Các chuyên gia đưa ra những góc nhìn thẳng thắn về chuyển đổi bền vững tại Việt Nam. Ảnh: THẢO NGÔ
Các chuyên gia đưa ra những góc nhìn thẳng thắn về chuyển đổi bền vững tại Việt Nam. Ảnh: THẢO NGÔ

Tìm lộ trình chuyển đổi bền vững

Hiện nay, các khái niệm phát triển bền vững và ESG đã trở thành nội dung tất yếu trong bàn tròn quản trị và là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn xanh. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam vẫn bối rối trước việc thiết kế, thực hành lộ trình chuyển đổi bền vững sao cho hiệu quả.

Liệu cơm gắp mắm

ESG, viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội), Governance (Quản trị) và thường được hiểu là chiến lược để doanh nghiệp đạt được những chỉ số “xanh”, thiên về môi trường. Thực chất, ESG là bộ khung tiêu chí để doanh nghiệp đo lường tác động tới ba trụ cột chính là môi trường, xã hội và quản trị khi thực thi chiến lược kinh doanh. Thông qua đo lường ESG minh bạch, doanh nghiệp dần đạt được lợi ích kinh tế bền vững.

Tại tọa đàm “Chuyển đổi bền vững: Làm thật hay làm theo” do Anbooks và Vietsuccess phối hợp tổ chức, ông Phạm Việt Anh, TS Quản lý bền vững và môi trường, tác giả sách “ESG - Quan trọng nhưng không đặc biệt hơn” cho rằng, rào cản phát triển bền vững với doanh nghiệp nhỏ là thiếu kiến thức và nguồn lực. Chuyển đổi bền vững yêu cầu nhiều tiêu chí khắt khe, thường đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư nguồn lực lớn và nắm rõ các quy định cụ thể. Trong khi đó, hơn 93% số doanh nghiệp tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ vẫn đang đối mặt với bài toán “tồn tại” trong thị trường.

Để đi theo con đường phát triển bền vững, doanh nghiệp nhỏ không nên quá cầu toàn mà hãy bắt đầu bằng việc nhỏ, trong tầm tay, dễ thực hiện. Doanh nghiệp có thể chọn một hoặc vài tiêu chí trong 17 tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc để định hướng thực hiện. Bắt đầu bằng “làm theo”, từng bước học hỏi cách làm đúng, rồi đến tự mình “làm thật” khi đã hiểu rõ năng lực của doanh nghiệp cũng như biết tận dụng nguồn lực nội sinh.

TS Việt Anh lý giải: “Thật ra, ESG không chỉ là báo cáo. Doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể làm ESG mà không cần báo cáo chính thức. Kinh tế là kiếm tiền, quản trị luôn cần thiết dù lớn hay nhỏ, còn môi trường là ý thức. Do vậy, đừng quá ám ảnh với các chỉ số phức tạp mà hãy linh hoạt cân bằng mọi thứ trong khả năng thực tế”.

Ông Tôn Thất Hạc Minh, nhà sáng lập và chuyên gia EarthWise Việt Nam cho rằng, “làm theo” không sai, đặc biệt khi doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan để bảo đảm nguồn lực kinh tế. Nhưng “làm theo” sao cho hiệu quả? “Làm theo” có ý thức, chọn lọc những gì phù hợp với tổ chức sẽ giúp doanh nghiệp học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu từ người đi trước và tận dụng trí tuệ đã được kiểm chứng. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp chỉ “làm theo” cho kịp xu hướng, chưa hiểu rõ bản chất đã lao vào thì vừa lãng phí nguồn lực, vừa không mang lại giá trị bền vững.

ESG nhấn mạnh vào kết quả thực tế chứ không phải greenwashing (tẩy/nhuộm xanh), tức phủ xanh bên ngoài nhưng bên trong không thật sự bền vững. Điều này dễ dẫn đến mất niềm tin nơi người tiêu dùng và đặc biệt là nhà đầu tư, những người bỏ tiền vào doanh nghiệp. Bẫy tẩy xanh có khắp nơi, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không nên sợ hãi trước những chiếc bẫy vô hình này. Theo ông Minh, bí quyết nằm ở truyền thông có trách nhiệm: Làm tới đâu, nói tới đó. Cũng cần phân biệt rõ các khái niệm: xanh, hữu cơ, sinh thái và bền vững để chọn đúng hướng chuyển đổi doanh nghiệp dựa vào điều kiện thực tế.

Bắt đầu như thế nào?

Nhiều năm làm công tác cố vấn về phát triển bền vững, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn nhận ra, càng chi tiết trong ESG sẽ càng tốn kém vì quy trình này đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có thể đầu tư cho báo cáo chi tiết, nhưng với doanh nghiệp nhỏ, làm quá tỉ mỉ khi chưa đủ lực sẽ không hiệu quả. “Đơn giản hóa là chìa khóa. Doanh nghiệp nhỏ hãy làm những gì phù hợp năng lực như tuân thủ pháp luật, áp dụng các bộ tiêu chuẩn ISO một cách hợp lý hoặc cải thiện từng bước. Đó là cách tiếp cận thực tế để doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tham gia vào hành trình bền vững mà không bị quá tải. Nhưng, đơn giản hóa không có nghĩa là làm giả, mọi thứ phải minh bạch”, ông Sơn phân tích thêm.

Nhận định ESG là xu hướng tiến bộ không thể đảo ngược, thế nhưng các chuyên gia khuyên doanh nghiệp nhỏ và vừa nên bắt đầu chuyển đổi bền vững từ những hành động nhỏ như tiết kiệm năng lượng, cải thiện phúc lợi nhân viên, sử dụng vật liệu tái chế thay vì đầu tư quá nhiều nguồn lực cho những báo cáo phức tạp hay chạy theo các giải thưởng. Theo đó, công cụ đo lường và cải thiện các ưu tiên chiến lược này cần được doanh nghiệp tích hợp vào hoạt động kinh doanh chứ không tách rời.

TS Việt Anh cho rằng, lộ trình ESG cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bắt đầu từ tầm nhìn bền vững, chuyển sang sản phẩm đáp ứng yêu cầu bền vững rồi mở rộng thành dự án sử dụng vật liệu hoặc công nghệ xanh, cuối cùng là tích hợp bền vững toàn diện vào quy trình. Lộ trình phải linh hoạt với 60% là kế hoạch rõ ràng, 40% cho phần xử lý tình huống vì thế giới thay đổi liên tục. Doanh nghiệp không nên dùng tiền tự có để triển khai ESG mà nên huy động vốn xanh bằng hình thức vay ngân hàng, thêm vốn cổ phần cho tài sản cố định như đầu tư vào dự án chuyển đổi công nghệ, tiết kiệm năng lượng... Báo cáo phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nguồn vốn giá rẻ lẫn nhà đầu tư.

Cũng theo chuyên gia này, việc chuyển đổi xanh tại Việt Nam không thể tách rời công nghệ, nếu không mọi thứ chỉ dừng ở lý thuyết. Công nghệ xanh đóng vai trò then chốt trong chuyển dịch nền kinh tế bền vững và không phát thải. Nó bao gồm các phương pháp, sản phẩm và dịch vụ đổi mới giúp giảm tác động đến môi trường và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Trong khi các quốc gia phát triển sẽ đẩy nhanh quá trình thiết lập thể chế và bảo đảm tính pháp lý lâu dài khiến các “thị trường gia công” khó khăn hơn trong việc xuất khẩu nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn “xanh”, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực là điều cần thiết để đạt mức phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, phải duy trì sự cân bằng giữa phát triển vốn con người và tích lũy vốn vật chất, phân bổ và phân phối tài lực hiệu quả, cũng như nâng cấp các ngành công nghiệp theo hướng xanh, sạch và công nghệ cao.

Xem thêm