Sự kiện thu hút hơn 130 học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên, luật sư, học viên đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Canada, Trung Quốc, Phần Lan, Pháp, Hàn Quốc, Anh...
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trước bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa ngày càng sâu rộng, khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với những thách thức to lớn về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, bất bình đẳng phát triển, dịch chuyển đầu tư và nguy cơ mất cân bằng lợi ích giữa các quốc gia.
Trong khi đó, yêu cầu thiết lập một hành lang pháp lý đủ mạnh, hài hòa lợi ích quốc gia, khu vực, toàn cầu đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững, với tư cách là định hướng chiến lược lâu dài đòi hỏi ASEAN cần có những tư duy mới, tiếp cận mới và khung pháp lý thích nghi hơn với thời đại.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nằm trong một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất về mặt sinh thái trên thế giới, ASEAN sở hữu một bức tranh địa chính trị đa dạng, các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và dân số đang bùng nổ.
Phát triển bền vững đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng và thách thức cấp bách nhất của thời đại.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, con đường tiến về phía trước đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc tế, hài hòa hệ thống pháp luật quốc gia với các chuẩn mực quốc tế, tận dụng công nghệ tiên tiến để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, và cân bằng hợp tác toàn cầu giữa các quốc gia ASEAN.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận, phân tích đa chiều các khía cạnh pháp lý, thể chế, chính sách và cơ chế thực thi liên quan đến phát triển bền vững tại ASEAN.

Cụ thể, hội thảo tập trung đề cập đến 5 nhóm chủ đề chuyên sâu: Phát triển bền vững trong ASEAN: Hành lang pháp lý và thể chế; ASEAN hướng tới phát triển bền vững: Khung Pháp lý khu vực và các thách thức thực thi; Chủ nghĩa khu vực và giải quyết tranh chấp: ASEAN dưới góc độ so sánh; Chuyển đổi số và phát triển bền vững ở ASEAN: Khung pháp lý, đổi mới và hợp tác khu vực; Thế hệ trẻ ASEAN: Kiến tạo tương lai bền vững.
Ở mỗi nhóm chủ đề, các chuyên gia, nhà khoa học… đặt ra nhiều vấn đề cấp bách và đề xuất mô hình khung pháp lý điều chỉnh hiệu quả các vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm 3 trụ cột quan trọng của phát triển bền vững: kinh tế-xã hội-môi trường.

Theo đó, các chuyên gia tập trung thảo luận chuyên sâu các nội dung liên quan cơ chế pháp lý điều chỉnh thị trường tín chỉ carbon và nông nghiệp xanh trong ASEAN; Các tiêu chuẩn pháp lý cho đầu tư xanh trong CPTPP, RCEP và FTA Việt Nam-EU.
Hội thảo cũng tập trung thảo luận về khung pháp lý ASEAN về dữ liệu xuyên biên giới, chủ quyền số và trí tuệ nhân tạo; Các mô hình giải quyết tranh chấp đầu tư; Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận công lý môi trường cho cộng đồng bản địa; Vai trò của thế hệ trẻ ASEAN trong đổi mới sáng tạo và thiết kế chính sách phát triển bền vững.