Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 5/2025, lãi suất tiền gửi bằng VND tại các ngân hàng thương mại dao động từ 0,1% đến 7,1%/năm, tùy theo kỳ hạn. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay còn dư nợ hoặc giải ngân mới dao động từ 6,6%-8,9%/năm. Đối với lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân khoảng 3,9%/năm, thấp hơn trần 4% do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.
Sự đánh đổi của cơ quan điều hành
Trước đó, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm định hướng thị trường và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 10/6, lãi suất bình quân đối với các khoản vay mới tại các ngân hàng thương mại ở mức 6,3%/năm, giảm 0,6 điểm % so cuối năm 2024.
Cùng với đó, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, như gói vay 100.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với mức lãi suất giảm ít nhất 1 - 2%, hay chính sách cho vay nhà ở xã hội vừa được điều chỉnh giảm thêm 0,2 điểm %, xuống còn 5,9%/năm.
Những biện pháp này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với chi phí thấp, từ đó hỗ trợ quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 9,9% so cuối năm 2024 và tăng 19,3% so cùng kỳ năm 2024, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, để duy trì sức mạnh của một đồng tiền, yếu tố quan trọng đầu tiên là sức hấp dẫn về mặt lãi suất, nhưng trong bối cảnh cần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã quyết định duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Đây là sự lựa chọn có tính đánh đổi, trong đó có áp lực lên tỷ giá.
Một số chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, mức lãi suất hiện nay là hợp lý, được thiết kế phù hợp quan hệ cung cầu vốn và mục tiêu ổn định thị trường. Điều này không chỉ góp phần giảm chi phí vốn cho người dân và doanh nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kích thích nhu cầu vay mới, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng, NHNN đã có sự đánh đổi nhất định khi chấp nhận để đồng Việt Nam mất giá trong phạm vi kiểm soát. Điều này xuất phát từ áp lực gia tăng nhu cầu nhập khẩu, kéo theo nhu cầu ngoại tệ tăng cao, khiến chênh lệch giữa tiền đồng và USD nới rộng. Trước tình hình đó, NHNN buộc phải triển khai nhiều biện pháp để giữ ổn định tỷ giá, nhằm bảo đảm các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Cũng theo ông Thành, về định hướng chính sách lãi suất trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN cho biết, sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời bảo đảm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Dù một số tổ chức kỳ vọng NHNN có thể hạ thêm lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ điều chỉnh giảm lãi suất vào tháng 9 tới, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá, song khả năng điều chỉnh lãi suất là không cao.
Doanh nghiệp miệt mài “chạy” theo vốn
Theo số liệu của NHNN, tín dụng cho nền kinh tế đã đạt mức 16,5 tỷ đồng, tăng gần 19% so cùng kỳ, thể hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã được cải thiện. Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, hơn 54% số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.
Chia sẻ thực tế từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho biết, bài toán vốn luôn là rào cản đáng kể cho các quyết định đầu tư vào hệ thống công nghệ chế biến và bảo quản hiện đại nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lại không dám vay ngân hàng bởi mức lãi suất hiện nay đang duy trì từ 8 - 10%/năm.
Đồng tình, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện đang rất cần vốn trung và dài hạn để mở rộng sản xuất, nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, gây nhiều trở ngại.
Trước đó, trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh phối hợp NHNN chi nhánh khu vực II tổ chức, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh thực trạng tương tự. Dù đã có nhiều gói tín dụng ưu đãi được công bố, nhưng khả năng tiếp cận vốn vay vẫn còn hạn chế, đặc biệt đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là đối tượng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng lại thiếu tài sản bảo đảm và gặp khó trong thủ tục vay vốn.
Tương tự, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty dữ liệu kinh tế tài chính WiGroup nhận định rằng, trong nửa đầu năm nay, cả tăng trưởng kinh tế và tín dụng đều ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, những con số tích cực này lại đi kèm với không ít băn khoăn về việc doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay.
Ông Báu phân tích, trong bốn quý gần đây, đặc biệt là quý gần nhất, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp và khu vực công, thông qua chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên từ ngân sách. Ngược lại, khu vực hộ gia đình và khu vực tư nhân chưa thật sự phục hồi.
Cũng theo ông Báu, từ đầu năm 2024 đến nay, dòng tín dụng đổ vào khu vực sản xuất gần như không tăng trưởng. Tín dụng dành cho các lĩnh vực như thương mại, vận tải và viễn thông cũng chỉ dao động quanh mức 18 - 19%, cho thấy sự chững lại đáng kể trong việc tiếp cận vốn của khu vực kinh tế thực. Trong bối cảnh tiêu dùng gặp khó khăn, tín dụng tiêu dùng cũng khó có thể tăng mạnh. Do đó, phần tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ bất động sản. Trong khi điều này có thể gây ra rủi ro về giá bất động sản và hệ thống ngân hàng.
Từ những vấn đề này có thể thấy rằng, để khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, nguồn vốn không chỉ cần dồi dào mà còn phải được phân bổ đúng hướng. Dòng vốn cần tập trung vào các hoạt động sản xuất, đổi mới công nghệ, tạo việc làm và thúc đẩy an sinh xã hội. Tín dụng có thể không thiếu, nhưng việc tiếp cận vẫn còn khó khăn nếu khoảng cách giữa quy định và thực tế chưa được thu hẹp.