Thường là một nhóm vài ba người trên gác hai, ngắm mấy dây hoa leo ở trong khoảng giếng trời, luôn có một con sóc nhỏ thoăn thoắt trên ngọn cây nhô qua bức tường ngõ bên cạnh. Nhìn cô Thảo, mẹ Cương thư thả đi lại trong bếp đợi một món bánh thơm lừng đang chín trong lò. Trên gác hai ấy, những cuộc rượu đôi khi có một vẻ long trọng như buổi lễ, có thể do bộ ly quá xịn hoặc chai whisky quá oách. Mọi người nói chuyện nhỏ giọng và nghe nhạc cổ điển. Cũng có khi chúng tôi ngồi tầng dưới, cửa kính thẳng ra Ngõ Huyện, nhìn người qua lại chuyển động như trong một ống kính vạn hoa. Tầng 1 thì được phép đông người hơn và nói to hơn. Luôn là một không khí hiền hòa, dễ chịu.
Cương yêu ngôi nhà số 39 của mình đến mức không thể tưởng tượng. Với Cương nó không chỉ là một ngôi nhà, dù giá trị tài sản của nhà số 39 ấy lớn đến đâu, hoàn toàn không vì giá trị vật chất, số nhà 39 với Cương là nơi để sống, nơi gói ghém cuộc đời làm nghệ thuật của mình, nơi là một gallery đúng nghĩa để Cương có thể giúp rất nhiều họa sĩ trưng bày với tinh thần nghệ thuật thuần khiết nhất. Nơi gặp bạn bè với bao nhiêu công việc. Về cơ bản, nhà số 39 là một không gian nghệ thuật được nâng niu đến tận cùng, đúng cách thức của Cương. Với nghệ thuật, với cuộc đời, với từng quan hệ thân sơ, Cương chỉ duy nhất có một cách thức, là chuyên cần, kỹ lưỡng và tinh tế nhất. Kỹ lưỡng từng chút một. Trước hết, ra đường, nếu không mặc đẹp đẽ thì cũng tuyệt đối không được nhàu nhĩ. Nguyễn Việt Hà (tác giả “Cơ hội của Chúa” và bạn thân ở gần nhà, số 38 Nhà Chung), kể rằng Cương dặn, dù thế nào, ra đường hay trong nhà, vẫn phải ăn và mặc thật đàng hoàng, lịch lãm.
Mấy ngày nay rồi, khắp mạng xã hội và báo chính thống, tên của Lê Thiết Cương tràn ngập. Cương có lẽ chẳng bận lòng nữa. 63 năm trên cõi tạm, số lượng công việc Cương đã làm cho đời, cho người, cho mình... thật sự là đã quá nhiều. Đến lúc thanh thản rời bước được rồi. Chỉ có điều, những người thân của Cương, bạn bè Cương, thì biết rằng khoảng trống Cương để lại sau lưng là quá lớn và không thể bù đắp.
Đôi lúc tôi nghĩ, tính cách Cương là một khối thủy tinh, cực kỳ cứng rắn, nhưng hết sức dễ vỡ, và trong suốt. Cương không hề cười cợt, chưa từng, rất khác nhiều bạn bè gần mình. Cương chẳng dấu ai cái gì và bao giờ. Tất cả đều hiện lên mặt với một biểu cảm rõ ràng, thẳng băng. Giận là giận, là nói luôn, thậm chí nói không thương tiếc, không khoan nhượng, mặc kệ đối tượng oà khóc hay hờn dỗi.
Mà Cương dễ giận lắm, dễ mắng lắm. Những bạn từ mấy hôm nay khóc Cương trên mạng xã hội, tôi chắc đến 90% là đều đã từng bị Cương mắng. Hẹn mà sai lời, hẹn mà đến muộn, hứa mà không làm, làm mà không đúng ý... mấy cái lỗi đó bị mắng nhiều nhất. Ngoài ra lỗi không chỉn chu, lỗi xộc xệch, buông tuồng, thiếu thẩm mỹ... cũng rất dễ bị mắng. Cương mắng vì một điều không ai tưởng tượng nổi, như một cái bát có dấu vết thức ăn trên một mâm cơm mà người ta nói là đang chờ. Một cái túi, cho dù mấy ngàn USD, đặt tùy tiện vào gần tượng Phật..., kiểu thế.
Cương kỹ tính đến mức có lúc khắc nghiệt. Tất cả bạn của Cương đều biết điều ấy, quen với điều ấy. Sau ca mổ gần đây nhất của Cương dạo trước Tết, tin tốt từ bệnh viện mà bạn bè đều mừng, là Cương đã tỉnh lại và mắng được bác sĩ rồi.
Nếu có bạn hỏi sao lại dùng từ “ mắng”, thì xin nói đó là từ chuẩn nhất, vì muốn mắng một ai đó, trước tiên người mắng phải có quyền để mắng. Trong 99% trường hợp Cương mắng, thì Cương có quyền. Cương mắng để bảo vệ những giá trị tinh thần giờ chỉ còn khá mong manh, bảo vệ sự tinh tế ứng xử (còn mong manh hơn nữa). Không phải góp ý hay chỉ bảo gì cả, là mắng, như một lời bột phát bộc trực nhất từ vị thế của người tin chắc rằng mình đúng. Thỉnh thoảng cũng phũ phàng một chút, ác một chút. Nhưng ai đã là bạn Cương thì đều công nhận quyền được mắng của Cương. Bởi lẽ, Cương sống vì người khác, làm cho người khác nhiều quá. Bên cạnh đôi phần đanh đá, những phần còn lại là thương yêu, tràn ngập thương yêu. Cương chiều bạn bè, vì bạn bè đến mức ngạc nhiên. Những gì Cương đã làm cho người khác với sự tận tâm không giới hạn sẽ còn mãi đấy.
Chắc chắn rồi đây sẽ có bao nhiêu người nhói lòng khi đi qua cánh cửa đỏ rực số 39 Lý Quốc Sư!