Khách hàng giao dịch tại Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Ảnh: ĐĂNG ANH
Khách hàng giao dịch tại Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Ảnh: ĐĂNG ANH

Lực đẩy mới cho thị trường chứng khoán

Sau 25 năm đi vào vận hành, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi về chất và phát triển lên tầm cao mới, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ đầu tư mới khi VN-Index bứt phá trên ngưỡng 1.500 điểm. Có nhiều yếu tố hỗ trợ nối dài triển vọng lạc quan từ yếu tố vĩ mô và kỳ vọng nâng hạng thị trường.

Vốn hóa thị trường đạt hơn 60% GDP

Tại cuộc tọa đàm Lực đẩy dòng vốn mới do Báo Tài chính-Đầu tư tổ chức ngày 23/7/2025, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng sau 25 năm hình thành. Từ hai mã cổ phiếu niêm yết ban đầu và rất ít nhà đầu tư tham gia, đến nay, thị trường đã có hàng trăm mã niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán và 10 triệu tài khoản nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quy mô vốn hóa thị trường đạt 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 60% GDP, có thời điểm đạt quy mô 70% GDP. Về vấn đề kỹ thuật, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, gần đây nhất đã đưa vào vận hành hệ thống KRX để giải quyết vấn đề quá tải của hệ thống cũ, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong thời gian tới.

Các hệ thống thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán được xây dựng và vận hành trơn tru cùng với chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng được nâng cao. Do đó có thể nói, thị trường chứng khoán dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, là hàn thử biểu phản ánh “sức khỏe”, triển vọng của nền kinh tế cũng như năng lực của các doanh nghiệp.

Trên nền tảng đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để bàn các giải pháp tạo bước nhảy vọt về chất để thị trường phát triển lên tầm cao mới. Với định hướng tầm nhìn của Đảng về chiến lược phát triển đất nước đến năm 2023 và 2045, yêu cầu đặt ra đối với thị trường chứng khoán là phải có sự phát triển vượt bậc thu hút các dòng vốn trung và dài hạn đáp ứng nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế đất nước. Trong đó có nhu cầu vốn cho xây dựng hạ tầng với những dự án quy mô rất lớn phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để đáp ứng được những yêu cầu mới đang đặt ra và tạo động lực để dòng vốn đầu tư vào thị trường với quy mô lớn, cần nhận diện những vấn đề cốt lõi của thị trường chứng khoán hiện nay và đề xuất giải pháp thực hiện. Bao gồm nội dung tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; giải pháp để có nhiều hàng hóa trên thị trường; cơ cấu thị trường với các giải pháp cân bằng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức-cá nhân và vấn đề hạ tầng kỹ thuật…

Chất xúc tác từ nâng hạng thị trường

Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi vào tháng 9/2025 là điểm nhấn quan trọng trong tiến trình phát triển thị trường vốn. Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã duy trì kênh trao đổi thường xuyên với các quỹ và nhà đầu tư quốc tế, lắng nghe các ý kiến đánh giá, góp ý nhằm cải thiện chất lượng thị trường.

Về phía các nhà đầu tư quốc tế cũng đánh giá cao khung pháp lý, tiềm năng tăng trưởng, tính thanh khoản của thị trường Việt Nam. Đến nay, các tiêu chí “cứng” theo yêu cầu để nâng hạng thị trường đã cơ bản được đáp ứng; còn các tiêu chí “mềm” chủ yếu phụ thuộc vào cảm nhận và trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Thông tin tích cực là trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính mới đây, đại diện FTSE Russell (thuộc Sở Giao dịch chứng khoán London) đã ghi nhận quyết tâm và những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế và thị trường vốn.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, nếu được nâng hạng trong tháng 9/2025 là kết quả đáng khích lệ nhưng đó không phải đích đến, mà là bước đệm cho mục tiêu dài hạn của Việt Nam là xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và hấp dẫn dòng vốn dài hạn. Trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán, những cải cách đã và đang triển khai trên thị trường đều mang lại lợi ích rõ rệt cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường.

Theo các chuyên gia, việc thị trường chứng khoán Việt Nam được xem xét nâng hạng trong tháng 9/2025 là dấu mốc quan trọng, chất xúc tác để thu hút các dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc khối thị trường vốn Dragon Capital nhận định, kết quả tăng trưởng GDP 7,25% trong nửa đầu năm 2025 cùng với triển vọng tăng trưởng trong dài hạn, nhất là khi hoàn thành dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể đưa nền kinh tế Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về hạ tầng, mở ra khả năng kích hoạt dòng vốn dài hạn cho thị trường chứng khoán. Để hiện thực hóa tiềm năng, cần đa dạng hóa dòng tiền, cơ cấu lại thành phần nhà đầu tư, tăng chất lượng hàng hóa để tạo hấp dẫn cho các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.

Theo ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài đang chờ đợi sẵn sàng để tham gia thị trường Việt Nam, dư địa của dòng vốn nội địa và bên ngoài còn rất lớn. Đối với vốn ngoại, khi nâng hạng thị trường chứng khoán thành công lên thị trường mới nổi, dự báo sẽ có dòng vốn thụ động qua các quỹ ETF, quỹ đầu tư toàn cầu… chủ động lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư. Để tiếp cận được các quỹ này, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đồng bộ về công bố thông tin bằng tiếng Anh, thực hành ESG… Đối với vốn nội, dư địa đến từ nhà đầu tư đáo hạn tiền gửi tiết kiệm khi chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn.

Xem thêm