Đây được coi là “thời cơ vàng” để ngăn chặn thực trạng đáng báo động này, lấy lại niềm tin và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Vấn nạn hóa chất tràn lan, ăn gì cũng sợ!
Người tiêu dùng cả nước chưa vơi bức xúc với thông tin sữa giả, thuốc giả thì lại tiếp nhận hàng loạt thông tin về các cơ sở, đường dây sản xuất cả nghìn tấn giá đỗ ngâm, tưới hóa chất vừa được lực lượng chức năng triệt phá.
Cụ thể, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện một số cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tang vật thu giữ trong vụ việc này gồm gần 2.000 lu nhựa chứa tổng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo”, tên khoa học là 6-Benzylaminopurine (6-BAP) nguyên chất, loại chất kích thích tăng trưởng tế bào không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, cùng một số tang vật liên quan. Được biết, từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sử dụng “nước kẹo” nói trên để sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm.
Trước đó, cuối năm 2024, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bốn bị can để điều tra về tội “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”. Liên quan vụ việc này, lực lượng chức năng thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ thành phẩm đã ngâm “nước kẹo”, bên cạnh 135 lít hoạt chất 6-BAP. Chỉ riêng trong năm 2024, nhóm đối tượng trên đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-BAP, trung bình gần 10 tấn/ngày.
Chị Huyền, chủ một quán bún cá khá nổi tiếng nằm trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) chia sẻ, thông tin về những vụ phát hiện, bắt giữ thực phẩm ngâm tẩm hóa chất làm cho người dân đi chợ thêm phần lo lắng, không biết mua thức ăn như thế nào để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả gia đình.
Vào mùa này, trong bát bún cá của quán, thức rau cần được thay thế bằng rau cải, giá đỗ. Dù cửa hàng luôn đặt mua giá đỗ từ cơ sở quen biết lâu năm, từ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhưng sau những vụ việc phát hiện giá đỗ ngâm tẩm hóa chất được đăng tải trên truyền thông, câu cửa miệng của chị Huyền mỗi khi đón khách vào quán là: “Anh/chị có dùng giá đỗ không ạ?”.
Ngay cả các loại thực phẩm vốn luôn được coi là sạch như hoa chuối cũng đã bị một số đối tượng sử dụng hóa chất để ngâm tẩm, kéo dài thời gian trông tươi ngon, “lừa” mắt người tiêu dùng. Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh củng cố hồ sơ, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc ba cơ sở tại phường Bình Đông (cũ) sơ chế lượng lớn hoa chuối bằng cách ngâm tẩm hàn the, thuốc tẩy trắng trước khi mang đi tiêu thụ, vi phạm nghiêm trọng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đó, lực lượng chức năng trên cả nước cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc như thịt lợn “ướp” hàn the, rau phun thuốc kích thích, măng khô tẩm lưu huỳnh… Lực lượng chức năng của Hà Nội cũng đã từng bắt quả tang một cơ sở tẩy trắng bạch tuộc bằng hóa chất trên địa bàn quận Ba Đình (cũ). Kết quả kiểm nghiệm mẫu dung dịch ngâm bạch tuộc cho thấy, có chứa tới 1.046 mg hydro peroxid; 665 mg natri hydrosulfit; 0,385 mg asen; Hydro peroxid, natri hydrosulfit… Tất cả đều là các loại hóa chất công nghiệp độc hại.
Tình trạng thực phẩm ngâm tẩm hóa chất lan tràn trên thị trường khiến không ít người tiêu dùng rơi vào tâm lý bất an. Thậm chí như chị Lê Hải Mai, một nhân viên văn phòng sống tại phường Thanh Xuân, Hà Nội, đã thường xuyên gửi mẫu thực phẩm gia đình hay dùng đến các viện kiểm nghiệm tại Hà Nội, lấy kết quả so sánh để tự trấn an bản thân và cả gia đình. Chị xác định, chấp nhận tốn kém chi phí cho việc mua cảm giác yên tâm này.
Chị Mai dẫn chứng, gia đình chị hay sử dụng thịt bò trong các bữa ăn thường ngày. Tuy nhiên “vẻ đẹp công nghiệp” của những khúc thăn bò thương hiệu ngoại, những khay “thăn bò Kobe”, “thăn bò Úc” đã dấy lên trong chị sự hoài nghi. Hóa ra, trong quá trình sơ chế và đóng gói tại Việt Nam, những sản phẩm này được bơm tạo vân mỡ. Trên một số trang mạng xã hội, nhiều tài khoản còn công khai cam kết cung cấp cả “công nghệ” bơm tạo vân mỡ nếu người mua có nhu cầu nhập hàng với số lượng lớn (?). Qua tìm hiểu, chị Mai biết rằng, chiểu theo các quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam, việc bơm tạo vân mỡ nói trên chưa bị coi là vi phạm pháp luật. “Nhưng việc làm này có gì khác nếu so việc bơm thạch vào tôm hùm? Trong khi hành vi bơm thạch vào tôm hùm thì bị coi là vi phạm pháp luật?”, chị Mai thắc mắc.
Nhân dân phải là trung tâm bảo vệ và là chủ thể cùng đấu tranh, phải huy động sức mạnh từ nhân dân để tạo thành phong trào. Phát động phong trào mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông minh trên thị trường”.
Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tại sao “con voi” vẫn chui lọt lỗ kim?
Thực tế, để làm cho sản phẩm thực phẩm trông tươi, ngon, sạch có mầu sắc bắt mắt và hấp dẫn, một số đối tượng sản xuất và đầu mối phân phối đã lạm dụng sử dụng hóa chất không được phép. Lâu nay, tình trạng này khá phổ biến, thậm chí ngày một tinh vi và khó kiểm soát.
Lấy dẫn chứng quy trình sản xuất các loại thực phẩm thường thức, như bánh phở, bún, giò, chả... TS Mai Thanh Truyết (Viện Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, nếu chỉ sử dụng thuần túy nguyên liệu nguyên chất thì thành phẩm sẽ có mầu sắc không “bắt mắt”, không có độ giòn, dễ hợp khẩu vị đa số người tiêu dùng, lại nhanh bị ôi thiu, hư hỏng... Vì vậy, người sản xuất đã cho thêm hàn the (tên khoa học là Borax - sodium tetra borate decahydrate) dù chính họ cũng không lạ gì về tác hại của loại hóa chất này.
Bày tỏ bức xúc trước hàng loạt vụ việc thực phẩm ngâm tẩm trong hóa chất bị phanh phui, trên diễn đàn Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội thẳng thắn đặt vấn đề: Tại sao người sản xuất lại mua được hóa chất, thậm chí có thể mua trực tuyến các loại chất cực độc như xyanua một cách dễ dàng như vậy?
Phải chăng, tình trạng này ngang nhiên tồn tại không khác gì nghịch lý đã được dân gian đúc kết: “Con voi” chui lọt lỗ kim. Để lý giải được cái gốc của vấn đề, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, ngoài lý do ý thức của người sản xuất, sử dụng, một phần nguyên nhân chính là do đầu mối quản lý chưa chặt chẽ, chưa làm tốt chức trách nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, việc triển khai các biện pháp mạnh tay và đồng bộ từ mọi cấp chính quyền là yêu cầu cấp thiết.
Thực tế, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực an toàn thực phẩm luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Ban Chỉ đạo 389 tại các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt.
Mới đây, Bộ Công thương cũng đã giao Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với các cơ quan liên quan siết chặt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi. Đây là nền tảng để tổ chức triển khai hệ thống các tiêu chuẩn phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc, đặc biệt với nhóm sản phẩm liên quan an toàn thực phẩm, sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, đây còn là công cụ làm rõ trách nhiệm, bịt kín các “vùng xám” dễ bị gian thương lợi dụng.
Ông Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng, việc siết chặt quy trình kiểm tra, giám sát cần được coi là khâu then chốt. Trước hết, tập trung vào toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến quá trình lưu thông và tiêu thụ. Đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm không còn kẽ hở.