Miễn viện phí thể hiện quyết tâm vì một Việt Nam khỏe mạnh, công bằng. (Ảnh Nhật Thịnh)
Miễn viện phí thể hiện quyết tâm vì một Việt Nam khỏe mạnh, công bằng. (Ảnh Nhật Thịnh)

Hiện thực hóa một chủ trương chạm đến trái tim hàng triệu dân

Chính sách miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là bước tiến lịch sử của Việt Nam, mở ra hy vọng về một tương lai nơi mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe mà không phải gánh chịu áp lực tài chính.

Tại buổi họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, ngày 15/3, Tổng Bí thư đặt vấn đề: Có thể phấn đấu đến năm 2030 miễn viện phí cho nhân dân được hay không? Và, Tổng Bí thư đề nghị nếu có thể, các cơ quan hãy bổ sung ngay mục tiêu này vào dự thảo báo cáo chính trị đại hội. Định hướng mang tính chiến lược này còn tiếp tục được Tổng Bí thư khẳng định trong những cuộc làm việc khác.

Hai định hướng mà Tổng Bí thư đưa ra bao gồm khám cho người dân một năm một lần và miễn viện phí cho toàn dân không chỉ là mục tiêu y tế mà còn gửi đi thông điệp sâu sắc rằng “Chính sách phải bắt nguồn từ con người, vì con người, vì một Việt Nam phát triển bền vững”. Khám sức khỏe định kỳ cho người dân không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta có quyết tâm chính trị đủ mạnh, sự đồng thuận xã hội rộng rãi và một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản”.

Thứ trưởng Bộ Y tế TRẦN VĂN THUẤN

Con đường đến công bằng y tế

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc thực hiện chủ trương miễn viện phí toàn dân sẽ có tác động tích cực như tăng tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn lực y tế; giảm gánh nặng tài chính cho người dân; tăng cơ hội thoát nghèo; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực... Sức khỏe tốt hơn đồng nghĩa với tăng năng suất lao động, góp phần tăng trưởng GDP quốc gia và giảm nguy cơ tụt hậu kinh tế; thúc đẩy công bằng xã hội...

Ở góc độ của một đơn vị y tế tuyến đầu, PGS,TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), xúc động nhớ lại hình ảnh những bệnh nhân nghèo phải vượt tuyến đi điều trị trong tình trạng nguy kịch, gia đình kiệt quệ tài chính. Có nhiều gia đình vừa thoát nghèo lại rơi vào tái nghèo sau một lần có người nhà phải nằm viện. Vậy nên, khi nghe Tổng Bí thư Tô Lâm quyết tâm miễn viện phí toàn dân, ông thấy đây là một cuộc cách mạng đối với ngành y tế. Chủ động điều phối hiệu quả nguồn lực và có được quyết tâm chính trị xuyên suốt, mục tiêu miễn viện phí hoàn toàn khả thi.

“Ba trụ cột để thực hiện thành công chủ trương lớn phải là: bảo hiểm y tế toàn dân toàn diện đa dạng; ngân sách nhà nước đầu tư mạnh cho y tế, đặc biệt vùng khó khăn; nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện. Chúng ta nên học hỏi mô hình bệnh viện phi lợi nhuận ở nhiều quốc gia phát triển”, PGS Cơ nhấn mạnh.

Để không ai bị bỏ lại phía sau, tuyến y tế cơ sở cần được tiếp sức nhiều nhất. Nhân lực y tế cơ sở cần đa năng, phù hợp nhu cầu thực tế và được tuyển dụng từ địa phương để phục vụ bền vững. Chính sách đãi ngộ và điều kiện làm việc cần cải thiện căn bản. Họ cần thuốc men, thiết bị y tế bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân và mức thu nhập đủ sống để gắn bó với nghề. Công nghệ số như hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp hỗ trợ tuyến dưới hiệu quả hơn, giảm tải bệnh viện trung ương. PGS Cơ phân tích: “Miễn viện phí không chỉ giảm chi phí bệnh nhân mà còn thay đổi tư duy chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặt con người ở trung tâm phát triển. Khi khám định kỳ, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ta chuyển từ chữa bệnh sang phòng bệnh, từ bị động sang chủ động”.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Tùng (Trường đại học Y Hà Nội) cho biết, bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh, đặc biệt là nhóm nghèo, khó khăn. “Chúng ta cần hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân để mọi người được hỗ trợ bình đẳng. Ngân sách có thể chi trả 100% chi phí bảo hiểm y tế cho nhóm nghèo, chính là giải pháp thiết thực nâng cao chăm sóc sức khỏe”, ông Tùng khẳng định.

Giải pháp tổng thể để nâng độ bao phủ

Để chính sách miễn viện phí sớm đi vào thực tế, GS,TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội chỉ rõ yêu cầu, việc hỗ trợ kinh phí thực hiện miễn viện phí cho toàn dân cần phải được phối hợp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với bảo hiểm y tế. Nói cách khác, miễn viện phí có thể thực hiện thông qua hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân. GS Trí nhấn mạnh, nếu mỗi người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế, họ sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về chi phí. Vì vậy, cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm yếu thế.

Vị giáo sư cũng đề xuất, cần xây dựng lộ trình cụ thể, chia theo nhóm đối tượng ưu tiên để thực hiện miễn viện phí dần dần đến năm 2030. Ưu tiên trước hết là người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ, trẻ em dưới 6 tuổi, người bệnh hiểm nghèo, mãn tính và người cao tuổi. Nhóm ưu tiên có thể bắt đầu miễn viện phí từ năm 2026, sau đó mở rộng cho các nhóm khác nhằm hướng đến mục tiêu miễn viện phí toàn dân vào năm 2030.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc triển khai cần lộ trình rõ ràng, sự đồng thuận của các bộ, ngành, cùng với sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn tài chính. Đặc biệt, sự gắn kết với bảo hiểm y tế giúp tăng dần tỷ lệ hưởng và phạm vi dịch vụ được chi trả, đồng thời hỗ trợ chi phí mua thẻ cho nhóm nghèo, thu nhập thấp, người cao tuổi nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần quy định rõ mức hỗ trợ tối đa, danh mục thuốc và dịch vụ miễn phí, cùng với cơ chế quản lý nhằm ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, trục lợi. Ngoài ra, nên duy trì hệ thống khám, chữa bệnh tự nguyện để người dân có lựa chọn chi trả dịch vụ nâng cao song song với miễn phí.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, khuyến nghị về tính cấp thiết của một chiến lược tổng thể, đồng bộ và bền vững. “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Đây là minh chứng cho tầm nhìn y tế dài hạn, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh và hạnh phúc hơn”, bà Pratt khẳng định.

Song, TS Angela Pratt lưu ý, khi ngân sách công cho y tế tăng, cần giới hạn phần chi trả trực tiếp của người dân ở mức đồng chi trả hợp lý. Đồng thời, nên có quy định rõ ràng với các khoản chi ngoài chuyên môn y tế như dịch vụ theo yêu cầu, suất ăn, tiện ích cá nhân... Một yếu tố mang tính chiến lược khác là cách tổ chức hệ thống y tế. WHO đề xuất đặt chăm sóc sức khỏe ban đầu làm trung tâm.

Theo ước tính của Bộ Tài chính và WHO, ngân sách công dành cho y tế hiện chỉ chiếm khoảng 2,9% GDP. Nếu nâng lên mức 4% trong 5 năm tới và đạt 5% trong vòng 10 năm, Việt Nam có thể đưa tỷ lệ chi tiền túi của người dân xuống dưới 20%, tiến gần tới mục tiêu miễn phí dịch vụ y tế cơ bản. Tuy nhiên, bà Pratt cảnh báo rằng việc tăng chi ngân sách y tế là chưa đủ nếu không đi kèm cải cách trong cách thức vận hành hệ thống. Trong đó bao gồm kiểm soát giá dịch vụ, tránh lạm dụng kỹ thuật cao không cần thiết, tăng cường giám sát và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở.

Về nguồn nhân lực, tính đến năm 2023, cả nước có khoảng 514.000 nhân viên y tế, trong đó gần 100.000 bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ đạt khoảng 11 người/10.000 dân, ngang với nhiều nước có trình độ phát triển tương đương. Tuy nhiên, sự phân bố nhân lực không đồng đều, áp lực công việc cao và thu nhập thấp đang khiến nhiều bác sĩ rời khu vực công hoặc ra nước ngoài làm việc. Việt Nam có đội ngũ nhân lực y tế rất đáng tự hào. Nhưng để họ gắn bó lâu dài với hệ thống công lập, cần có cơ chế đãi ngộ minh bạch, hợp lý và gắn với hiệu quả công việc. Một cơ chế trả công phù hợp sẽ thúc đẩy y đức và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Miễn viện phí toàn dân là bước ngoặt nhân văn, thể hiện quyết tâm vì một Việt Nam khỏe mạnh, công bằng. Nếu triển khai hiệu quả, đây sẽ là cú hích lịch sử giúp mọi người dân được chăm sóc y tế mà không lo gánh nặng chi phí.

• Giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế triển khai thí điểm, mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế cho người dân, tăng mức hưởng, cung cấp khám sức khỏe định kỳ hàng năm, đồng thời thành lập các quỹ chuyên biệt trong hệ thống Bảo hiểm y tế.

• Giai đoạn 2030-2035, sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế, tiến tới miễn chi phí khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

• Mục tiêu đến năm 2045, xây dựng hệ thống y tế hiện đại, công bằng, nơi mọi người dân đều được khám, chữa bệnh miễn phí mà không phải đồng chi trả.

Hiện có khoảng 72 quốc gia đã triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, bao phủ ít nhất 90% dân số. Hệ thống y tế công của Cuba được xây dựng sau Cách mạng 1959, hoàn toàn miễn phí. Nhà nước sở hữu toàn bộ cơ sở y tế, không có bệnh viện tư nhân, bảo đảm người dân được khám chữa, sử dụng thuốc men, điều trị nha khoa, nhãn khoa miễn phí. Cuba chú trọng y tế dự phòng với mạng lưới bác sĩ cộng đồng phủ khắp nước. Nhờ vậy, quốc gia nghèo này đạt các chỉ số y tế ngang tầm các nước phát triển.

Xem thêm