Tại chương trình trao đổi với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo-xu thế hay bắt buộc?” do Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các diễn giả, doanh nhân có kinh nghiệm sử dụng AI trong phát triển doanh nghiệp bền vững đã chia sẻ nhiều câu chuyện đáng chú ý.
Tăng hiệu quả nhờ AI
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Cen Group, nhà sáng lập nền tảng AIchot.vn Phạm Thành Hưng nêu vấn đề: Trong lĩnh vực bất động sản, nghề môi giới luôn có sự hiện diện quan trọng của các tư vấn viên; tuy nhiên, với sự xuất hiện của AI, nhiều người đã rất khó khăn để trụ lại với nghề.
AI hiện đã thay con người thực hiện nhiều bước quan trọng như tìm kiếm khách hàng, giới thiệu dự án, phân tích dữ liệu thị trường, dự đoán xu hướng bất động sản và tư vấn chính xác, thuyết phục khách hàng đầu tư.
Việc áp dụng AI không còn là lựa chọn, mà là một trong những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Thực tế cho thấy, AI sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 50% chi phí và 70% nguồn lực nếu được triển khai đúng cách.
Theo ông Nguyễn Công Thủy, CEO của Công ty JobTest, AI đang dần thay đổi cách tuyển dụng và phát triển nhân tài của doanh nghiệp. Với những thuật toán của mình, AI có thể đánh giá năng lực ứng viên một cách khách quan, giảm sai sót.
Với con người sẽ phải mất rất nhiều thời gian để phân tích, chọn lọc được ứng viên ưng ý trong số hàng nghìn hồ sơ gửi đến, nhưng với AI thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chọn được các ứng viên tốt nhất cho doanh nghiệp.
Về chính sách, ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.
Nỗ lực để tạo ra một hệ sinh thái AI bền vững giúp các doanh nghiệp, chính quyền bắt kịp xu hướng toàn cầu cũng đang được thành phố triển khai quyết liệt. Thông qua các hội, các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ, kết nối tối đa trong việc tiếp cận AI, từ đào tạo nhân lực đến kết nối với các đối tác công nghệ.
Đâu là thách thức?
Theo các chuyên gia, cơ hội mà AI mang lại cho người dùng là rất lớn, việc ứng dụng công cụ này hiện đã được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, bên cạnh những tính năng hỗ trợ đắc lực, việc sử dụng AI sai mục đích, phụ thuộc cũng dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả, mục tiêu của công việc. Bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu, thiếu hụt nhân lực, thiếu chiến lược hệ thống và hỗ trợ chuyên sâu, vấn đề về đạo đức và bảo mật dữ liệu là một trong những thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Với AI, quá trình tự học diễn ra rất nhanh khiến nó ngày càng thông minh hơn, tuy nhiên, đi kèm với thành tựu đó là những cảnh báo về kết quả, sai sót, đặc biệt là phạm trù đạo đức.
Các chuyên gia đã từng đưa ra một thí dụ về việc quản lý nhân sự sử dụng AI để lọc hồ sơ ứng viên tuyển dụng. Qua theo dõi, quản lý phát hiện AI có “biểu hiện” ưu tiên một giới tính và loại bỏ các ứng viên từ một nhóm thiểu số. Câu hỏi được đặt ra AI liệu có đang bình đẳng, công bằng để người quản lý nên tiếp tục áp dụng để tìm kiếm ứng viên hay dừng lại kiểm tra và khắc phục.
Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên Viện ABAII cho biết: Hành động này, nếu là do con người thực hiện thì với những giá trị đạo đức nhân văn chuẩn mực được tạo dựng, con người sẽ có các lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, với AI, đây vẫn là một lựa chọn gây ra nhiều tranh cãi khi mà kết quả nó tạo ra chưa thỏa mãn các tiêu chí yêu cầu.
Trên thế giới, liên quan đến đạo đức AI, nhiều doanh nghiệp đã có những cách tiếp cận khác nhau.
Ông Thành nêu thí dụ: Hơn 600 nhà cung cấp cho Tập đoàn công nghệ IBM được đào tạo về đạo đức công nghệ và 100% số nhà cung cấp của IBM đã thực hiện các hoạt động về trách nhiệm xã hội và môi trường, đạo đức và lập kế hoạch rủi ro từ cách đây vài năm.
Microsoft cũng ra mắt hơn 30 công cụ AI có trách nhiệm để đánh giá các hoạt động có ứng dụng AI. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp hiện chỉ mới dừng lại ở mức sử dụng, khai thác các tài nguyên, kiến thức trí tuệ nhân tạo cung cấp chứ chưa coi trọng vấn đề trách nhiệm, đạo đức của công cụ này.
Điều này, được ví như việc nỗ lực chữa cháy thay vì chủ động thiết lập hệ thống phòng cháy, chữa cháy từ đầu. Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu quy mô kinh tế số đến năm 2030 đạt tối thiểu 30% GDP và đạt tối thiểu 50% GDP vào năm 2045.
Việt Nam hiện có khoảng 78 triệu người dùng internet thường xuyên, cộng với nguồn dân số trẻ, yêu thích công nghệ là những nền tảng thuận lợi để triển khai hệ sinh thái AI nhằm thực hiện các mục tiêu đó.
Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng: Việc xây dựng nguyên tắc đạo đức cho trí tuệ nhân tạo cần phù hợp với bối cảnh thực tiễn và quy mô của từng tổ chức, triển khai theo từng giai đoạn, từ cơ bản đến nâng cao. Luật Công nghiệp Công nghệ số đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Các vấn đề về đạo đức công nghệ số, vấn đề bình đẳng, công bằng là một trong những vấn đề được quan tâm. Đây cũng là cơ sở các doanh nghiệp cùng tham gia kiến tạo, đồng hành để cùng xây một hệ sinh thái AI hiệu quả, phục vụ ngược lại cho các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng.