Những con số biết nói
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia trong tốp đầu thế giới về căn bệnh ung thư. Mỗi năm, cả nước có khoảng 200.000 ca bệnh, hơn 100.000 ca tử vong. Có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư, song hai nhóm yếu tố có tác động lớn là hành vi, lối sống và môi trường. Trong đó, thực phẩm qua “con đường” ăn uống gây ra bệnh tật nhiều nhất.
Tính riêng năm 2024, theo số liệu có trong báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), toàn quốc ghi nhận 135 vụ việc gây ngộ độc thực phẩm đối với 4.936 người, 24 trường hợp tử vong. Đáng chú ý trong năm 2024, xảy ra 31 vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn (số người bị tác động trực tiếp là trên 30 người), xảy ra chủ yếu tại bếp ăn tập thể và quán ăn đường phố. Riêng ba tháng đầu năm 2025, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra trên toàn quốc khiến hàng trăm người phải nhập viện. Đây là những số liệu thống kê đáng lưu tâm và là minh chứng rõ nét cho tình trạng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực thẩm.
Một phần nguyên nhân có thể xác định do người dân duy trì cơ cấu dinh dưỡng không hợp lý, sử dụng quá nhiều loại đồ ăn “bẩn”, như thịt xiên nướng tẩm ướp hóa chất, đồ ăn nhanh, thực phẩm ôi thiu… Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ dễ để lại những hậu quả khôn lường từ dư lượng tồn đọng trong đất và nước của các hóa chất này.
Hiểu để lựa chọn đúng
Với sự phát triển vượt bậc về nông nghiệp, công nghiệp và khoa học kỹ thuật, theo thời gian, sản lượng nguyên liệu, thực phẩm ngày càng tăng cao, thậm chí vượt trên cả nhu cầu sử dụng ngay trong một thời điểm của con người. Điều này đòi hỏi phải có thêm các phương pháp xử lý, chế biến, bảo quản để có thể kéo dài thời gian sử dụng mà không bị lãng phí. Và thế là đã có sự xuất hiện của các phụ gia thực phẩm từ tự nhiên, từ nguồn gốc tổng hợp hoặc bán tổng hợp hóa học.
Thực tế, để được phép sử dụng trong thực phẩm, các chất phụ gia phải được nghiên cứu sâu, rộng và chứng minh về tính an toàn. Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế (Codex Alimentarius Commission-CAC) đã có quy định Danh mục phụ gia thực phẩm, được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tại các quốc gia phát triển, cơ quan quản lý cũng kiểm soát chặt chẽ dựa trên các quy định của mình. Ở Việt Nam có “Quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm” kèm theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế. Song, vì lợi nhuận, vì mưu sinh, và cả vì thiếu hiểu biết, không ít cá nhân, tập thể đã bất chấp hậu quả, bất chấp quy định pháp luật có hành vi sử dụng, ngâm tẩm hóa chất vào các loại thực phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Trên thực tế, việc sử dụng hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép, thậm chí dùng cả các hóa chất bị “cấm sử dụng” trong sản xuất thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Do đó, việc nhận diện và có hiểu biết cơ bản về những thuộc tính độc hại của các loại hóa chất, dù chỉ sơ đẳng cũng phần nào hạn chế tác động tiêu cực của nó đến sức khỏe và cuộc sống thường ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ, chọn mua sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và trên cơ sở hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân.
Hãy luôn ghi nhớ, cần đọc kỹ thành phần trên bao bì của thực phẩm và hiểu cả những gì ẩn sau những ký hiệu hóa học, những tên gọi của các chất phụ gia!
Một số hóa chất cực độc đối với sức khỏe con người:
6-Benzylaminopurine (6-BAP): Chất kích thích tăng trưởng, phân chia tế bào giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh... này đã bị nhiều quốc gia cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Tại Việt Nam, 6-BAP vẫn được dùng bất hợp pháp để ngâm giá đỗ, rau mầm.
Cacbon monoxit (CO): Chất được sử dụng rộng rãi trong bảo quản thực phẩm và rau quả tươi này bị cấm tuyệt đối ở một số quốc gia, như Canada, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Clorin: Chất bảo quản cực độc, gây kích thích mạnh hệ hô hấp. Ở nồng độ cao hơn 60ppm, Clorin có thể phá hủy phổi. Với nồng độ trên 1.000ppm, người hít phải hoặc ăn vào có thể gây ra tử vong.
Formaldehyde (người Việt Nam quen gọi là foóc-môn): Một hợp chất thường dùng để ướp xác, cực độc. Chỉ với liều lượng nhỏ, chất này cũng có thể gây quái thai, kích thích mạnh trên các mô bề mặt như da, niêm mạc, và có thể làm biến đổi nhiễm sắc thể người.
BHT (butylated hydroxytoluene) và BHA (Butylated hydroxyanisole): Loại chất chống oxy hóa vô cùng độc hại nhưng vẫn được sử dụng khá rộng rãi, dù có thể gây nên chứng tăng động ở trẻ, nguy cơ dị ứng, và có thể làm phát triển khối u hoặc ung thư.
Sodium Nitrat và Sodium Nitrit: Hai chất thường được sử dụng trong bảo quản thực phẩm, nhưng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe vì gây co mạch, tăng huyết áp, tạo thành Nitrosamin-một loại hóa chất có khả năng gây ung thư.
Sodium Benzoat: Chất được sử dụng để bảo quản nước ép hoa quả đóng chai và đồ uống có ga. Khi Sodium Benzoat kết hợp với axit ascorbic trong thực phẩm có tính axit sẽ tạo nên Benzen, một loại hóa chất độc hại có thể gây dị ứng, cơn hen, tăng động ở trẻ em, phát ban, tiêu chảy…
NaNO3 và NaNO: Đây là nhóm tác nhân có thể gây ra ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng và là tác nhân gây ra quái thai đối với phụ nữ có thai.