Tuyến đường ĐT753 gần cầu Mã Đà, tỉnh Đồng Nai.
Tuyến đường ĐT753 gần cầu Mã Đà, tỉnh Đồng Nai.

Đồng Nai tập trung phát triển giao thông nội tỉnh, kết nối vùng

Địa bàn Đồng Nai (cũ) và Bình Phước (trước đây) chưa có tuyến giao thông kết nối trực tiếp. Do đó, sau hợp nhất, tỉnh Đồng Nai (mới) đặc biệt quan tâm phát triển giao thông nội tỉnh và kết nối vùng nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, rút ngắn quãng đường di chuyển giữa khu vực trung tâm với phía tây bắc của tỉnh, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các xã, phường trên địa bàn.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai lúc này là huy động nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn, tỏa khắp toàn tỉnh, nhất là các tuyến đường huyết mạch giúp biến tiềm năng thành thành quả thực tế, tạo sức bật phát triển kinh tế-xã hội.

Xóa bỏ rào cản địa lý

Việc kết nối giao thông liên hoàn ngay cả giữa các địa phương giáp ranh tỉnh Đồng Nai và Bình Phước (trước đây) còn rất bó hẹp, hạn chế, không khơi dậy được lợi thế đất đai rộng lớn, vùng nguyên liệu tại chỗ dồi dào ở khu vực phía tây bắc của tỉnh.

Đồng chí Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai cho rằng: Khoảng cách địa lý và cách trở giao thông là một hạn chế tương đối lớn mà chính quyền phải sớm khắc phục, kỳ vọng sớm xây dựng trục đường kết nối cầu Mã Đà, giúp cho đội ngũ cán bộ, người dân khi di chuyển từ các địa bàn phường, xã xa về trung tâm mới sẽ thuận tiện hơn.

Để nhanh chóng tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế-xã hội tỉnh Đồng Nai đánh giá: Đồng Nai thuận lợi mở rộng không gian phát triển và trở thành vùng đệm kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.

Để khai thác hiệu quả, địa phương nên ưu tiên hệ thống giao thông kết nối làm sao đoạn đường từ Đồng Xoài đến Biên Hòa và khu đô thị mới trong tương lai trở nên gần hơn, tạo điều kiện cho phía tây bắc của tỉnh phát triển nhanh.

Vấn đề còn lại là phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện mới, trên cơ sở đó tính toán những dự án đầu tư ưu tiên để tạo đột phá. Thí dụ, tập trung đường giao thông xuyên tỉnh, hay xem lại quy hoạch một số tuyến đường sắt đô thị phải tính thêm kết nối với Đồng Xoài hoặc các địa bàn khác của tỉnh Bình Phước (trước đây).

“Bây giờ, Đồng Nai phát triển thế mạnh cảng hàng không, cảng biển gắn thêm cửa khẩu biên giới và nếu sớm hình thành đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đi cửa khẩu, cao tốc đi Chơn Thành, hệ thống này sẽ tạo sức bật cho tỉnh phát triển và tôi kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng hai con số”, ông Lịch nói.

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận: Đồng Nai có thêm diện tích phát triển, xu hướng sắp tới, dần dần chuyển đổi chức năng Biên Hòa thành khu đô thị, cho nên một phần khu công nghiệp chuyển lên Bình Phước (trước đây) với ưu thế đây là vùng đất cao, rất thuận tiện cho phát triển đô thị công nghiệp, thu hút người nhập cư.

Vấn đề còn lại là cần hình thành trục hạ tầng giao thông đa phương tiện chiến lược nối dài, tận dụng được sức mạnh các hạ tầng trọng điểm hiện hữu thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Trong tương quan phát triển công nghiệp về phía Bình Phước (trước đây), đô thị về sân bay Long thành, Biên Hòa thì cần có kết nối với cụm cảng biển ở Thị Vải-Cái Mép, Cần Giờ để giảm giá thành logistics. Đó cũng là điều kiện giúp tăng trưởng kinh tế cả vùng đô thị rộng lớn chứ không riêng gì Đồng Nai.

Khẩn trương, rút gọn, tránh sót việc

Tín hiệu khởi đầu cho bước chuyển động tạo đột phá hạ tầng giao thông kết nối liền mạch, là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã sớm quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Mã Đà với kinh phí hơn 192 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường kết nối trực tiếp duy nhất giữa tỉnh Đồng Nai (cũ) và tỉnh Bình Phước (trước đây).

Trước đó, ngày 20/6, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Đồng Nai điều chỉnh Quy hoạch tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn để xây cầu Mã Đà và tuyến giao thông kết nối.

Việc đầu tư xây dựng cầu Mã Đà nhằm kết nối tỉnh Đồng Nai (cũ) và tỉnh Bình Phước (trước đây), giúp giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới) liền mạch, thông suốt.

Cầu Mã Đà (bao gồm đường dẫn đầu cầu) có điểm đầu giao với đường ĐT 753; điểm cuối giao với đường kết nối từ cầu đến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, được thiết kế với quy mô bề rộng 34,5m, 8 làn xe cơ giới, dải phân cách giữa, làn xe thô sơ hai bên, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện tối đa ba năm kể từ khi bố trí vốn thực hiện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà chỉ đạo tại cuộc họp gần đây về dự án, là phải tiến hành quy trình rút gọn để khởi công xây dựng, hoàn thành cầu Mã Đà càng sớm càng tốt, tránh bỏ sót việc.

Công trình này đưa vào sử dụng góp phần hình thành trục giao thông liên vùng kết nối các tỉnh Tây Nguyên đến với sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics liên tỉnh, các khu công nghiệp... thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội liên vùng.

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối nội tỉnh Đồng Nai hiện được xem là ưu tiên hàng đầu.

Cùng với dự án đầu tư khôi phục cầu Mã Đà, tỉnh quan tâm xúc tiến mở rộng tuyến đường tỉnh 753 kết nối đường tỉnh 761. Một trong những phương án đang được xây dựng là từ thành phố Đồng Xoài đi theo đường tỉnh 753 mở rộng, băng qua cầu Mã Đà vào địa phận tỉnh Đồng Nai kết nối vào đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Với phương án này, đoạn đường băng qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được thiết kế toàn bộ trên cao, không làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, có tổng chiều dài toàn tuyến 76 km với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng.

Và tương lai sẽ còn có thêm nhiều cung đường lớn rộng mở, những cây cầu kiên cố hình thành; tiềm lực được cộng hưởng sẽ trở thành nền tảng vững chãi tạo bệ phóng cho công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, kiến tạo diện mạo mới cho tỉnh Đồng Nai.

Xem thêm