Đến hiện tại, The Guardian và rất nhiều tờ báo khác vẫn đang kêu gọi sự giúp đỡ, nhằm bảo vệ tính độc lập của mình.
Đến hiện tại, The Guardian và rất nhiều tờ báo khác vẫn đang kêu gọi sự giúp đỡ, nhằm bảo vệ tính độc lập của mình.

BÁO CHÍ TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Giá nào là hợp lý cho một loại “hàng hóa công cộng”?

Một ngày cuối tháng 4/2016, khi mở trang web quen thuộc của Người Bảo Vệ (The Guardian), tôi bắt gặp ngay một dòng chữ đã thay đổi lịch sử của tờ báo danh tiếng này: “Hãy giúp đỡ chúng tôi duy trì báo chí độc lập. Ủng hộ The Guardian bằng cách đóng góp”.

Số tiền huy động đóng góp chỉ là 1 USD. Trong cùng năm đó, Người Bảo Vệ thành lập theguardian.org, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, nhằm thu hút thêm tài trợ từ các cá nhân và tổ chức từ thiện.

“Hãy giúp đỡ chúng tôi!”

Tờ báo giới thiệu thêm tùy chọn đóng góp đơn lẻ (single contributions), bên cạnh các hình thức hỗ trợ khác như đăng ký theo dõi (subscriptions) và đóng góp định kỳ (recurring contributions). Từ chỉ 12.000 thành viên vào năm 2015, The Guardian đã đạt hơn 655.000 người hỗ trợ hằng tháng vào năm 2019, bao gồm người đăng ký, người đóng góp định kỳ, và thành viên.

Ngoài ra, có 300.000 người thực hiện các khoản đóng góp đơn lẻ trong một năm. Hiện nay, doanh thu từ độc giả (bao gồm đóng góp và đăng ký) đã vượt qua doanh thu từ quảng cáo, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của The Guardian. Số người hỗ trợ đến từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.

Đặt trong bối cảnh doanh thu từ quảng cáo vào thời điểm đó đã bắt đầu suy giảm, bao gồm cả từ hình thức quảng cáo hiển thị (chủ yếu là Google Adsense), lẫn các chiến dịch truyền thông thì mô hình báo chí trả phí, thường dưới hai dạng là thu phí (paywall) và đăng ký thuê bao (subscription), xứng đáng nổi lên như những trào lưu mới. Song, chúng lại tiềm ẩn một điểm yếu chết người: chi phí để duy trì là rất lớn.

Ở thời điểm đó, tôi đang làm thư ký tòa soạn một trang tin nhỏ, và đứng trước câu hỏi - Lựa chọn mô hình nào để phát triển? Rõ ràng, nếu việc thu hút người xem miễn phí còn chật vật, thì việc khiến họ trả phí trở nên phi thực tế.

Hãy thử tưởng tượng: Bạn đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho một tuyến bài sâu về một chủ đề nào đó, nhưng đổi lại chỉ là vài nghìn lượt xem, vì tờ báo còn nhỏ và không có các kênh khuếch đại lưu lượng truy cập. Vài lần như thế là chủ đầu tư sốt ruột, và mô hình đầu tư sâu vào nội dung trở thành một gánh nặng khổng lồ. Vậy là bạn lại phải quay lại lối mòn, với những tin tức giật gân để thu hút sức chú ý. Đầu tiên, cũng cần phải sống cái đã!

Vậy nên, khi đọc được những dòng xin tài trợ của tờ The Guardian gần một thập kỷ trước, thú thật là tôi rất sửng sốt. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến một tờ báo danh tiếng cỡ đó thẳng thắn xin tiền độc giả để duy trì chất lượng của báo chí. Sửng sốt, vì nếu coi nội dung là sản phẩm bán hàng, thì làm sao chúng ta lại đề nghị khách hàng trả tiền trước để tôi duy trì được chất lượng trong thời buổi khó khăn?

Song, càng cố gắng để cân bằng chất lượng với doanh thu báo chí trong kỷ nguyên số, tôi càng nhận ra một nghịch lý rất khó chống đỡ: Nếu muốn trở thành một tờ báo phụng sự xã hội đích thực, anh phải bỏ qua nhiều khía cạnh có tính “thị trường”. “Cướp - giết - hiếp” đơn giản là không thể đứng chung với những nội dung nghiêm túc, có tính ảnh hưởng cao đến xã hội.

Lựa chọn ý nghĩa hơn

Lối thoát nằm ở đâu? Trong một bài viết có tựa đề “Nền kinh tế báo chí trách nhiệm: Giá thế nào là hợp lý?”, tờ The Economist đề cập đến dự án báo chí điều tra kinh điển Swiss Leaks của ICIJ, liên quan đến 175 nhà báo từ 56 quốc gia, dẫn đến hơn 400 bài báo trên 65 phương tiện truyền thông, với chi phí lớn về thời gian và nhân lực.

Doanh thu từ chiến dịch này là zero, dù nó gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Nhìn dưới góc độ kinh tế, đấy là một thất bại. Nhưng dưới một góc nhìn nhân văn và hơi phi thực tế, đó là một chiến dịch vô giá, được thực hiện để phụng sự con người, và khiến mỗi nhà báo tham gia tìm lại được phẩm cách nghề nghiệp.

Victor Pickard, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), từng phân tích trong một nghiên cứu về báo chí kỷ nguyên số hóa, rằng báo chí truyền thống đang đối mặt với khủng hoảng tài chính do mô hình kinh doanh truyền thống không còn hiệu quả. Ông kêu gọi coi báo chí như hàng hóa công cộng, cần được hỗ trợ qua các cơ chế phi thương mại.

Có ba hình thức chính trong tài trợ cộng đồng cho báo chí: Người quyên góp (Donors): Hỗ trợ dựa trên lý do cá nhân hoặc giá trị chung, thường là đóng góp một lần; Hội viên (Members): Đóng góp thời gian, tài chính, chuyên môn, hoặc ý tưởng, tạo mối quan hệ hai chiều, thể hiện cam kết lâu dài.

Coi báo chí có tính chất hàng hóa công cộng, tức là thừa nhận ngoại ứng tích cực (positive externalities) của nó: Ngoài việc là hàng hóa giữa bên sản xuất nội dung (các tờ báo) và bên tiêu thụ (người đọc), nó còn mang lại lợi ích cho một bên thứ ba nào đó khác, và lợi ích này không thể được phản ánh vào giá bán, như một mặt hàng lưu thông trên thị trường thuần tuý.

Thí dụ, ngoài việc phải tự nuôi sống tòa soạn bằng các nội dung do độc giả trả phí, các tờ báo cũng bảo đảm cho các công dân quyền nhận được thông tin đầy đủ, từ đó củng cố nền dân chủ và các giá trị phổ quát, nhân văn.

Ngày nay, thừa nhận chuyện này không còn là điều mới mẻ. Báo chí phi lợi nhuận (philanthrojournalism) không nhằm mục đích sinh lời, tập trung vào thông tin công ích như báo chí điều tra và phục vụ cộng đồng. Sự thành công của nó nói lên chiến thắng của một lựa chọn khó khăn nhưng rạng rỡ: Cuối cùng, báo chí cũng phải hướng đến phụng sự, và mang các giá trị công cộng tương tự như các công trình đường sá, trường học.

Trong 10 năm qua, The Guardian vẫn bám sát với tôn chỉ báo chí của mình: Nghiêm túc, đầu tư có chiều sâu, và tuyệt đối từ chối các chủ đề giật gân để có lượt truy cập thuần túy. Bây giờ, tôi không còn ngạc nhiên vì chuyện này nữa. Thay vì tiếp tục trượt theo tính thị trường thuần tuý của hàng hóa, tờ báo đã chọn một con đường khác, có vẻ “sai sai” ban đầu, nhưng rốt cuộc lại là con đường bảo vệ được toàn vẹn nhất phẩm giá của báo chí.

Đấy có vẻ sẽ là lựa chọn của những ai muốn tìm kiếm ý nghĩa đích thực của nghề "làm báo", trong một kỷ nguyên mà việc chỉ chạy theo lượt “view” và sức chú ý đơn thuần rồi sẽ đặt chúng ta vào một trạng thái dằn vặt nào đó, không dễ thoát ra...

Mô hình báo chí phi lợi nhuận được vận hành nhờ các khoản kinh phí tài trợ qua quyên góp cá nhân, hội viên, quỹ từ thiện, và đôi khi hợp tác với truyền thông thương mại. Có khoảng 658 dự án báo chí đã huy động gần 6,3 triệu USD qua Kickstarter (một mô hình gọi vốn trực tuyến), với các hình thức như tạp chí, tin tức trực tuyến, radio/podcast, và phim tài liệu.

Xem thêm