Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai.
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai.

Hạ tầng số tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương hai cấp

Vai trò của hạ tầng số trong xây dựng chính quyền địa phương hai cấp ngày càng trở nên quan trọng, giúp bảo đảm kết nối đồng bộ, thông tin được chia sẻ, xử lý nhanh chóng và minh bạch, giảm tình trạng chồng chéo, sai lệch dữ liệu trong quản lý hành chính.

Với vai trò là đối tác chiến lược đồng hành cùng tỉnh Đồng Nai, VNPT đã và đang đóng góp quan trọng vào việc xây dựng hạ tầng số, các nền tảng dùng chung đồng bộ, giúp chính quyền nhanh chóng ổn định tổ chức, vận hành hiệu quả theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Vận hành thông suốt

Trước thời điểm chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, VNPT Đồng Nai và VNPT Bình Phước đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai huy động tối đa nhân lực, kỹ thuật với hơn 200 cán bộ, kỹ sư, nhân viên trực tiếp tại 95 phường, xã để hỗ trợ triển khai đồng bộ cho các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin VNPT Đồng Nai Trần Minh Đức cho biết: VNPT Đồng Nai đã bố trí lực lượng nhân sự trực tiếp khảo sát, kiểm tra, đo kiểm tại toàn bộ các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, xã, phường; kênh truyền số liệu chuyên dùng đã được VNPT Đồng Nai thiết lập và duy trì ổn định.

Giám đốc VNPT Biên Hòa 1 Đỗ Xuân Thường thông tin, VNPT Biên Hòa đã cử kỹ sư nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cán bộ các phường.

Từ ngày 1/7, cán bộ của VNPT luôn trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các phường để kịp thời xử lý sự cố (nếu có); thường xuyên theo dõi chất lượng các dịch vụ 3G, 4G, 5G, bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân. “Chúng tôi nỗ lực để không chỉ góp phần duy trì hoạt động ổn định trong các hoạt động hành chính, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền địa phương phục vụ người dân hiệu quả hơn”, ông Thường nhấn mạnh.

Còn tại các xã, phường phía tây tỉnh Đồng Nai, để bảo đảm cho bộ máy mới hoạt động thông suốt, các nhà mạng đã phối hợp chặt chẽ với xã, phường để triển khai đồng bộ các giải pháp về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin.

Phó Giám đốc VNPT Bình Phước Nguyễn Bình Minh cho biết: VNPT đã nâng cấp hạ tầng toàn bộ các hệ thống để bảo đảm vận hành cho các xã của tỉnh Bình Phước trước khi sáp nhập.

Đối với các xã vùng sâu, VNPT bố trí đội ngũ kỹ thuật lưu động và các bộ thiết bị công nghệ thông tin chuyên dụng, có thể triển khai nhanh trong thời gian ngắn để bảo đảm hoạt động hành chính, hội họp trực tuyến, xử lý văn bản không bị gián đoạn.

Tính từ ngày 1 đến 7/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trấn Biên đã có hơn 1.250 lượt người đến làm thủ tục hành chính, trong đó nhiều nhất là thủ tục chứng thực với gần 500 lượt.

Theo đồng chí Hồ Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy phường Trấn Biên, phường đã làm việc với Viễn thông Đồng Nai và Bưu điện Đồng Nai, có các tổ tư vấn hỗ trợ, do đó đường truyền những ngày qua ổn định, góp phần giải quyết thủ tục hành chính thông suốt.

Cùng với Trung tâm Phục vụ hành chính công ở 95 xã, phường, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Nai vận hành từ ngày 1/7, tiếp nhận, giải quyết khoảng 1.300 thủ tục hành chính. Theo lãnh đạo trung tâm, hiện mỗi ngày đơn vị bình quân tiếp nhận, giải quyết khoảng hơn 500 lượt cá nhân, tổ chức đến làm thủ tục.

Ông Phạm Ngọc Hiệp, phường Tam Hiệp đến làm lại căn cước công dân chia sẻ: “Từ hướng dẫn, tiếp nhận đến giải quyết hồ sơ của cán bộ ở đây rất tận tình với người dân. Cơ sở vật chất thì khang trang, người dân ngồi chờ trong quá trình làm thủ tục rất thoải mái”.

Ông Sharma Sumeet, quốc tịch Ấn Độ cho biết: “Tôi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Nai để làm thủ tục đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tôi cảm thấy rất hài lòng”.

Đối với các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số như ở xã Bù Đăng, chính quyền đã chủ động thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công lưu động về tận thôn để phục vụ.

Mỗi tuần, trung tâm về một thôn để giúp nhân dân và sẽ thực hiện xoay vòng đến khi thực hiện xong những thủ tục cấp thiết.

Chị Thị Gai, người dân tộc Xtiêng (thôn 2, xã Bù Đăng) cho biết: “Nghe thông báo cán bộ về thôn xử lý giấy tờ cho dân, tôi xin công ty nghỉ một buổi để đổi lại thông tin trong giấy khai sinh cho con. Ngoài cán bộ chuyên môn phục vụ nhân dân nhiệt tình, lãnh đạo xã cũng có mặt để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Nhờ đó tôi làm giấy tờ xong trong buổi sáng”.

Bên cạnh những thuận lợi, theo lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Nai, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục về đất đai còn một số khó khăn, do ở hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước trước đây áp dụng hệ thống bản đồ quản lý đất đai khác nhau khiến sau khi sáp nhập tỉnh bước đầu chưa đồng bộ, cho nên việc tra cứu thực hiện các thủ tục cho các tổ chức, cá nhân mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, hiện nay toàn tỉnh chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tại phường Trấn Biên, vì vậy khoảng cách đi lại từ các địa bàn tỉnh Bình Phước (trước đây) khá xa.

“Bình dân học vụ số” bằng những việc làm thiết thực

Để mỗi người dân là một công dân số, các xã, phường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát động “Bình dân học vụ số” và lực lượng đoàn viên thanh niên đã thành lập hàng trăm đội hình tình nguyện tuyên truyền kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin; hướng dẫn người dân sử dụng máy vi tính hoặc các thiết bị, truy cập internet, sử dụng phần mềm, mạng xã hội...

Các tổ công nghệ số cộng đồng và tổ công tác triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” cấp xã, thôn, ấp, khu phố với khoảng 20.000 thành viên đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh thành thạo và an toàn.

Chị Trần Thị Nguyệt, Tổ công nghệ số cộng đồng phường Đồng Xoài, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi triển khai “Bình dân học vụ số” bằng những việc làm thiết thực như hướng dẫn phụ nữ, người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh để tích hợp giấy tờ vào ví điện tử; tương tác, phản ánh tới chính quyền những vấn đề tồn tại ở khu dân cư và kiến thức bảo vệ bản thân, người thân trên không gian mạng, phòng tránh rủi ro và lừa đảo trên mạng”.

Đáng chú ý, từ ngày 1/7, Tỉnh đoàn Đồng Nai đã cử đội tình nguyện với các đoàn viên, thanh niên nhiệt huyết, am hiểu công nghệ để hỗ trợ người dân tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến, đăng ký định danh điện tử, sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ông Nguyễn Minh Trí, phường Trấn Biên cho biết: “Đối với người lớn tuổi khi thực hiện các thủ tục tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không được sự hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc. Do đó, việc hướng dẫn của các em đoàn viên là hết sức cần thiết”.

Trực tiếp tham gia hỗ trợ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Đồng Xoài (tỉnh Đồng Nai), đoàn viên Hồ Thị Kim Yến cho biết: Các đoàn viên, thanh niên sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp từng thao tác, từ cách tra cứu thông tin, đăng nhập, sử dụng VNeID, gửi hồ sơ qua cổng dịch vụ công…

Việc này không chỉ hỗ trợ người dân hoàn thành các bước nộp hồ sơ mà còn giúp bộ phận tiếp nhận hồ sơ giải quyết nhanh chóng, đúng quy định. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào vận hành, có thể thấy mô hình chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu quả, thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng phục vụ.

Xem thêm