Tại xã Tân Châu, năm 2023, nông dân Lê Minh Trung bắt đầu trồng mãng cầu hữu cơ - xanh, sạch hơn với canh tác truyền thống, cho hiệu quả cao, trên diện tích 2 ha.
Để theo dõi kỹ thuật một cách chi tiết, anh chia vườn thành 8 lô, mỗi lô khoảng 250 m² với hơn 230 gốc mãng cầu. Anh học cách ủ phân vi sinh, nhận biết vi khuẩn có lợi trong đất, điều chỉnh quy trình phân bón theo từng giai đoạn phát triển của cây, và đặc biệt không sử dụng hóa chất trong vườn.
Ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Hưng Thuận, lại là người truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần làm giàu. Năm 2010, ông chuyển đổi 10 ha đất trồng lúa sang trồng cây dứa Queen.
Vụ dứa đầu tiên giúp gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng/ha. Thấy hiệu quả rõ rệt, ông Sáu tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa lên 60 ha, kết hợp nuôi cá. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi hơn 3,7 tỷ đồng. Đặc biệt, sản phẩm của ông được rất nhiều người ưa chuộng vì sạch, “có quy trình giám sát từ trang trại đến bàn ăn”.
Theo ngành khuyến nông Tây Ninh, mô hình khuyến nông ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất được tích cực triển khai trong giai đoạn 2023-2025.
Qua ba năm, 35 mô hình khuyến nông góp phần tạo ra bước đột phá cho ngành nông nghiệp địa phương, nâng cao nhận thức về lợi ích canh tác hữu cơ, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Thí dụ như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 80 ha (năm 2023-2025) đạt năng suất trung bình 6,3 tấn/ha; giá thu mua 7.300-8.200 đồng/kg, giá trị cao hơn lúa thường 25%-40%, lợi nhuận bình quân khoảng 26-28 triệu đồng/ha.
Hay như khoai mì đã chuyển thành cây công nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh, với diện tích năm 2024 đạt 61.390 ha, năng suất bình quân 335 tạ/ha.
Các mô hình áp dụng quy trình canh tác khoai mì bền vững và quy trình nhân giống sạch bệnh đã hạn chế các loại bệnh hại, đạt năng suất 42 tấn/ha (cao hơn đại trà 10%), chữ bột 30%, lợi nhuận từ 45-55 triệu đồng/ ha. Riêng diện tích trồng cây ăn trái đạt 25.000 ha (tăng hơn 1.000 ha so với 2022), sản lượng gần 333.000 tấn, tập trung xây dựng các mô hình thâm canh cây ăn quả chất lượng cao như mãng cầu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, áp dụng quy trình VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản xuất và mở rộng thị trường.
Tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh phát triển bền vững ngành rau quả, bảo đảm an toàn, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, diện tích tăng từ 20.500 ha lên 21.000 ha, năng suất đạt 186 tạ/ ha, sản lượng ước đạt 390.600 tấn.
Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ áp dụng tiêu chuẩn an toàn sinh học, sử dụng con giống tốt, tận dụng phế phẩm và công nghệ xử lý chất thải sinh học như đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh, từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi; giảm ô nhiễm môi trường; giảm hao hụt; tăng hiệu quả sản xuất.
Tại xã Dương Minh Châu bên bờ hồ Dầu Tiếng, nông dân Phạm Văn Toại sở hữu 50 ao nuôi ba ba, với tổng đàn hơn 100.000 con, mỗi năm mang lại lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng.
Tận dụng thời gian chờ thu hoạch ba ba (kéo dài 18 tháng), ông Toại đầu tư nuôi cá lóc bông. Loài cá này có giá trị kinh tế cao, chỉ ăn cá vụn, thức ăn tự nhiên và không sử dụng thức ăn công nghiệp nên “bao sạch”. Nếu nuôi đủ 15 tháng, mỗi con có thể đạt 4-5kg.
Riêng nhà nông Phan Văn Thà (xã Tân Biên) bắt đầu cơ nghiệp bằng cách áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” khi trồng cao-su xen canh mì cao sản. Hiện ông sở hữu 80 ha cao-su đang khai thác, 60 ha mít Thái siêu sớm và 20 ha bưởi da xanh ruột hồng.
Không chỉ phát triển diện tích, ông Thà còn chú trọng chất lượng sản phẩm. Cả hai mô hình trồng mít và bưởi của gia đình đều đạt chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ứng dụng cơ giới hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh cho biết: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tây Ninh (cũ) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như đại dịch Covid-19, giá cả thị trường biến động.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ hiệu quả từ Trung ương, tỉnh Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh, với những nền tảng đạt được, sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính, Tây Ninh phấn đấu đạt mục tiêu: từ 90%-95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến năm 2030 tăng gấp hai lần so với năm 2020; phát triển mạnh nông nghiệp sinh thái, nông thôn thông minh, sản phẩm OCOP gắn với du lịch.