Quyết tâm trấn áp
Thời gian qua, nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ làm thiệt hại kinh tế, suy giảm uy tín của các thương hiệu mà còn gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt ở các mặt hàng như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng.
Năm 2024, hệ thống kiểm nghiệm của ngành y tế đã phát hiện 228 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn và 23 mẫu nghi ngờ là thuốc giả. Cùng với đó, thông tin giả mạo về sản phẩm, nhãn hàng trên mạng xã hội đang tiếp tay cho hàng giả và gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh.
Trước thực trạng nêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương đã vào cuộc với các đợt kiểm tra, xử lý, giúp triệt phá nhiều đường dây sản xuất, phân phối hàng giả quy mô lớn. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý 9.919 vụ vi phạm, tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính lên đến 266 tỷ đồng, đồng thời chuyển 76 vụ có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, việc ngăn chặn, đẩy lùi hàng lậu, hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, hành lang pháp lý còn nhiều kẽ hở, cơ chế quản lý yếu, xử phạt chưa đủ răn đe.
Luật sư Trương Anh Tú, đại diện pháp lý cho Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh chia sẻ, nhiều năm qua, công ty đã nỗ lực xây dựng hình ảnh một thương hiệu hàng đầu Việt Nam, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Ống nhựa Bình Minh”, được người tiêu dùng tin chọn.
Tuy nhiên, cách đây hai năm, một đơn vị có hành vi sử dụng tên doanh nghiệp và các sản phẩm ống nhựa PVC có gắn nhãn hiệu na ná, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Ống nhựa Bình Minh”.
Dựa trên Luật Sở hữu trí tuệ, công ty đã khởi kiện vụ việc ra tòa và vụ kiện đang trong quá trình kháng nghị giám đốc thẩm.
Nêu những bất cập trong xử lý hàng nhái, luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán tòa án nhân dân Tối cao chỉ ra sự thiếu vắng quy định cụ thể về xử lý hàng nhái, để lại một "vùng xám" pháp lý tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là về sức khỏe cho người tiêu dùng.
Dù các cơ quan chức năng đang vận dụng quy định về hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì tại Nghị định 98 và Điều 192 của Bộ luật Hình sự để xử lý, nhưng chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Từ thực trạng đó, đề nghị các nhà làm luật cần sớm nghiên cứu để có cơ chế và chế tài xử lý riêng, phù hợp cho hành vi làm hàng nhái.
Tăng cường kiểm tra địa bàn trọng điểm
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng: Các rào cản lớn nhất hiện nay là chế tài xử phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ hàng giả; pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và việc xác định trách nhiệm của các nền tảng trung gian còn nhiều khoảng trống pháp lý.
Thêm vào đó, quy trình giám định hàng giả mất nhiều thời gian, chi phí cao làm chậm tiến độ xử lý.
Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Quang Huy cho biết: Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các đối tượng có những thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi.
Đơn cử, việc bán hàng trên mạng thường được phân tán: livestream một nơi, chốt đơn một nơi và nơi chứa trữ hàng hóa lại ở một nơi khác. Nhiều đối tượng còn cất giữ hàng hóa giả mạo ở những nơi hang cùng, ngõ hẻm hay trong căn hộ cá nhân, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xin lệnh vào kiểm tra.
Ngoài ra, ông Huy cũng khuyến cáo người tiêu dùng mạnh mẽ hơn trong công tác tố giác cũng như phản ánh khi mua phải hàng giả đến cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, để kiểm soát hàng lậu, hàng giả, trước hết cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tăng nặng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe.
Đặc biệt, cần quy định trách nhiệm pháp lý rõ ràng cho các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát, ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung vi phạm; cần thiết lập một cơ chế giám định nhanh và tăng cường phối hợp quốc tế với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok để xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm.
Bên cạnh giải pháp về pháp lý, ông Võ Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển thương mại Mekong Việt Nam cho rằng: Cuộc chiến ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả chỉ có thể thành công khi có sự chung tay của tất cả mọi người.
Đặc biệt, bản thân mỗi doanh nghiệp phải chủ động hành động bảo vệ sản phẩm của mình.
Ông Phúc chia sẻ kinh nghiệm Công ty Mekong Việt Nam tiên phong ký kết với VinaCHG để ứng dụng các giải pháp công nghệ chống hàng giả tiên tiến bằng tem nhãn và QR Code, giúp người tiêu dùng có thể tự mình kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để bảo đảm chất lượng từ gốc, công ty đã liên kết với Viện Khoa học Công nghệ Ứng dụng Sài Gòn (SIAST), mời các chuyên gia hàng đầu của viện làm cố vấn cao cấp, bảo đảm mỗi sản phẩm ra đời đều có chiều sâu nghiên cứu và chất lượng thật sự.