Khi tôi sinh ra, cây đã đứng đó từ đời nảo đời nào. Các cụ già cũng không ai còn nhớ cây gạo do ai trồng từ bao giờ. Có lẽ cây đã hàng trăm năm tuổi. Bao thế hệ người dân quê tôi, sinh ra, lớn lên, già rồi chết đi, cây gạo vẫn đứng đó như một chứng nhân của lịch sử. Hoa gạo thắp lửa tình yêu quê hương, bản quán. Cây vẫn đứng đó như trông ngóng, như vẫy gọi những người con xa xứ trở về trong vòng tay trìu mến của bà mẹ quê.
“Con cò bay lả bay la
Bay từ ngọn gạo bay ra cánh đồng...”.
Từ thuở học lớp vỡ lòng mỗi chúng ta ai chẳng một lần nghe câu ca dao này. Và mỗi lần đọc lên lại thấy hình ảnh của chính quê hương mình hiển hiện như một nét đặc trưng của miền quê đồng bằng Bắc Bộ với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Với lũy tre cong vút níu cánh diều tuổi thơ mỗi độ hè về, với cây gạo sừng sững đầu làng như một biểu tượng của lòng chung thủy, đức hy sinh.
Với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ làng quê, từ gốc lúa bờ tre giản dị khiêm nhường, cây gạo già như một người bạn lớn luôn tỏa bóng mát che chở cho chúng tôi. Những trưa hè oi ả tháng sáu, khi bắt cua, đánh dậm về đến đầu làng, ngồi nghỉ dưới gốc gạo mát rượi, chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm ta lâng lâng hạnh phúc như thuở nhỏ ngồi trong lòng bà, lòng mẹ.
Cây gạo làng tôi đứng thẳng như một tòa tháp khổng lồ vươn lên trời cao với hàng chục tầng. Từ thân cây vươn những cành ngang ra bốn phía thành những tán, những tầng. Từ tán dưới lên tán trên bọn trẻ trâu gọi là một tầng. Càng lên cao thì càng khó trèo và nguy hiểm. Gốc gạo sù sì lại lởm chởm những gai nhọn. Đó là một thách thức lớn với những ai muốn trèo leo, chinh phục độ cao của nó.
Tuổi thơ tôi cũng có những kỷ niệm khó quên với cây gạo quê hương. Những kỷ niệm mà bây giờ nghĩ lại vẫn thấy thót tim. Chả là trên tầng năm (theo cách gọi trẻ con) của cây gạo có một cái hốc. Một đôi sáo tha rác làm tổ đẻ trứng luôn trong cái hốc ấy. Không cưỡng lại được sự hấp dẫn của tổ sáo ở độ cao hơn chục mét. Tôi một thằng bé mười tuổi, đánh liều leo lên với chân đất đầu trần và trên người mặc độc một cái quần đùi rách đít. Cuối cùng cũng bắt được tổ chim, chỉ có điều chân cẳng sứt sát, tóe máu vì gai cào, về nhà còn bị mẹ tặng cho mấy con lươn vào đít.
Mười bảy tuổi tôi xa quê lên đường vào bộ đội, buổi nhập ngũ bước qua cổng làng đã rêu phong mốc thếch tự thuở ông bà. Tôi xa quê, xa gốc gạo già từ đó. Hết chiến tranh, tôi lại khoác ba-lô vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thế là tôi cứ xa quê biền biệt. Trong nỗi thổn thức nhớ về quê hương, bên cạnh hình ảnh của bà của mẹ là bóng dáng cây gạo già sừng sững đầu thôn.
Một chiều mưa buồn, nhận điện thoại của đứa cháu từ ngoài quê: Chú ơi, người ta chặt bỏ cây gạo đầu làng mình rồi. Họ đưa cả máy xúc đào hết cả gốc rễ!
Tôi nghe tin ấy mà hụt hẫng, thất vọng vô cùng.
Những cây gạo là biểu tượng của làng quê Việt Nam, là chứng nhân lịch sử qua bao thăng trầm, biến động thời cuộc. Nếu như người dân chài miền biển coi cánh buồm “như mảnh hồn làng” thì với người dân quê tôi, hình ảnh cây gạo chính là những lớp trầm tích văn hóa, là một phần hồn cốt truyền thống của mỗi làng quê.
Mỗi một cây gạo mất đi, không những mất một cảnh quan đẹp, mà còn mất đi cả tuổi thơ của bao thế hệ người dân quê tôi gắn bó thiết tha với ruộng đồng, với cây đa, bến nước sân đình và cả gốc gạo già sù sì cổ kính sừng sững ở đầu thôn.