Hai chiếc mũ bảo hiểm trông giống hệt nhau từ kiểu dáng, mầu sắc, logo thương hiệu đến cả tem hợp chuẩn, hợp quy. Bằng mắt thường, không ai có thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Chỉ khi tiến hành kiểm thử bằng lực rơi của quả tạ 7 kg từ độ cao 2 mét, sự thật mới lộ diện: Một chiếc mũ vỡ tan, hoàn toàn không có khả năng bảo vệ người dùng.
Đây chỉ là một trong hàng trăm trường hợp làm hàng giả mà Công ty Thời trang Nón Sơn đã phát hiện nhờ các biện pháp kỹ thuật chuyên sâu. Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành công ty cho biết, suốt 30 năm có mặt trên thị trường cũng là chừng ấy thời gian Nón Sơn phải đối mặt và kiên trì đấu tranh với vấn nạn hàng giả.
Hàng giả gây tổn hại doanh nghiệp chân chính
Phát triển thương hiệu đã khó, nhưng bảo vệ thương hiệu trước nạn hàng giả còn khó hơn, bởi không thể đo lường được thiệt hại về uy tín và niềm tin của người tiêu dùng. Một thủ đoạn phổ biến là các đối tượng mua sản phẩm thật đi kiểm nghiệm, sau đó sản xuất hàng giả kèm theo tem chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đã được cấp.
“Chúng tôi đã mất rất nhiều công sức phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện các vụ làm hàng giả. Nhiều đối tượng hoạt động tinh vi, giao hàng tại những địa điểm vắng, không cố định, gây khó khăn lớn cho quá trình điều tra. Hậu quả là người tiêu dùng đặt niềm tin vào thương hiệu nhưng lại mua phải hàng giả. Khi phát hiện chất lượng không bảo đảm, họ mất niềm tin vào doanh nghiệp, điều này về lâu dài có thể khiến doanh nghiệp lao đao, thậm chí phá sản”, ông Tý chia sẻ.
Trong quá trình đưa Phúc Sinh xuất khẩu cà-phê đến hơn 100 thị trường, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group (thương hiệu K-Coffee), từng đối mặt với tình huống khó xử. Khách hàng nước ngoài đùa rằng Việt Nam xuất khẩu cà-phê khắp thế giới nhưng trong nước lại thiếu cà-phê thật để uống. Ông thừa nhận, công ty gặp nhiều thách thức vì sản xuất cà-phê nguyên chất không được thị trường trong nước ủng hộ, do thói quen tiêu dùng đã quen với cà-phê pha trộn hương liệu. Trong khi đó, giá cà-phê rang xay tại nhà máy khoảng 235.000 đồng/kg nhưng trên thị trường vẫn phổ biến các sản phẩm chỉ 130.000-150.000 đồng/kg.
“Chúng tôi đang cạnh tranh trong một môi trường không công bằng nhưng vẫn kiên định với cà-phê nguyên chất. Tôi hy vọng cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ được đẩy mạnh để các doanh nghiệp làm thật có thể yên tâm hoạt động và phục vụ người tiêu dùng trong nước”, ông Thông bày tỏ.
Là đơn vị hiểu rõ mức độ tàn phá của hàng giả, ông Nguyễn Thuận Đạt, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang và mỹ phẩm Duy Anh (DAFC, thuộc Tập đoàn IPPG) cho biết, các thương hiệu xa xỉ đang bị làm giả nghiêm trọng và hàng giả được bày bán công khai. Trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, hàng nhái được chào bán với giá chỉ bằng 10 - 30% giá hàng thật, gây thất thu lớn cho doanh nghiệp chính hãng, ước tính ít nhất 15 - 20%.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn phải gánh chi phí lớn để bảo vệ thương hiệu như thuê luật sư, truyền thông cảnh báo, kiểm tra thị trường và đào tạo nhân viên nhận diện hàng giả. Bên cạnh đó, ngành xa xỉ phẩm còn phải đối mặt với tình trạng hàng xách tay, không chứng từ, không nộp thuế, đang được hợp thức hóa ngầm, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh và gây thất thu ngân sách. Nghiêm trọng hơn, hàng xách tay còn tiềm ẩn nguy cơ về chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
Hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp chân chính mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Theo báo cáo Notorious Markets 2024 của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách những quốc gia có thị trường hàng giả nổi cộm, làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài.
“Khi làm việc với các thương hiệu quốc tế như Rolex, Cartier, Franck Muller, Burberry, Nike..., họ phản ánh rõ tình trạng hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư dài hạn. Nghiêm trọng hơn, người tiêu dùng trong nước dần mất niềm tin vào hệ thống bán lẻ chính hãng, kéo theo hệ lụy lâu dài cho toàn ngành”, ông Đạt bức xúc cho biết.
Phối hợp cả hệ thống ngăn chặn hàng giả
Đánh giá về thực trạng này, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thừa nhận rằng, trong chừng mực nhất định, chống hàng gian, hàng giả là một cuộc chiến không cân sức. Lực lượng thực thi pháp luật còn mỏng, không thể kiểm soát toàn diện, trong khi các quy định pháp luật chưa đủ sức răn đe. Ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp vi phạm phải bồi thường thiệt hại lớn, còn tại Việt Nam, khi bị xử phạt, đối tượng vi phạm có thể bỏ hàng, lập doanh nghiệp mới và tiếp tục tái phạm.
Một nguyên nhân khác khiến hàng giả tràn lan là tâm lý ưa chuộng hàng rẻ. Người tiêu dùng muốn dùng hàng có thương hiệu, nhưng dễ bị hấp dẫn bởi hàng có mức giá thấp hơn.
Từ góc nhìn của cơ quan quản lý thị trường, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc kiểm tra tại các điểm kinh doanh thường diễn ra công khai, tạo điều kiện cho các đối tượng tẩu tán hàng hóa hoặc báo động lẫn nhau. Đặc biệt, xử lý vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng, sữa hay các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, hầu như bất kỳ sản phẩm nào cũng có nguy cơ bị làm giả. Doanh nghiệp vì thế cần thể hiện quyết tâm trong việc bảo vệ thương hiệu, từ đăng ký sở hữu trí tuệ đến áp dụng công nghệ chống giả hiện đại.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vina CHG chia sẻ rằng, doanh nghiệp của ông đã xây dựng hệ sinh thái bảo vệ thương hiệu với các giải pháp như tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc, phần mềm xác minh hàng thật và công cụ truy vết sản phẩm. Những giải pháp này hỗ trợ doanh nghiệp phát hiện và phối hợp điều tra các vụ làm giả một cách nhanh chóng.
Về phía cơ quan chuyên môn, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xử phạt vi phạm. Bà nhấn mạnh chủ trương hiện nay là tăng cường hậu kiểm, nhưng quy định cụ thể còn thiếu rõ ràng. Chẳng hạn, chưa có tiêu chí về tỷ lệ hồ sơ phải hậu kiểm sau công bố, hay kế hoạch hậu kiểm của nhà máy và hệ thống phân phối. Quy trình xử phạt hành chính đến chuyển hồ sơ sang hình sự cũng còn nhiều thủ tục rườm rà.
Các doanh nghiệp cho rằng, dù kinh doanh minh bạch, họ vẫn khó tự bảo vệ mình nếu thiếu sự đồng hành từ lực lượng chức năng và người tiêu dùng. Đây là những nhân tố thiết yếu để xây dựng một hệ sinh thái thị trường lành mạnh. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống giám sát thị trường, kết nối dữ liệu liên thông giữa các cơ quan để sớm phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm.