Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội hướng dẫn bệnh nhân đến các phòng chuyên môn. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội hướng dẫn bệnh nhân đến các phòng chuyên môn. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Hỗ trợ người nghèo vượt qua rào cản tài chính

Những năm qua, dù quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế đã được mở rộng, song gánh nặng y tế vẫn quá lớn đối với những người mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo.

Loay hoay gánh nặng viện phí

Nhiều người bệnh chúng tôi gặp tại khu vực làm thủ tục Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bộc bạch, không ai mong muốn phải vào viện điều trị bởi ngoài nỗi lo bệnh tật, ai cũng phải lo tiền khám chữa bệnh, với những gia đình hoàn cảnh khó khăn nếu bệnh nặng càng khó xoay xở.

Ông Tùng, 60 tuổi, từ thành phố Hải Phòng mới chuyển tuyến lên Hà Nội mổ phì đại tuyến tiền liệt sau nhiều lần thăm khám, cho biết: “Tôi có bảo hiểm y tế nhưng vừa nhập viện đã phải đóng gần 20 triệu đồng. Chưa kể mỗi ngày nằm viện còn phải lo một khoản chi không nhỏ. Nhà làm nông, tôi phải chạy vạy vay mượn mới đủ đóng viện phí”.

Với ông Nguyễn Đình Phong, 72 tuổi, ở Phú Thọ (mới), chỉ hai ngày nằm viện sau ca can thiệp đặt stent động mạch vành, phải bỏ ra chi phí điều trị hơn 100 triệu đồng. Ông cho biết, do là trường hợp cấp cứu và điều trị đúng tuyến, nên được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán đến 95%, tương đương hơn 70 triệu đồng, ông chỉ còn phải trả khoảng 30 triệu đồng còn lại.

Dù vậy đó vẫn là số tiền lớn với nhà nông quanh năm lam lũ chỉ đủ ăn như gia đình ông. Ông Phong kể, những ngày nằm viện đã nhận ra tấm thẻ bảo hiểm y tế quan trọng đến mức nào. Nhiều người bệnh cùng phòng ông đến điều trị không có bảo hiểm y tế, với chi phí đặt stent lên tới hơn 100 triệu đồng thấy không kham nổi lại đành về, chấp nhận điều trị muộn.

Trên thực tế, khám chữa bệnh vẫn đang là gánh nặng lớn với nhiều gia đình, đặc biệt là những người lao động tự do, nông dân hoặc người không có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế thường xuyên. Với người bệnh ung thư càng khó khăn hơn. Tại Bệnh viện K (Hà Nội), phác đồ điều trị bệnh ung thư phổi bằng liệu pháp miễn dịch kết hợp hóa trị, người bệnh phải bỏ ra chi phí điều trị lên đến 60 triệu đồng mỗi tháng và không được bảo hiểm y tế chi trả.

Số liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 165.000 ca mắc ung thư mới, nhưng chỉ có 10% trong số này được tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến như liệu pháp đích và liệu pháp miễn dịch. Chi phí cho các phương pháp này có thể lên đến 120-150 triệu đồng mỗi tháng.

Điều trị ung thư đòi hỏi kết hợp nhiều phương pháp như xạ trị, hóa trị, phẫu thuật, liệu pháp đích và miễn dịch. Mặc dù Bảo hiểm y tế hiện chi trả toàn bộ hoặc một phần cho xét nghiệm, hóa chất, xạ trị và phẫu thuật, chi phí thuốc vẫn là rào cản lớn nhất. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với người mắc các bệnh hiếm, khi chi phí điều trị có thể cao gấp 5-10 lần so với bệnh thông thường.

Nhân rộng mô hình quỹ hỗ trợ

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, hiện tại chi phí y tế tại Việt Nam đang tăng nhanh theo từng năm do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, cũng như việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong điều trị. Trong hệ thống y tế hiện nay, tài chính là một trong những rào cản quan trọng nhất khiến nhiều người dân, đặc biệt là người nghèo và người ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, không thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu đầy đủ và kịp thời. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cá nhân mà còn kéo theo hệ lụy lâu dài cho cả cộng đồng và nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là vì sao người dân vẫn phải chịu nhiều chi phí dù đã có thẻ bảo hiểm y tế? Nguyên nhân do phạm vi chi trả chưa thể bao phủ một số thuốc biệt dược, vật tư, dịch vụ kỹ thuật cao, giường bệnh theo yêu cầu; quy định đồng chi trả. Hệ thống y tế công lập thiếu thuốc, thiếu vật tư ở một số thời điểm, chất lượng khám chữa bệnh chưa đồng đều dẫn đến việc người dân chấp nhận chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, bỏ tiền ra để “mua sự yên tâm”. Với những trường hợp chưa có thẻ bảo hiểm y tế, áp lực viện phí còn nặng nề hơn rất nhiều.

Giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh bảo hiểm y tế toàn dân và phát triển các gói bảo hiểm tư nhân để người dân có thêm lựa chọn. Đặc biệt, trong khi chờ miễn viện phí theo lộ trình cần thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo do nhà nước quản lý. Nguồn quỹ có thể từ ngân sách, xã hội hóa giúp trả chi phí chữa trị và được giám sát chặt chẽ để sử dụng đúng đối tượng.

Hiện tại, một số bệnh viện đã xây dựng được quỹ hỗ trợ như vậy. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, quỹ dành cho bệnh nhân nghèo được trích từ doanh thu bệnh viện, kết hợp với ban xét duyệt để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt như bệnh nhân cấp cứu không có người thân hoặc gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu là bảo đảm mọi bệnh nhân được cứu chữa kịp thời, bất kể hoàn cảnh.

Bên cạnh đó, tại các bệnh viện hiện nay đều có Phòng Công tác xã hội, đóng vai trò kết nối với nhà hảo tâm để hỗ trợ tài chính cho bệnh nhân khó khăn. Theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các bệnh viện được phép thành lập quỹ hỗ trợ cho các trường hợp đặc biệt, như bệnh nhân không đủ khả năng chi trả hoặc không may tử vong.

Việc xây dựng và vận hành các quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo không chỉ là giải pháp tài chính mà còn thể hiện tinh thần nhân văn của ngành y tế, bảo đảm mỗi người bệnh đều có cơ hội chữa bệnh, vượt qua rào cản tài chính.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, viện phí và học phí chiếm 30-35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Điều này cho thấy rào cản tài chính vẫn đang khiến nhiều người dân chưa thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết.

Xem thêm