Cầu nối giữa Đảng và người dân, doanh nghiệp
Chỉ ít phút sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được chính thức phát hành, nhóm phóng viên theo mảng kinh tế vĩ mô đã nhận được bản toàn văn Nghị quyết đóng dấu đỏ qua các kênh zalo, viber… Ngay lập tức, tư tưởng đổi mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân tạo sức hút cực lớn trên các phương tiện truyền thông và cộng đồng.
Trở lại thời điểm gần hai tháng trước đó, Hội thảo “Tháo gỡ bất cập chính sách để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam” được Báo Nhân Dân phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Huba) tổ chức. Tại đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, một trong số diễn giả chính của Hội thảo đã trình bày tham luận dẫn ra rất nhiều số liệu chứng minh đặc tính “không lớn được” và “không chịu lớn” của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, từ đó đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp.
Đối với gần 17 nghìn doanh nghiệp thành viên của Huba, đây là lần đầu tiên họ được trực tiếp tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho một nghị quyết quan trọng của Đảng thông qua cầu nối là Báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam. Trước một vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc, những doanh nhân được tin tưởng lựa chọn đại diện phát biểu đều là những gương mặt có uy tín, như ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG); ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel; Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương; Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op…
Thay vì “kêu khó, kể khổ”, các doanh nhân đã chỉ rõ những rào cản đang trói buộc hoạt động sản xuất kinh doanh, đề xuất giải pháp cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước và cam kết cùng triển khai thực hiện với đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Thông điệp từ diễn đàn lớn này sau đó được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội thông qua các bài viết được đăng tải kịp thời trên các tờ báo lớn của Trung ương và địa phương, thể hiện khát khao của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam mong muốn được tham gia giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng. Và đúng như kỳ vọng, nhiều nội dung kiến nghị từ hội thảo cũng như từ các tuyến bài trên các báo đã được tiếp thu, trở thành một phần của Nghị quyết 68-NQ/TW.
Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải hơi thở cuộc sống vào Nghị quyết theo tiêu chí bám sát yêu cầu “đứng trên mảnh đất thực tiễn” để giải quyết các vấn đề đặt ra.
Tư duy mới, cách làm mới
Chỉ trong một thời gian ngắn, bốn nghị quyết quan trọng của Đảng đã được ban hành với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và cường độ làm việc chưa từng có của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đội ngũ công chức trực tiếp tham gia soạn thảo, biên tập. Mỗi Nghị quyết đều thể hiện sự đột phá mạnh mẽ về tư tưởng trong từng lĩnh vực, mở ra không gian chưa từng có cho sự phát triển đất nước. Nếu triển khai đúng hướng, phần lớn các điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ.
Ở thời khắc quan trọng này, người làm báo buộc phải có tư duy mới, cách làm mới để có thể truyền tải được những tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng “thấm” vào cá nhân trong hệ thống chính trị, trong từng đơn vị cơ sở. Từ đó triển khai thực hiện một cách có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng. Vai trò của báo chí trong giai đoạn này càng được thể hiện rõ khi đảm nhiệm chức trách tuyên truyền góp phần đưa Nghị quyết của Đảng đi vào đời sống thông qua cách thức truyền thông đa dạng, sáng tạo.
Để có “quả ngọt” là “bộ tứ trụ cột”, báo chí đã bền bỉ đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia kinh tế, tổ chức nghiên cứu cùng theo đuổi mục tiêu thiết lập một môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân. Minh chứng cho câu chuyện đưa hơi thở đời sống đến với Nghị trường, là tuyến bài về những bất cập trong thể chế khiến cho cán bộ nhà nước không dám hành động. Đã có đại biểu Quốc hội khi đăng đàn tại Nghị trường để nói về nhu cầu cấp bách của tháo gỡ điểm nghẽn thể chế đã viện dẫn tâm sự của một cán bộ trong cơ quan hành chính từng được báo chí đăng tải. Đó là “không thực hiện chức trách vì thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”...
Hay tuyến bài phản ánh sự chững lại trong cải cách môi trường kinh doanh từ sau đại dịch Covid-19 cũng được nhiều báo khai thác với tâm điểm là những phát hiện rất đáng chú ý của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương về “sự hồi sinh” của giấy phép con, quy định ngặt nghèo trong thủ tục phòng cháy chữa cháy… Đặc biệt là sự lơi lỏng của các địa phương đối với cải cách môi trường kinh doanh khi mà Chính phủ không ban hành Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2023, như thông lệ.
Chất liệu cho các bài báo đầy tính thời sự trong giai đoạn này chính là những con số “âm” được bóc tách từ dữ liệu thống kê về tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu không có tư duy phản biện, người làm báo sẽ cho rằng doanh nghiệp khai sinh rồi khai tử là quy luật đào thải của thị trường, là quá trình sàng lọc tự nhiên. Vì trung bình mỗi năm, cả nước vẫn có hơn 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, đưa khoảng 3 triệu tỷ đồng vốn vào nền kinh tế. Nhưng nhìn sâu vào từng lát cắt, tư duy phản biện sẽ được thôi thúc bởi những “con số biết nói”, số liệu “âm” trong dữ liệu đăng ký kinh doanh ngược chiều với các chỉ số kinh tế vĩ mô như tình hình thế giới, thị trường trong và ngoài nước, tăng trưởng, lạm phát. Doanh nghiệp mới thành lập chưa thể có đóng góp ngay vào cho phát triển kinh tế-xã hội nhưng doanh nghiệp đang hoạt động phải rời bỏ thị trường sẽ gây tổn thất thực cho nền kinh tế. Với cách tư duy như vậy, hiện tượng “khai tử” của doanh nghiệp không còn là sự đào thải theo quy luật thị trường nữa, mà phản ánh hiện trạng bị kìm hãm phát triển do vướng các rào cản từ thể chế, môi trường kinh doanh.
Và nếu chỉ phản ánh xuôi chiều, báo chí sẽ không thể mở các diễn đàn, chuyên mục huy động trí tuệ của các tầng lớp nhân dân cùng thảo luận, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ những vấn đề cấp thiết đang đặt ra cho nền kinh tế. Như chia sẻ của TS Nguyễn Đình Cung, dù việc khó thế nào, chỉ cần đưa ra để thảo luận, trao đổi rộng khắp, giải pháp sẽ xuất hiện. Đây là cách để chúng ta tìm ra những con đường mới đóng góp hữu ích vào sự nghiệp phát triển của đất nước, thay vì bị mắc kẹt trong tư duy cũ, cách làm cũ.
Các cơ quan thông tấn, báo chí đã và đang đóng vai trò hết sức quan
trọng, là kênh thông tin chủ lực, nòng cốt thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật đến với xã hội, người dân. Từ đó, góp phần đưa mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Những năm qua, thực hiện chiến lược chuyển đổi số, công tác truyền thông chính sách được Báo Nhân Dân đổi mới mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh thông tin chính sách đến với nhiều đối tượng độc giả khác nhau trên nhiều nền tảng mới như fanpage trên Facebook, kênh TikTok, kênh YouTube...