Đi tìm sâm quý. Ảnh: SONG ANH
Đi tìm sâm quý. Ảnh: SONG ANH

Sâm nam núi Dành

Phải bao nhiêu là độ nắng, phải bao nhiêu là độ mưa để có một trời lộc biếc để có một trời non tơ?

Khi những giọt xuân tìm về đất, đất mẹ mở lòng đón nhận, đất mẹ thầm lặng chắt chiu từng hạt dinh dưỡng để nuôi, nước mát, khí trời, bàn tay mềm nâng giấc, hạt xuân thành chồi xuân thành niềm hân hoan. Đất mẹ khai sinh để cây có tên sâm nam núi Dành.

Cây chẳng phụ tấm lòng của đất, chẳng phụ thiên nhiên, chẳng phụ từng giọt giọt mồ hôi người chan xuống đất mà tay ôm, tay níu nhau, đua nhau cùng vươn lên thành bạt ngàn trùng điệp một mầu xanh.

Rồi hoa, thập thò, chúm chím, cái mầu trắng tinh khôi chạm vào nỗi đợi chờ, chạm vào niềm mong ước khát khao, cái mầu hoa nở bừng trong nắng sớm ngả vào lòng người, cái vẻ đẹp của hoa, cái vẻ đẹp đã có từ nghìn năm nay làm mềm đi những vết chai trong lòng tay cha, tay mẹ, cái mầu hoa ấy cũng thành niềm vui trang sách, bộ quần áo mới cho trẻ thơ tung tăng tới trường, thành những ngôi nhà cao tầng ngạo nghễ vươn lên.

Cây cứ bình dị cứ như con người nơi đây chẳng cần khoe cũng thành thương hiệu, chẳng cần khoe mà bao người biết, thầm lặng yêu cây. Lá ngẩng mặt nhìn trời, rễ cần cù len lỏi vào lòng đất. Đời cây là vậy để rồi năm qua đi, tháng qua đi, niềm vui kết tinh dần dần trong lòng đất.

Tôi trở về núi Dành một chiều, nghe gió hát ca cùng với đồi thông, bàn tay chạm vào bức tường đền Dành nghe nắng mưa, năm tháng kể lại về sự tích cây sâm nơi đây đã chữa cho mẹ vua là Hoàng Thái hậu Từ Dũ sáng mắt trở lại nên từ đó có câu ca: “Sâm nam nổi tiếng núi Dành/Chữa lòa cho mắt lại lành như xưa”.

Có phải cây sâm mọc ở vùng núi Dành thuộc xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) mà có tên gọi sâm nam núi Dành. Đứng trên đồi cao mà ngắm “vương quốc” sâm cái mầu xanh từ đá sỏi mà bật lên, từ trở trăn của những bàn tay khối óc dám nghĩ, dám làm mà sum suê lợp kín những triền đồi. Bên cây đã có những đôi nam thanh, nữ tú đến thỏa thê ngắm đồi, ngắm núi, ngắm nhau để lưu những kiểu ảnh làm kỷ niệm.

Trên mảnh vườn nho nhỏ của tôi, bên cạnh những cây trồng quen thuộc cũng xuất hiện mấy khóm sâm nam núi Dành. Tôi vào mạng để học cách chăm cây. Cũng lo khi mưa nhiều, lúc nắng hạn, cũng buồn khi lá cây đang xanh bỗng chốc úa tàn. Đi đâu xa cũng nhớ đến vườn cây. Phút giây gặp lại được lắng nghe cây thủ thỉ tâm tình. Cây cũng vậy, đâu phân biệt cũ mới, đâu phân biệt cây già cây trẻ, cây cho hoa, cho quả, cho củ. Mỗi cây có một khoảng trời riêng mà thỏa sức xòa bóng, thỏa sức vươn lên. Cây cao bóng cả che cho non tơ cùng sinh sôi. Cây cùng bù lại cho tôi phút thảnh thơi, phút chạm tay vào lá để dịu đi những lo toan nhọc nhằn, những tất bật dòng đời.

Không thể một sớm một chiều, của quý hiếm ẩn sâu trong lòng đất, năm năm, mười năm... không thể vội vàng. Phải qua nắng mưa, bão giông thời gian tích tụ bồi đắp để người hiểu cây, cây với người giao cảm, cây yêu người mà dâng hiến. Giây phút xúm xít vỡ òa lật đất lên, niềm vui thành quả lao động hiển hiện.

Tôi chợt nghĩ trồng một cái cây, hoa, lá, quả, đâu chỉ bồi bổ thân mình mà cái cây còn “bồi bổ” cho tâm mình thêm an nhiên thêm tự tại. Cây sâm nơi đây cũng như con người không tự bằng lòng với những gì đã có. Sâm theo bàn tay của người đến muôn nơi, đến những miền khát vọng để khẳng định tuổi tên.