Một người vợ đang chăm sóc bia mộ của chồng. Ảnh: KHOA ĐÌNH
Một người vợ đang chăm sóc bia mộ của chồng. Ảnh: KHOA ĐÌNH

Bình minh không hẹn ước

Tháng Bảy về, mang theo cái nắng chang chang cháy rát da thịt và những cơn mưa rào bất chợt của đất Nghệ, là khoảnh khắc của sự lắng đọng, khi mỗi ngọn gió thổi qua cũng như mang theo tiếng thở dài của ký ức.

Tôi đã đọc, đã nghe rất nhiều về Truông Bồn - cái tên mà chỉ nhắc đến thôi cũng đủ thấy rợn người và nghẹn lại. Một “tọa độ lửa” trên tuyến đường 15A huyền thoại, nơi hàng vạn tấn bom đạn Mỹ đã trút xuống, biến đỉnh núi 70 m thành bình địa chỉ còn hơn 30 m. Nơi ấy, hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm xuống. Trong những câu chuyện về Truông Bồn, có câu chuyện về 13 chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317. 13 gương mặt trẻ măng, từ 17 đến 22 tuổi, đã vĩnh viễn hóa thân vào đất mẹ vào 6 giờ 10 phút sáng 31/10/1968.

Tôi hình dung buổi sáng hôm ấy. Sương giăng dày đặc trên triền núi Thung Nưa, quấn lấy những hố bom lởm chởm như vết thương chưa kịp lành. Cái lạnh se sắt của cuối tháng Mười, mùi đất ẩm, mùi lá khô quẩn quanh… Dưới ánh đèn dầu leo lét trong lán trại dã chiến, tiếng cười nói khe khẽ của chị Nguyễn Thị Tâm, anh Cao Ngọc Hòa - đôi uyên ương dự định sẽ làm đám cưới chỉ một ngày sau đó. Chị mơ về ngôi nhà nhỏ, có giàn mướp xanh mát và tiếng gà cục tác. Anh thì siết tay chị, trao gửi trọn vẹn niềm tin về một tương lai hạnh phúc.

Cô gái 18 tuổi Vũ Thị Hiên thì say sưa bên cuốn sách, ấp ủ giấc mơ giảng đường, mơ về những vì sao mà cô muốn chạm tới. Phan Thị Dung, cô gái 17 tuổi hồn nhiên với chiếc nón lá “Tặng Dung”, vẫn còn bàn tán về việc sắp được xuất ngũ, được về với mẹ.

Họ ra tiền tuyến trong cái lạnh và bóng tối còn sót lại của đêm. Tiếng cuốc, xẻng bổ vào đất đá chan chát, hòa cùng tiếng thở. Mồ hôi vã ra trên từng khuôn mặt, nhưng ánh mắt vẫn kiên định. Những “cọc tiêu sống” mảnh mai đứng thẳng giữa đường, dẫn lối cho đoàn xe đặc biệt chở vũ khí, lương thực ra tiền tuyến…

Truông Bồn giờ đây, những hố bom đã được phủ xanh, những con đường đã được mở rộng. Hàng năm, hàng trăm nghìn lượt khách từ khắp nơi đổ về, từ những cựu chiến binh rưng rưng nước mắt đến những cô cậu học trò ngây thơ. Tôi lại ghé Truông Bồn, bắt gặp bà Trần Thị Thông, người phụ nữ với mái tóc bạc phơ, dáng người gầy gò, run run đặt một bó hoa cúc trắng lên ngôi mộ chung. Bà là người duy nhất sống sót trong tiểu đội định mệnh ấy. Ánh mắt bà xa xăm, ẩn chứa nỗi đau khôn nguôi của những ký ức kinh hoàng.

- Họ ra đi khi hòa bình chỉ còn cách một nhịp thở, cháu ạ - Bà thì thầm, giọng khàn đục vì tuổi tác và những mất mát - Sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường dũng cảm... Câu nói đó đã lấy đi cả tuổi xuân của họ, cả những ước mơ về một mái nhà nhỏ, về những đứa con, về giảng đường đại học... Tất cả chôn vùi dưới những hố bom đó.

Bà kể lại ngày tìm kiếm thi thể đồng đội. Dưới trận bom tọa độ tàn khốc, không còn ai nguyên vẹn…

Trong nhà trưng bày truyền thống, chiếc khăn mùi soa đỏ vẫn còn đó, nằm cạnh một mảnh giấy báo nhập học đã phai mầu, ghi tên Vũ Thị Hiên. Nửa vành nón lá đã sờn cũ, vẫn còn nét mực mờ nhạt ghi “Tặng Dung”. Những hình ảnh trắng đen của Tâm và Hòa, nụ cười trẻ trung của những người bạn cùng tiểu đội... Mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh, đều là một tiếng nói lặng, kể lại câu chuyện về một thời lửa đạn, về những con người đã dâng hiến tất cả.