Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa 2, Giám đốc Bệnh viện Sa Pa (Lào Cai) - Phạm Lê Trung thăm khám cho bệnh nhân.
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa 2, Giám đốc Bệnh viện Sa Pa (Lào Cai) - Phạm Lê Trung thăm khám cho bệnh nhân.

Y tế tuyến cơ sở phải gần dân nhất

Để thực hiện từng bước lộ trình miễn viện phí toàn dân như Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề cập, ngành y tế đặt mục tiêu trước hết phải tập trung tăng cường y tế cơ sở, bảo đảm 90% dân số được chăm sóc y tế dự phòng…

“Phải là nơi người dân đặt niềm tin”

Y tế cơ sở ở nước ta hiện nay gồm: Y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn… Đây là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản. Mạng lưới y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, bởi đây là những khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, tỷ lệ người nghèo cao, lại ở xa các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Đảm nhận vai trò “người gác cổng” trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, song y tế cơ sở không đủ sức thu hút người dân. Có mặt tại Bệnh viện Phổi Trung ương sáng 30/6, chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân ở các tỉnh xa vẫn chấp nhận vượt tuyến đến thăm khám. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Hưng, 70 tuổi (xã Quản Bạ, tỉnh Tuyên Quang) bị phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đã nhiều năm. Mỗi lần, con trai đưa ông xuống đây khám bệnh đều phải bắt xe khách đi từ đêm hôm trước, một chặng nghỉ ở thành phố Hà Giang (cũ) rồi “đánh một giấc” trên xe để đến sáng là về đến Hà Nội. Lặn lội như vậy vì theo ông Hưng, y tế cơ sở phát thuốc uống không hiệu quả, “đặc biệt, mỗi lần mắc bệnh nào đó, tôi đều xuống Bệnh viện Phổi luôn vì sợ biến chứng vào phổi, tuyến dưới không xử trí kịp thời!”. Ông Hưng không giấu giếm: “Mỗi lần xuống Hà Nội để khám và mua thuốc, lại phải bán đàn gà. Nhưng bệnh tật phải chữa sao cho hiệu quả. Nếu để bệnh nặng, thì cả lợn, trâu, bò gì cũng bán tuốt!”. Trong khi đó, theo các bác sĩ, những bệnh cơ bản như huyết áp, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính… hoàn toàn có thể phát hiện và kiểm soát tại cộng đồng. Nhưng hiện nay, người dân không được thăm khám kịp thời tại tuyến y tế cơ sở, đến khi biến chứng buộc phải chuyển lên tuyến trên gây tốn kém trong điều trị và đi lại.

Vừa qua, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận xoay quanh nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện chuyên sâu tuyến trung ương. PGS,TS Y khoa Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV cho rằng: “Trên thực tế, người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, để được tư vấn về sức khỏe chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân dễ thấy nhất là do người dân mất niềm tin vào chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Để giải quyết vấn đề, cần nâng cao năng lực của y tế cơ sở. Đặc biệt, từ ngày 1/7, khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, vai trò của tuyến cơ sở càng trở nên quan trọng!”.

Thời điểm thích hợp “xốc lại” y tế tuyến cơ sở

Khi được hỏi, nhiều bác sĩ công tác tại tuyến cơ sở đều có chung suy nghĩ, giai đoạn này, đơn vị hành chính chỉ còn hai cấp cũng là cơ hội để tập trung nguồn lực và tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở sao cho gắn với dân, gần với dân nhất để người dân được chăm sóc sức khỏe thuận lợi nhất.

Trung tâm Y tế Phong Thổ (Lai Châu), trung bình một tháng khám chữa bệnh chung khoảng hơn 4.000 lượt bệnh nhân. Từ thực tiễn làm việc tại đây, bác sĩ chuyên khoa I Dương Văn Quân, Giám đốc Trung tâm đóng góp ý kiến về vận hành tuyến y tế cơ sở khi thực hiện chính quyền hai cấp, làm sao để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, tránh quá tải lên tuyến trên.

Theo đó, khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, các trạm y tế sáp nhập lại theo chính quyền địa phương, có thể gộp ba, bốn trạm y tế thành một trạm y tế, trụ sở chính của trạm y tế mới đặt tại trung tâm xã, nơi có trụ sở của chính quyền xã mới, các trạm y tế còn lại sẽ là điểm trạm. Còn đối với Trung tâm Y tế huyện sẽ không còn chữ “huyện” mà sẽ gọi là Trung tâm Y tế. Đơn vị này có thể coi là trung tâm đầu não, hạt nhân của toàn bộ tuyến y tế cơ sở.

Trung tâm Y tế có chức năng như đơn vị khám, chữa bệnh đa khoa chính, đây là đơn vị được xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản trở lên, tiếp nhận các ca bệnh cần can thiệp phức tạp hơn so với trạm y tế, thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, tiểu phẫu và là tuyến tiếp nhận chuyển tuyến đầu tiên từ các trạm y tế xã.

Với các trạm y tế xã (mới) sẽ đóng vai trò là “cảng chính” của hệ thống y tế cơ sở, nơi tập trung nguồn lực đáng kể, là đơn vị y tế được xếp cấp chuyên môn kỹ thuật ban đầu. Cuối cùng, các điểm trạm y tế được gọi là cánh tay nối dài tiếp cận cộng đồng. Đây là “những tiền đồn” gần dân nhất, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế như: Khám, chữa bệnh cơ bản và sơ cấp cứu. Y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu: Tiêm chủng (theo lịch), tư vấn sức khỏe, phát hiện sớm các vấn đề dịch tễ, quản lý bệnh mạn tính tại cộng đồng (thăm nhà, cấp thuốc). Thu thập thông tin và sàng lọc ban đầu: Phát hiện các trường hợp nghi ngờ bệnh, chuyển tuyến kịp thời về trụ sở chính trạm y tế hoặc Trung tâm Y tế.

Tuy nhiên, để hệ thống y tế cơ sở vận hành tốt, bác sĩ Phạm Lê Trung kiến nghị: “Cần phải đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở: nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tăng cường đào tạo, luân chuyển bác sĩ từ tuyến trên về tuyến dưới tùy theo nhu cầu và thực tế của từng địa phương. Ngoài ra thành lập các trung tâm hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, tạo điều kiện cho tuyến y tế cơ sở kết nối mọi lúc, mọi nơi bằng mọi loại phương tiện. Triển khai và đẩy mạnh mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe cộng đồng, cần có chính sách chi trả chi phí cho hệ thống này phát triển bền vững. Ngoài ra cần việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý sức khỏe cho người dân, xây dựng bộ dữ liệu dùng chung đồng bộ, hiệu quả. Nhà nước cần bảo đảm mọi chi phí hoạt động cho tuyến y tế cơ sở và các cơ quan quản lý y tế cũng cần có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của y tế cơ sở để bảo đảm y tế cơ sở hoạt động một cách hiệu quả nhất”.

Trọng tâm phát triển y tế cơ sở, nâng cao công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu là bước đi đúng đắn trên lộ trình tiến tới miễn viện phí toàn dân. Nếu tuyến cơ sở không đủ mạnh, tình trạng bệnh tật sẽ không được quản lý và kiểm soát, khi mắc bệnh, người dân sẽ phải đến các bệnh viện tuyến trên, làm gia tăng chi phí và lãng phí nguồn lực.

Xem thêm