- Thưa bà, khi nghe nói “miễn viện phí toàn dân,” nhiều người dân thường nghĩ rằng khi vào bệnh viện sẽ không phải trả tiền. Thực tế có đúng như vậy không? Và mức đóng Quỹ Bảo hiểm y tế hiện nay đã phù hợp với chính sách mà chúng ta đang hướng tới?
- Chính sách miễn viện phí toàn dân là một chủ trương rất nhân văn, thể hiện tinh thần “lấy người khỏe chăm người bệnh, người giàu san sẻ với người nghèo” trong chế độ bảo hiểm y tế của Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ đều miễn phí hoàn toàn. Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả các chi phí y tế cơ bản, thiết yếu nhằm giảm tối đa gánh nặng tài chính cho người dân, đặc biệt ưu tiên trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Còn những dịch vụ vượt mức cơ bản hoặc theo yêu cầu cao cấp thì người bệnh vẫn phải chi trả một phần.
Việt Nam đang từng bước triển khai lộ trình miễn viện phí toàn dân, với mục tiêu giúp mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu mà không chịu gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, để thực hiện được chính sách này cần nguồn lực rất lớn và phải tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, công bằng và bền vững. Thí dụ, nếu mở rộng khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất một lần mỗi năm cho khoảng 84 triệu người chưa được hưởng chế độ theo pháp luật lao động, ngân sách cần thêm khoảng 25.000 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, các chương trình sàng lọc và phát hiện bệnh do trạm y tế thực hiện cũng cần bổ sung kinh phí đáng kể. Do đó, việc mở rộng dịch vụ y tế miễn phí phải được thực hiện theo lộ trình, dựa trên khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước, ưu tiên hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế trước.
Người dân vẫn phải tuân thủ quy trình chuyển tuyến và phân luồng chuyên môn nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên và nâng cao năng lực y tế cơ sở. Nếu khám vượt tuyến hoặc không đúng cấp, người bệnh sẽ phải chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí dù có bảo hiểm y tế”.
Bà TRẦN THỊ TRANG, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế)
- Vậy Bộ Y tế có những chính sách gì để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế và giảm gánh nặng cho người dân? Những nhóm đối tượng nào sẽ được ưu tiên thụ hưởng chính sách miễn viện phí?
- Chúng tôi đã đề xuất để tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội nhằm mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ thanh toán bảo hiểm y tế cũng sẽ được nâng lên, mở rộng phạm vi quyền lợi để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh. Nhà nước sẽ phối hợp ngân sách, Quỹ Bảo hiểm y tế và huy động xã hội hóa. Một số chuyên gia đề xuất trích thuế tiêu thụ đặc biệt từ các sản phẩm gây hại sức khỏe như thuốc lá, rượu bia, nước ngọt để vừa phòng bệnh vừa tạo nguồn lực tài chính cho Quỹ Bảo hiểm y tế và chính sách miễn viện phí. Dự kiến đến năm 2025, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi khoảng 163 nghìn tỷ đồng, vì vậy cần tăng mức đóng từ 4,5% lên tối đa 6% mức lương cơ sở theo quy định.
Ưu tiên hàng đầu là trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, những nhóm dễ bị tổn thương và khó tiếp cận dịch vụ y tế. Tiếp đó là người cao tuổi, người khuyết tật, dân tộc thiểu số và người sống tại vùng sâu vùng xa. Tỷ lệ đồng chi trả sẽ được giảm dần, đặc biệt với bệnh nhân nghèo mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mãn tính có chi phí điều trị cao. Người có thu nhập cao vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cơ bản như khám định kỳ, sàng lọc bệnh, nhưng không được Nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế và phải chi trả phần lớn chi phí khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao hoặc thuốc đắt tiền. Đây là cách phân tầng hợp lý nhằm bảo đảm tính bền vững và công bằng của hệ thống y tế.
- Hiện nay tỷ lệ chi tiền túi của người dân còn khá cao, bà có thể nói rõ hơn về mục tiêu giảm tỷ lệ này? Nguồn lực tài chính cho chính sách này sẽ được huy động ra sao để bảo đảm phát triển bền vững?
- Đúng vậy, hiện tỷ lệ chi tiền túi của người dân vẫn dao động khoảng 40%-50%, trong khi mức trung bình thế giới chỉ khoảng 12%. Mục tiêu của chúng tôi là giảm tỷ lệ này xuống mức trung bình thế giới vào năm 2035. Tuy nhiên, miễn viện phí không có nghĩa người dân khám chữa bệnh ở đâu cũng miễn phí. Người bệnh vẫn phải tuân thủ quy trình chuyển tuyến và phân luồng chuyên môn nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế và giảm tải cho tuyến trên. Vì vậy, củng cố năng lực y tế cơ sở là rất quan trọng để người dân tin tưởng, hạn chế vượt tuyến không cần thiết.
Và để thực hiện mục tiêu miễn viện phí toàn dân thì nguồn lực tài chính rất lớn là một thách thức. Bên cạnh đó, chương trình sàng lọc và phát hiện bệnh cũng cần kinh phí bổ sung. Chúng tôi đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế từ 4,5% lên tối đa 6% mức lương cơ sở để bảo đảm Quỹ Bảo hiểm y tế đủ nguồn lực. Ngoài ra, Nhà nước sẽ huy động ngân sách và vận động xã hội hóa. Cũng như cân nhắc trích thuế tiêu thụ đặc biệt từ các sản phẩm gây hại sức khỏe như thuốc lá, rượu bia, nước ngọt để vừa giúp phòng bệnh, vừa tạo nguồn lực tài chính cho chính sách miễn viện phí.
- Người dân vẫn có tâm lý muốn lên tuyến trung ương khám chữa bệnh dù bệnh nhẹ, theo bà chính sách miễn viện phí có giải quyết được vấn đề này không? Chính hệ thống y tế cơ sở cần thay đổi ra sao để chính sách phát huy hiệu quả?
- Trong hành trình tiến tới miễn viện phí, chất lượng tại các cơ sở y tế là điểm then chốt. Chúng tôi sẽ nâng cấp toàn diện y tế cơ sở từ chức năng, mô hình tổ chức, nhân lực đến trang thiết bị, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Cần đủ bác sĩ và nhân viên y tế có chuyên môn để khám, chữa bệnh ngoại trú, chỉ định xét nghiệm, theo dõi và quản lý bệnh mãn tính. Phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở cũng là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi có chính sách hỗ trợ đặc biệt nhằm thu hút và giữ chân bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã và các cơ sở y tế dự phòng, giúp người dân tin tưởng, giảm tình trạng vượt tuyến không cần thiết và giảm tải cho tuyến trên. Chỉ khi y tế cơ sở đủ mạnh, dịch vụ chất lượng, người dân mới tin tưởng và hạn chế tình trạng vượt tuyến không cần thiết.
Chính sách sẽ được triển khai từ nay đến 2030-2035 theo các bước cụ thể. Năm 2026 sẽ bắt đầu khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho toàn dân. Tiếp đó sẽ giảm dần tỷ lệ đồng chi trả, tăng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế, mở rộng gói dịch vụ y tế cơ bản và các chương trình sàng lọc sớm. Mục tiêu cuối cùng là mọi người dân, không phân biệt vùng miền hay mức thu nhập, đều được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu mà không phải lo gánh nặng tài chính.
Chúng tôi không hướng tới miễn phí tuyệt đối mà là giảm tối đa chi phí tiền túi, tăng bao phủ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng và sự công bằng của hệ thống y tế.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!.

NHỮNG THAY ĐỔI TỪ NGÀY 1/7/2025 KHI LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÓ HIỆU LỰC:
• Bổ sung nhiều nhóm được ngân sách đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế như: người từ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; người từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất; nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở; hộ gia đình nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình.
• Người dân được tự do đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế nào trong hệ thống bảo hiểm y tế trên toàn quốc, không phụ thuộc nơi cư trú hay làm việc. Mỗi quý, người tham gia có quyền thay đổi nơi đăng ký nếu cần. Ngoài ra, bệnh nhân nội trú được quyền điều trị tại cơ sở cấp cơ bản toàn quốc mà không cần giấy chuyển tuyến.
• Người tham gia được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong nhiều trường hợp, như: khám tại cơ sở đăng ký ban đầu trên toàn quốc; điều trị nội trú tại cơ sở bảo hiểm y tế cấp cơ bản; người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng khó khăn khám chữa bệnh chuyên sâu; đặc biệt, điều trị tật khúc xạ mắt được hỗ trợ đến 18 tuổi thay vì dưới 6 tuổi như trước.