Xu hướng bán hàng qua nền tảng livestream đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: NAM NGUYỄN
Xu hướng bán hàng qua nền tảng livestream đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: NAM NGUYỄN

Phát triển bền vững thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) được ví như “mỏ vàng” vì tiềm năng phát triển to lớn và khả năng mang lại lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi môi trường kinh doanh trực tuyến được tổ chức, quản lý như một không gian kinh tế thực thụ với quy hoạch, giám sát và chuẩn mực vận hành mới thật sự tạo ra giá trị lâu dài, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng nhanh chóng

Theo Bộ Công thương, năm 2024, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã vượt ngưỡng 25 tỷ USD, tăng 20% so năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng doanh thu bán lẻ toàn quốc. Các sàn giao dịch lớn như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop đóng vai trò trực tiếp trong tăng trưởng này, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 13,8 tỷ USD. Tổ chức nghiên cứu e-Conomy SEA (Google, Temasek, Bain & Company) ước tính thị trường kinh tế số Việt Nam năm 2024 đạt quy mô 36 tỷ USD, trong đó TMĐT đóng vai trò then chốt.

Xu hướng bán hàng qua nền tảng livestream đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trên Facebook và TikTok. Thị trường TMĐT Việt Nam hiện có hơn 725 nghìn tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên các sàn. Môi trường kinh doanh trực tuyến cho phép nhiều cá nhân, tổ chức dễ dàng tham gia với chi phí thấp, nhưng nếu thiếu cơ chế giám sát hiệu quả thì sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Trong các đợt cao điểm kiểm tra gần đây, các cơ quan chức năng đã thu giữ và tiêu hủy hàng tấn sản phẩm vi phạm quy định. Tình trạng livestream bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều nền tảng. Đơn cử như trong đợt kiểm tra cuối

tháng 5, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hàng trăm sản phẩm túi xách, quần áo giả mạo các thương hiệu nổi tiếng được bán qua livestream. Tại TP Hồ Chí Minh, đầu năm 2025, Cục Quản lý thị trường cũng phối hợp với công an thành phố phát hiện một kho hàng chứa hơn 10 nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc chuyên phục vụ các phiên bán hàng trực tuyến.

Tiếp đến là trốn thuế. Vụ việc nhân vật có tiếng tên mạng xã hội là “Cún Bông” kinh doanh có doanh thu thực tế đạt hơn 120 tỷ đồng nhưng chỉ khai 5 tỷ đồng đã gây chấn động xã hội. Còn tại TP Vũng Tàu (nay là phường thuộc TP Hồ Chí Minh), một cá nhân bán hàng qua livestream trên nền tảng mạng xã hội đã bị phát hiện có tổng doanh thu lên tới 72 tỷ đồng trong vòng chưa đầy một năm, nhưng không đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế và cũng không mở mã số thuế cá nhân. Vụ việc chỉ bị phát hiện sau khi cơ quan thuế rà soát dữ liệu thanh toán điện tử và đối chiếu thông tin với các nền tảng trung gian.

Những vụ việc như vậy đặt ra câu hỏi lớn: Nếu công tác kiểm soát, giám sát hoạt động kinh doanh TMĐT được siết chặt hơn, thì liệu quy mô thị trường có còn duy trì được tốc độ tăng trưởng như dự báo?

Tăng cường kiểm soát hoạt động TMĐT

Thiếu kiểm soát chất lượng trên nền tảng thương mại điện tử, khó kiểm soát nguồn thu đang tạo ra một tầng lớp làm giàu nhanh nhờ lách luật trên mạng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế, đầu tư vào kiểm định chất lượng, đăng ký nhãn hiệu, đóng gói bài bản và vận hành theo đúng quy định pháp luật lại đang gặp khó khăn do không thể cạnh tranh về giá với những gian hàng không khai báo thuế, sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc hàng nhái.

Thực tế này cho thấy sự cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Tuy nhiên, việc kiểm soát cần đi đôi với những cơ chế hỗ trợ linh hoạt, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ và cá nhân chuyển đổi lên mô hình chính quy, từ đó thúc đẩy một môi trường phát triển hài hòa giữa khu vực kinh doanh truyền thống và các hình thức kinh doanh mới trên nền tảng số.

Hiện nay Cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát hoạt động TMĐT như yêu cầu các sàn cung cấp thông tin định danh của người bán qua mã số thuế, tài khoản ngân hàng và doanh thu phát sinh. Ngành thuế cũng đang đẩy mạnh kết nối dữ liệu với các nền tảng số và tổ chức trung gian thanh toán nhằm kiểm soát dòng tiền và xác định nghĩa vụ thuế. Đồng thời, một cơ sở dữ liệu tập trung về hoạt động TMĐT đang được xây dựng, tích hợp thông tin từ các cơ quan liên quan như hải quan, ngân hàng, quản lý thị trường để phục vụ thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Google có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay cho người bán không cư trú tại Việt Nam.

Cùng với đó, ngành thuế cũng đang ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để giám sát hoạt động, truy vết dòng tiền và phát hiện giao dịch bất thường. Phối hợp với Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Bộ Thông tin và Truyền thông) để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như bán hàng giả, trốn thuế, không kê khai trong kinh doanh.

Xem thêm