Các đại biểu chủ trì toạ đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp”.
Các đại biểu chủ trì toạ đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp”.

Tiếp tục mạnh tay ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng

Ngày 10/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp”.

Đây là sự kiện chuyên đề nhằm tạo ra một diễn đàn đối thoại đa chiều, giúp các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia nhận diện rõ hơn những thách thức từ vấn nạn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả trong bối cảnh mới.

Trong thời gian qua, vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, làm suy giảm uy tín của các thương hiệu chân chính mà còn gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt ở các mặt hàng như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng.

Năm 2024, hệ thống kiểm nghiệm của ngành y tế đã phát hiện 228 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn và 23 mẫu nghi ngờ là thuốc giả. Cùng với đó, thông tin giả mạo về sản phẩm, nhãn hàng trên mạng xã hội đang tiếp tay cho hàng giả và gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh.

Trước thực trạng trên, trong tháng 5 và 6 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các Công điện số 65/CĐ-TTg, 82/CĐ-TTg và Chỉ thị 13/CT-TTg, mở đợt cao điểm đấu tranh quyết liệt với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận những chỉ đạo mạnh mẽ liên tiếp từ Chính phủ trong việc chỉ đạo và phát động cao điểm chống hàng giả, buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương đã vào cuộc với các đợt kiểm tra, xử lý, giúp triệt phá nhiều đường dây sản xuất, phân phối hàng giả quy mô lớn.

Tuy vậy, ông Bình nhấn mạnh những đợt ra quân đơn lẻ là chưa đủ. Vấn đề nằm ở cơ chế pháp lý còn bất cập, hành lang kiểm soát còn lỏng lẻo. Ông nêu ví dụ về cơ chế tự công bố sản phẩm – vốn nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp – nhưng đang bị một số đối tượng lợi dụng để đưa hàng kém chất lượng vào thị trường.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Thái Bình đặt vấn đề: “Vì sao hàng giả vẫn tràn lan, vì sao thuốc, sữa giả có thể tồn tại nhiều năm? Có phải pháp lý còn nhiều kẽ hở, cơ chế quản lý yếu hay xử phạt chưa đủ răn đe?”

h1-toa-dam-hang-gia.jpg
Luật sư Trương Anh Tú, đại diện pháp lý cho Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh.

Dẫn chứng cho cuộc chiến pháp lý đầy gian nan và tốn kém bảo vệ thương hiệu, Luật sư Trương Anh Tú, đại diện pháp lý cho Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, nhiều năm qua, công ty đã nỗ lực xây dựng hình ảnh một thương hiệu hàng đầu Việt Nam và được người tiêu dùng tin chọn. Đồng thời, công ty cũng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Ống nhựa Bình Minh”.

Tuy nhiên, cách đây hai năm, công ty phát hiện một đơn vị có hành vi sử dụng tên doanh nghiệp và các sản phẩm ống nhựa PVC có gắn nhãn hiệu na ná, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Ống nhựa Bình Minh” đã được bảo hộ.

“Dựa trên Luật sở hữu trí tuệ , công ty đã khởi kiện vụ việc ra tòa và vụ kiện hiện đang trong quá trình kháng nghị giám đốc thẩm”, đại diện Nhựa Bình Minh cho biết.

h4-toa-dam.jpg
Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Tại tọa đàm, Luật sư Phạm Công Hùng, Nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, chỉ ra những bất cập trong thực tiễn thực thi pháp luật, chế tài hiện tại tuy có nhưng chưa đủ mạnh và việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng đôi khi còn chồng chéo, thiếu hiệu quả.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho hay qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các đối tượng có những thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi hơn.

Ông Huy dẫn chứng: “Việc bán hàng trên mạng thường được phân tán: livestream một nơi, chốt đơn một nơi và nơi chứa trữ hàng hóa lại ở một nơi khác. Nhiều đối tượng còn cất giữ hàng hóa giả mạo ở những nơi hang cùng ngõ hẻm hay trong căn hộ cá nhân, gây khó khăn cho chúng tôi khi xin lệnh vào kiểm tra”, ông Huy phân tích.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huy khẳng định không phải thấy khó mà không làm. “Chúng tôi đang đẩy mạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến phố, địa bàn trọng điểm, bởi vì khi phát hiện được các kho hàng, nơi chứa trữ hàng hóa thì mới giảm được một phần tình hình hàng giả, nhất là hàng giả trên mạng”, ông Huy cho hay.

Ngoài ra, Huy ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng mạnh mẽ hơn trong công tác tố giác cũng như phản ánh khi mua phải hàng giả đến cơ quan chức năng.

Xem thêm