Giả mạo danh tính để trục lợi
Đầu tháng 7/2025, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện thành phố Thủ Đức liên tục phát đi cảnh báo để người dân biết trang Facebook có tên “BS. Hoàng Thị Nhung” đã tạo lập hồ sơ cá nhân giả mạo, lấy danh nghĩa là nhân viên đang công tác tại bệnh viện, sử dụng hình ảnh của bác sĩ thực tập để tạo lòng tin với người xem.
Thời gian dài đăng tải nhiều thông tin cảnh báo về trẻ nhỏ có nguy cơ tử vong vì sự bất cẩn của người lớn kèm theo những câu chuyện bi thương khi người này từng chứng kiến trong bệnh viện. Sau đó, kết thúc câu chuyện bằng cách khuyên mọi người mua sách “Sơ cứu 360” để tự cứu lấy trẻ khi bác sĩ chưa kịp tới nhà.
Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan công an và lực lượng chức năng để can thiệp xử lý, nhằm bảo vệ uy tín của đơn vị; đồng thời, khuyến cáo người dân không mắc bẫy lừa đảo mua sách của kẻ xấu.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức tiếp tục cảnh báo về hành vi lập tài khoản mạo danh bệnh viện để kêu gọi quyên góp tiền từ người nhà bệnh nhân.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội bệnh viện khẳng định: “Từ trước tới nay, chính sách và quy định của bệnh viện là không bao giờ sử dụng hình ảnh trực tiếp của bệnh nhân để quyên góp. Trong khi các tài khoản giả mạo bệnh viện luôn tìm kiếm, đưa hình ảnh người bệnh lên để kêu gọi nhận tiền quyên góp”.
Một dạng lừa đảo khác đã từng xảy ra là hành vi giả mạo danh nghĩa Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh để lừa đảo tuyển dụng với yêu cầu ứng viên nộp phí để hoàn tất thủ tục. Hay sự việc nhiều phụ huynh nhận được cuộc gọi lừa đảo thông báo có con em cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy và không ít trường hợp đã bị lừa tiền...
Cần thực thi đồng bộ giải pháp xử lý
Các bệnh viện chủ yếu chỉ có thể tự phát hiện và trình báo sự việc bị giả danh, còn việc xử lý phụ thuộc vào cơ quan chức năng. Điều này khiến cuộc chiến với nạn giả mạo trên mạng trở nên bị động khi thiếu sức mạnh tổng hợp.
Trong khi kẻ xấu chỉ cần vài phút để lập tài khoản giả phát tán thông tin sai lệch nhưng bệnh viện phải mất hằng tháng để chứng minh, đính chính. Do đó, nhiều bệnh viện cho rằng: Cần một cơ chế liên ngành phối hợp chặt chẽ giữa y tế, công an, truyền thông, quản lý mạng xã hội để thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, gỡ bỏ nhanh, truy vết hiệu quả hành vi mạo danh lừa đảo trên mạng.
Theo phân tích của các chuyên gia pháp lý, hành vi giả mạo hình ảnh cơ sở y tế có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174, Điều 198 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức án có thể lên đến chung thân nếu chiếm đoạt tài sản lớn.
Thạc sĩ, luật sư Lê Kiên Lương, Giám đốc Công ty luật Thiên Hương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích rõ:
Đối với những trường hợp, chủ tài khoản Facebook tự nhận mình là người của bệnh viện (giả mạo làm bác sĩ, y sĩ hoặc nhân viên y tế khác) để người khác nhầm tưởng đưa tiền hoặc tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên nhờ làm một việc gì đó... (tức là đang dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản) thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, có mức hình phạt cao nhất đến chung thân.
Như vậy, hành lang pháp lý đã có, vấn đề là việc phát hiện xử lý còn chậm và thiếu tính răn đe. Các đối tượng thường chọn lập tài khoản chớp nhoáng, sử dụng hình ảnh thật nhưng ngữ cảnh giả đánh vào cảm xúc người dùng, nếu không có bộ phận chuyên trách xử lý, ngăn chặn kịp thời hành vi gian dối sẽ tiếp tục tái diễn, tinh vi và lan rộng hơn.
Ở góc độ người dân nên nâng cao kỹ năng nhận diện thông tin thật, giả trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần công khai rõ ràng kênh thông tin chính thức, phát thông báo định kỳ để tạo luồng thông tin minh bạch.
Theo chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena, người dùng cần cảnh giác với tài khoản có lịch sử hoạt động ngắn, thông tin mập mờ, thường xuyên thay ảnh đại diện và nội dung không có tương tác thực tế.
Khi có yêu cầu chuyển khoản hoặc mua hàng, cần yêu cầu xác minh rõ ràng danh tính, giấy tờ pháp lý và đơn vị đứng sau.
Nhiều chuyên gia nhận định, nạn giả mạo bệnh viện trên mạng là biểu hiện của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực y tế cần được xử lý như một loại hình tội phạm nguy hiểm.
Do đó, nếu tiếp tục lơ là để tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến từng cá nhân, từng bệnh viện mà còn đe dọa đến sự an toàn thông tin, gây xói mòn niềm tin vào ngành y tế vốn là lĩnh vực nhạy cảm và thiết yếu.