Điều này cũng đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng an toàn đang dần định hình và trở thành xu hướng không thể đảo ngược.
Chủ động chứng minh năng lực kiểm soát
Năm 2024, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sầu riêng, chỉ sau Thái Lan. Thế nhưng, sang năm nay, xuất khẩu mặt hàng này đã sụt giảm 5 tháng liên tiếp, điều trước đây chưa từng xảy ra. Ở chiều ngược lại, sản lượng loại quả này được nhập khẩu về Việt Nam đã tăng gấp sáu lần cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị lên đến gần chục triệu USD.
Nguyên nhân chính là sầu riêng Việt Nam vẫn đang trong quá trình khắc phục vấn đề tồn dư chất bảo vệ thực vật có trong trái cây để vượt qua các quy định kỹ thuật, kiểm dịch thực vật mới của Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Cách đây vài tháng, một vài lô hồ tiêu xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) của doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bị phát hiện nhiễm chất Sudan đỏ, loại chất màu công nghiệp bị cấm sử dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm. Các lô hàng này đã bị trả về, bị cảnh báo rộng rãi trên các hệ thống kiểm tra quốc tế. Qua truy xuất, nguồn gốc của lô hồ tiêu này chủ yếu ở hai vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm của Việt Nam.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, việc để tồn dư chất Sudan đỏ trong mặt hàng xuất khẩu thế mạnh là sự bất thường đáng suy ngẫm, bởi không chỉ quốc tế mà ngay cả ở Việt Nam cũng nghiêm cấm việc sử dụng hóa chất này.
Ngoài sầu riêng, hồ tiêu, Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa công bố kế hoạch cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để kiểm tra, giám sát việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên một số nông sản xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam, như thanh long, ớt… Đoàn thanh tra sẽ đến trực tiếp các vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói để kiểm tra về việc khắc phục các lỗi trong quá trình bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và trong báo cáo truy xuất.
Điều đáng nói, tỷ lệ nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU đang phải kiểm tra tại cửa khẩu khá cao: 20% đối với thanh long; ớt chuông và đậu bắp ở mức 50%... Hiện nay, các quy định nghiêm ngặt về giới hạn dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng không chỉ ở EU mà còn tại nhiều quốc gia, như Hoa Kỳ và Nhật Bản... Đây đều là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, Việt Nam đã tiến hành điều tra nguyên nhân, triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, khắc phục trên toàn chuỗi “sản xuất-sơ chế-xuất khẩu”. Kết quả đã đ`ược tổng hợp thành báo cáo và gửi cho cơ quan chức năng của đối tác để cập nhật tiến độ, chứng minh năng lực kiểm soát của phía Việt Nam.
Minh bạch trách nhiệm, mở lối tạo niềm tin
Từng được biết đến với biệt danh “thủ phủ hàng giả, hàng nhái” của thế giới, vào những năm 2015 trở về trước, tại Trung Quốc, mọi sản phẩm tiêu dùng từ điện tử, dệt may, dược phẩm đến thực phẩm… đều có thể bị làm giả và tuồn ra thị trường với số lượng khổng lồ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm thanh lọc thị trường đã được Chính phủ Trung Quốc triển khai quyết liệt và tạo sự chuyển mình ngoạn mục. Song hành với việc củng cố hành lang pháp lý, Trung Quốc cũng xây dựng đội ngũ chuyên trách chống hàng giả trong lực lượng công an, hải quan và quản lý thị trường để phối hợp nhịp nhàng, liên tục triệt phá các đường dây sản xuất, phân phối hàng giả, thực phẩm kém chất lượng quy mô lớn.
Điểm mấu chốt làm nên sự khác biệt trong cuộc chiến chống hàng giả của Trung Quốc chính là tận dụng triệt để sức mạnh công nghệ, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc trên các nền tảng thương mại điện tử. Các “ông lớn” như Alibaba, JD.com, Pinduoduo luôn chủ động phối hợp với chính quyền để gỡ bỏ gian hàng vi phạm, truy vết nguồn gốc, hỗ trợ xử lý pháp lý.
Đánh giá cao những thành quả mà Trung Quốc có được trong cuộc chiến chống hàng giả, nhất là trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, Viện trưởng Phát triển doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Lương Minh Huân nhận định, đây là những kinh nghiệm rất đáng học hỏi.
Rõ ràng, không chỉ là công cụ để người tiêu dùng và cơ quan quản lý xác lập lại sự minh bạch trên thị trường thực phẩm và đồ uống, truy xuất nguồn gốc cũng chính là “tấm lá chắn” công nghệ, là nền tảng định vị, nâng tầm thương hiệu Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đó cũng là điều mà Bộ trưởng Đỗ Đức Duy muốn nhắn nhủ trên cương vị đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm chính trong giải quyết triệt để “khủng hoảng” cho ngành sầu riêng nói riêng, cũng như với các nông sản, thực phẩm khác nói chung. Song tư lệnh ngành cũng nhấn mạnh, việc quan trọng nhất là cần xác minh rõ vai trò của các địa phương trong giám sát chất lượng, duy trì điều kiện kỹ thuật vùng trồng. Bên cạnh đó, để bảo đảm sự minh bạch trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, còn đòi hỏi sự nhập cuộc thực chất của chính quyền, doanh nghiệp và của chính người nông dân. Tất cả vì một mục tiêu chung - Không thể vì số lượng hay lợi nhuận trước mắt mà đánh mất hình ảnh, uy tín quốc gia.
Những biện pháp chống hàng giả truyền thống như tem nhãn, mã vạch đơn thuần dần mất hiệu lực trước các chiêu trò của người làm hàng giả thế hệ mới. Nếu không kiểm soát tốt truy xuất nguồn gốc, Việt Nam sẽ trở thành “điểm mù” về hàng hóa, cản trở tiến trình hội nhập”.
Ông LƯƠNG MINH HUÂN
Viện trưởng Phát triển doanh nghiệp