tùng ô-tô, cũng như mức thuế 10% đối với các mặt hàng khác.
Cảnh báo nguy cơ bất ổn kéo dài
Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) của Liên hợp quốc, khẳng định quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gia hạn quá trình đàm phán thuế quan có thể kéo dài tình trạng bất ổn và khó lường cho các quốc gia trên thế giới. Theo bà Pamela Coke-Hamilton, động thái này của Mỹ có thể kéo dài thời kỳ bất ổn, làm suy yếu các hợp đồng đầu tư và kinh doanh dài hạn, đồng thời tạo thêm bất ổn và bất định.
Bà dẫn chứng trường hợp của Lesotho - nơi các công ty xuất khẩu dệt may lớn đã tạm ngừng đầu tư trong khi chờ đợi kết quả thuế quan. Hiện nhiều doanh nghiệp không rõ ràng về chi phí mà họ sẽ phải trả, họ không thể lập kế hoạch và không thể quyết định ai sẽ đầu tư. Bà cũng cho biết thêm, sự không chắc chắn này, kết hợp với việc cắt giảm sâu viện trợ phát triển, đã tạo ra “cú sốc kép” cho các nước đang phát triển.
Trong khi đó, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Việc áp đặt mức thuế 30% đối với hàng xuất khẩu của EU sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng thiết yếu xuyên Đại Tây Dương, gây bất lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và bệnh nhân ở cả hai bờ Đại Tây Dương". Ước tính Italy có thể mất 20 tỷ euro xuất khẩu và 118.000 việc làm trong năm 2026 nếu Mỹ áp thuế 10% với hàng hóa châu Âu. Với việc hàng xuất khẩu của EU vào Mỹ bị áp thuế 30%, con số thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh mối quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ đứng trước nhiều thay đổi, EU đang nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ. Bà Ursula von der Leyen nhận định mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa EU và Mỹ có thể sẽ không bao giờ quay trở lại như trước.