Báo cáo phân tích thị trường của Research and Markets, quy mô thị trường vải thiều toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo giá trị sẽ tăng vọt từ 6,73 tỷ USD năm 2023 lên 8,79 tỷ USD vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm. Việt Nam hiện là nhà sản xuất vải thiều lớn thứ 2 thế giới, chủ yếu phân phối ở thị trường Trung Quốc (hơn 90%), chỉ có khoảng 10% là xuất khẩu sang khoảng gần 20 quốc gia khác.
Vẫn khó tại thị trường giá trị cao
Tại thị trường Pháp, người tiêu dùng rất chào đón sự có mặt của vải thiều Việt Nam. Với chất lượng khác biệt, những lô vải thiều từ Thanh Hà (tỉnh Hải Dương cũ, nay là Hải Phòng) đã chinh phục những khách hàng khó tính nhất dù mức giá lên tới 600.000 - 700.000 đồng/kg.
Theo bà Gyldan Percy, một khách hàng tại Paris, người tiêu dùng pháp đã rất quen thuộc với vải thiều của Madagascar. Sau khi nếm thử vải thiều Việt Nam, họ không thể không dành những lời “có cánh” cho hương vị vừa ngọt vừa thơm của loại trái cây này.
Ông Weiss, một khách hàng đến từ Bỉ cũng bày tỏ ấn tượng mạnh với vải thiều Việt Nam. Ngay từ khi nhìn thấy hình ảnh trái vải, ông đã bị thu hút. Đến khi nếm thử, ông thật sự bị chinh phục bởi hương vị đặc biệt của loại trái cây này. Ông cho biết, đây là lần đầu ông được thưởng thức một loại quả ngon đến vậy. Chính cảm nhận đó đã thôi thúc ông quyết định nhập khẩu vải thiều về phân phối tại Bỉ.
Dù để lại ấn tượng tốt nhưng thực tế sản lượng vải thiều Việt Nam được nhập vào EU còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng vài trăm tấn. Thậm chí, vải thiều chủ yếu tiếp cận người tiêu dùng ở các khu chợ Việt, chưa có mặt tại các kênh phân phối lớn, hiện đại của EU. Chúng ta chỉ đóng vai trò khiêm tốn nếu so với 20.000 tấn vải thiều của Madagascar tại thị trường này.
Lý giải nguyên nhân sản lượng loại trái cây này vẫn còn “lép vế” tại thị trường EU, ông Mai Xuân Thìn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cho biết, với kinh nghiệm là một trong những đơn vị thành công đưa vải Việt Nam đến các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, ông nhận thấy rằng, rào cản lớn nhất là khâu vận chuyển. Việc xuất khẩu quả vải tươi đòi hỏi việc bảo quản rất nghiêm ngặt, chi phí cao.
“Châu Âu là thị trường xa với việc di chuyển theo đường biển rất dài ngày. Trong khi đi vận chuyển bằng đường hàng không thì cước phí rất cao. Đây là rào cản rất lớn đối với chúng tôi để mang quả vải đặc sản vào thị trường này”, ông Thìn nói.
Cũng có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu vải thiều, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Ameii Việt Nam cho biết, đối với thị trường châu Âu, hiện quả vải Việt Nam vẫn đang tiếp cận manh mún, thông qua từng doanh nghiệp đơn lẻ.
“Phần lớn vẫn là các doanh nghiệp tự tìm đến khách hàng và chủ động chào hàng. Tuy nhiên, về mặt chung thì chúng tôi nghĩ cần có chiến lược tổng thể để quảng bá quả vải tại thị trường châu Âu theo đúng một ngôn ngữ, một phong cách để làm nổi bật thương hiệu Việt Nam”, ông Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ.
Tăng cường chế biến sâu
Thách thức đặt ra không chỉ nằm ở sản lượng, mà còn ở áp lực tiêu thụ trong thời gian ngắn do đặc thù mùa vụ. Vải thiều Việt Nam chủ yếu thu hoạch trong hai giai đoạn ngắn: Vải chín sớm từ 20/5 đến 15/6, và chính vụ từ 10/6 đến 20/7. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu ngày càng siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước thực tế này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp tăng cường phối hợp để thúc đẩy chế biến sâu, nhằm kéo dài vòng đời sản phẩm, nâng cao giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, vải thiều được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía bắc như: Bắc Giang (nay thuộc Bắc Ninh) với 29.700 ha, Hải Dương 8.800 ha, Hưng Yên hơn 1.300 ha, Lạng Sơn 1.400 ha, Quảng Ninh hơn 1.300 ha và Sơn La
315 ha. Dù diện tích canh tác lớn, nhưng nếu chỉ dựa vào tiêu thụ tươi, thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ khó hấp thụ hết sản lượng trong thời gian ngắn.
Điều này được thể hiện rất rõ thông qua số liệu, cả nước đã có 469 mã số vùng trồng với tổng diện tích 19.377 ha và 55 mã số cơ sở đóng gói đi các thị trường Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ được cấp cho các tỉnh: Hải Dương (nay là TP Hải Phòng), Bắc Giang (nay là Bắc Ninh), Hưng Yên, Đắk Lắk, Quảng Ninh. Điều này đồng nghĩa với việc, vải thiều Việt Nam hoàn toàn có thể xúc tiến để mở rộng thêm thị trường mới.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp tập trung xây dựng chuỗi cung ứng bền vững nhằm nâng cao chất lượng vải thiều, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, Bộ đang phối hợp với các tỉnh, thành phố để kết nối doanh nghiệp với hệ thống kho lạnh hiện đại, phục vụ bảo quản vải trong thời điểm thu hoạch cao điểm.
Các điểm sơ chế lưu động cũng được khuyến khích đầu tư và triển khai ngay tại vùng trồng, giúp giảm hao hụt sau thu hoạch. Bên cạnh đó, lực lượng hải quan đã được chỉ đạo tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thông quan nhanh chóng tại các cửa khẩu, đặc biệt là những cửa khẩu trọng điểm giao thương với Trung Quốc.
Nhìn chung, vải thiều đã vượt xa vai trò của một đặc sản bản địa để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Madagascar và Việt Nam. Trong bức tranh cạnh tranh toàn cầu đó, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để chiếm lĩnh vị thế cao hơn tại các thị trường giá trị, nhờ sản lượng ngày càng tăng, vùng trồng mở rộng và chất lượng ngày một cải thiện.
Xu hướng tiêu dùng linh hoạt trong sử dụng các sản phẩm chế biến cũng là một “chất xúc tác” làm tăng sức hấp dẫn của loại trái cây này trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để thật sự nâng tầm vị thế, điều cốt lõi vẫn nằm ở khả năng chinh phục thị trường và sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng kênh phân phối cho vải thiều.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), vải thiều Việt hiện có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của các thị trường cao cấp nhất. Trong đó, thị trường xuất khẩu vải thiều chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU.