Cổ phiếu hút dòng tiền nước ngoài mạnh nhất trong thời gian qua là SSI của Công ty Chứng khoán SSI, với gần 2.650 tỷ đồng được “đổ” vào mã này. Ngay sau SSI, loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, SHB, HPG và VPB cũng thu hút mạnh dòng tiền nước ngoài. Trước đó, trong sáu tháng đầu năm, khối này đã bán ròng khoảng 41.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).
Hút tiền nhờ câu chuyện riêng
Lý giải nguyên nhân dòng vốn nước ngoài quay trở lại, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, đà mua ròng mạnh mẽ gần đây của khối ngoại có thể phản ánh sự xuất hiện của dòng vốn P-Notes (Participatory Notes). Đây là công cụ tài chính phái sinh được thiết kế dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua các tổ chức tài chính đang hoạt động tại các thị trường mới nổi.
Để phát hành P-Notes, các định chế này thường phải tích lũy một danh mục cổ phiếu quy mô lớn, có thanh khoản tốt, hiệu quả kinh doanh rõ nét và đủ sức đại diện cho xu hướng của thị trường. Đặc điểm của dòng tiền P-Notes là tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số. Theo đó, việc các cổ phiếu trong nhóm VN30 như SSI, HPG, FPT, SHB hay VPB được khối nước ngoài mua ròng với khối lượng lớn trong thời gian gần đây chính là tín hiệu điển hình cho sự hiện diện của P-Notes.
Ngoài ra, P-Notes thường ưu tiên những thị trường có "câu chuyện riêng", nơi có tiềm năng cải thiện thứ hạng hoặc thay đổi trong chính sách thu hút vốn. Trong khi đó, Việt Nam đang được FTSE Russell cân nhắc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, được xem là yếu tố đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng vốn chiến lược này quay trở lại với kỳ vọng lớn hơn.
Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định rằng, Việt Nam tiếp tục được duy trì trong danh sách theo dõi để xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp trong báo cáo phân loại các quốc gia của FTSE Russell, công bố vào tháng 3/2025. Điểm sáng lớn trong kỳ đánh giá vừa qua là việc FTSE Russell không còn nhắc đến ba yếu tố từng được xem là rào cản trong báo cáo trước.
Cụ thể, các vấn đề liên quan đến quy tắc hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã có bước chuyển đáng kể sau khi ban hành hướng dẫn triển khai giải pháp không thanh toán trước. Khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện rõ rệt khi nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu công bố báo cáo song ngữ theo lộ trình của Thông tư 68.
Trong khi đó, toàn bộ các tiêu chí đánh giá thị trường Việt Nam tại báo cáo năm 2025 của MSCI không thay đổi so với năm 2024. Tuy vậy, điều tích cực là trong hai năm gần đây, Việt Nam đã cải thiện được một tiêu chí quan trọng là khả năng chuyển nhượng, từ mức không đạt yêu cầu lên mức đạt, vào tháng 6/2024. Đối với hai tiêu chí còn lại là cơ chế không yêu cầu thanh toán trước và lộ trình minh bạch thông tin, MSCI cho rằng cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả thực thi.
Từ những yếu tố này, trong kịch bản cơ sở, BSC Research dự báo Việt Nam có thể được FTSE Russell chấp thuận nâng hạng ngay trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Với MSCI, thời điểm khả thi hơn được dự đoán rơi vào giai đoạn 2026-2027, phù hợp lộ trình cải cách đang được triển khai.
Thống kê từ các thị trường đã trải qua quá trình nâng hạng cho thấy, xu hướng dòng tiền nước ngoài thường diễn ra theo chu kỳ tương đối rõ ràng. Đối với thời điểm ra thông báo nâng hạng (T0), hoạt động mua ròng của khối nước ngoài thường khởi động từ 4 - 5 tháng trước đó và tăng tốc trong tháng công bố kết quả. Sau giai đoạn này, hoạt động chốt lời diễn ra trong vòng từ một đến hai tháng. Sau đó, khối nước ngoài tiếp tục mua vào nhưng quy mô giải ngân thường thấp hơn.
Một lộ trình cụ thể với chín nhóm giải pháp đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) công bố nhằm đáp ứng yêu cầu nâng hạng, tạo thêm kỳ vọng thực chất cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Niềm tin cần đi kèm với sự tỉnh táo
Tương tự, Công ty Chứng khoán VPBankS đánh giá Việt Nam có khoảng 70% khả năng được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025. Nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn mới từ 3 - 7 tỷ USD đến từ cả các quỹ đầu tư chủ động lẫn thụ động. Diễn biến mua ròng hơn 6.000 tỷ đồng từ đầu tháng 7 đến nay là minh chứng rõ nét cho sự chuẩn bị sớm của nhà đầu tư nước ngoài.
“Họ đang hành động đúng theo mô hình từng xuất hiện ở nhiều thị trường mới nổi khác: giải ngân nhanh, mạnh trước khi thông tin chính thức được công bố. Khi dòng vốn hàng tỷ USD cùng lúc được đổ vào, đó sẽ là cú huých thật sự tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường Việt Nam trong giai đoạn tới”, VPBankS nhận định.
Tuy nhiên, vẫn có 30% khả năng việc nâng hạng sẽ bị dời sang tháng 3/2026 do cần thêm thời gian để giải quyết các vấn đề kỹ thuật như chênh lệch thời gian thanh toán và phân phối chứng khoán trên hệ thống KRX, cũng như độ tin cậy của hệ thống xử lý lỗi giao dịch.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Khối Phân tích và nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco nhận định, VN-Index đang cho thấy sức bật mạnh mẽ khi liên tiếp có ba phiên tăng điểm với biên độ rộng, vượt mốc 1.430 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức cao phản ánh dòng tiền đang chảy mạnh và dứt khoát vào thị trường chứng khoán, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã chuyển từ thận trọng sang tích cực.
Sự trở lại đầy quyết liệt của khối nước ngoài với các phiên mua ròng mạnh gần đây càng tiếp thêm niềm tin cho thị trường. Tín hiệu này không chỉ mang ý nghĩa ngắn hạn mà còn cho thấy triển vọng trung và dài hạn của chứng khoán Việt Nam đang dần sáng rõ. Dòng tiền hiện nay có xu hướng tập trung vào các nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán và thép. Khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lấy lại đà tăng và dòng tiền lan tỏa rộng khắp, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, mặt bằng giá cổ phiếu đã có sự cải thiện đáng kể sau chuỗi tăng điểm kéo dài, nhiều mã đã chạm ngưỡng lợi nhuận kỳ vọng trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, các chỉ báo kỹ thuật như RSI đã tiến vào vùng quá mua, cho thấy rủi ro điều chỉnh bắt đầu gia tăng. Những nhịp rung lắc hoặc chốt lời tại vùng giá cao là điều có thể xảy ra trong các phiên sắp tới, đặc biệt khi thị trường đang ở vùng tâm lý hưng phấn.
Chia sẻ cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, dòng vốn P-Notes có khả năng tiếp tục giải ngân vào cổ phiếu Việt Nam từ nay đến thời điểm tháng 9, khi FTSE Russell công bố kết quả xem xét nâng hạng. Tuy nhiên, đặc trưng của dòng tiền này là giải ngân nhanh và rút lui chóng vánh. Lịch sử cho thấy, dòng tiền này đã từng hiện diện rất rõ nét vào đầu tháng 12/2022 khi chi nhiều nghìn tỷ đồng mua vào các mã thuộc nhóm VN30 nhưng sau đó cũng đã để lại khoảng trống đáng kể về thanh khoản.
Tựu trung, việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại là một tín hiệu tích cực, nhưng để giữ chân được dòng vốn dài hạn, thị trường cần tiếp tục chứng minh tính minh bạch, ổn định chính sách và cam kết cải cách mạnh mẽ. Những cải tiến gần đây về công bố thông tin, nâng cấp hạ tầng giao dịch và lộ trình nâng hạng là bước đi đúng hướng, song cần được hiện thực hóa bằng kết quả cụ thể, thay vì chỉ dừng lại ở cam kết.
Niềm tin của nhà đầu tư không chỉ được xây dựng qua vài phiên tăng điểm, mà cần được bồi đắp qua từng bước cải cách có chiều sâu. Khi thị trường chứng khoán trở thành nơi phản ánh trung thực sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế, luật chơi rõ ràng và công bằng cho tất cả, đó mới là lúc Việt Nam không chỉ đón nhận dòng tiền đầu cơ ngắn hạn, mà còn thu hút được những nhà đầu tư dài hạn, bền vững và có tầm nhìn chiến lược.