Một người bạn dẫn tôi đến làng nghề đúc gang Trường Thọ, tỉnh Tây Ninh. Hiện nay còn rất ít hộ giữ nghề truyền thống gần trăm năm của làng. Người bạn khẽ thở dài bảo, mẫu mã sản phẩm hàng hóa lĩnh vực ngành nghề truyền thống cũng như chất lượng chưa ổn định, giá thành cao, sức cạnh tranh so sản phẩm hàng hóa được sản xuất theo công nghiệp còn hạn chế; sản phẩm ngành nghề chưa gắn kết với các điểm, tuyến du lịch nên hạn chế việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm.
Gần đây, chúng tôi đến làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, Thành phố Hồ Chí Minh, thấy chủ yếu là lao động nữ lớn tuổi, tranh thủ làm nghề lúc nhàn rỗi. Nhìn rộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến trước thời điểm sáp nhập với một số tỉnh khác thì trong 7 làng nghề (trong đó 4 làng nghề truyền thống được công nhận gồm các làng có nghề se nhang, đan lát, sản xuất bánh tráng, sản xuất muối) có 8 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã, 23 tổ hợp tác và 65 hộ kinh doanh và tổng doanh thu chỉ tròm trèm 100 tỷ đồng/năm. Một con số quá nhỏ so với siêu đô thị kinh tế lớn nhất nước.
Đi và thấy, rồi đôi lần trò chuyện cùng những chuyên gia kinh tế thì mới thấy hầu hết các làng nghề chưa xây dựng được mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Sản xuất vẫn còn manh mún, chủ yếu là vốn gia đình, chưa có nguồn đầu tư vào kinh doanh kiểu công nghiệp thủ công như xu thế phát triển của công nghiệp văn hóa, công nghiệp du lịch hiện nay. Phần lớn các hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác trong làng nghề vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của địa phương, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu. Hoặc giới thiệu các sản phẩm làng nghề, ngành nghề tham gia trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh/thành phố.
Giữa năm 2024, ghé đảo Thiềng Liềng của Thành phố Hồ Chí Minh, tôi ngỡ ngàng thấy bảo tàng muối của người dân trên đảo. Hầu hết khách du lịch đều tham quan, tự tay làm muối, rồi trải nghiệm 1 ngày làm diêm dân, rồi được mua nhiều sản phẩm từ muối với giá cả rất hợp lý so thị trường. Một cách ứng dụng hay để tạo nên chuỗi giá trị của làng nghề truyền thống. Hay như Trường trung cấp Mỹ thuật-Văn hóa Bình Dương đã tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, giáo dục ngoại khóa tại các làng nghề truyền thống đặc sắc của tỉnh, như một hình thức kết nối giới trẻ ngày nay với văn hóa bản sắc dân tộc.
Chỉ khi tạo ra chuỗi giá trị thì các làng nghề truyền thống mới không mai một theo dòng chảy hiện đại hóa công nghệ của thời đại 4.0 này.