Cầu Phước Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối liền khu vực Nhà Bè với Cần Giờ thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành vừa được hợp long (Ảnh QUÝ HIỀN).
Cầu Phước Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối liền khu vực Nhà Bè với Cần Giờ thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành vừa được hợp long (Ảnh QUÝ HIỀN).

Tăng tốc thi công các công trình trọng điểm

Các công trình giao thông trọng điểm kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam Bộ, góp phần rút ngắn khoảng cách lưu thông và vận tải hàng hóa đang tăng tốc thi công, trở thành một đại công trường hứa hẹn các dự án sớm “về đích” đúng tiến độ, đặc biệt một số hạng mục quan trọng sẽ đưa vào khai thác trong năm nay.

Rút ngắn khoảng cách miền Đông và miền Tây

Sau gần ba năm thi công, cầu Phước Khánh ( gói J3-1) là cầu chính bắc qua sông Soài Rạp, nối liền khu vực Nhà Bè với Cần Giờ thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành vừa được hợp long.

Theo chủ đầu tư dự án, Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hạng mục này chính là nút thắt quan trọng, quyết định “đường găng” tiến độ của dự án; đồng thời, khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của VEC trong việc hoàn thành và đưa toàn bộ dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành vào khai thác trong năm 2026.

Đại diện chủ đầu tư cho biết: Sau khi được gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý, các gói thầu đường cao tốc Bến Lức-Long Thành lần lượt về đích, đến nay đã đưa vào khai thác gần 30 km trên tổng chiều dài 57 km.

Với tổng chiều dài hơn 57 km, đi qua địa bàn Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và địa bàn Đồng Nai, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành giúp kết nối liền mạch khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

Tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng này khi kết hợp với đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo thành một vòng tròn hoàn chỉnh, giúp người dân đi lại thuận lợi giữa các tỉnh, kết nối thông suốt với các vùng, rút ngắn quãng đường lưu thông.

Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, công trình góp phần giảm ùn tắc và áp lực giao thông ở Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành-Dầu Giây.

Theo cán bộ quản lý Công ty Cienco 4, đơn vị thi công gói thầu xây lắp 8 (địa bàn Hóc Môn), gần một tuần qua đơn vị phải tăng tốc thi công nên buộc phải mua cát nhập khẩu từ Campuchia cho kịp tiến độ; với các hạng mục thi công cầu cạn và đường giao thông, phấn đấu hoàn thành cơ bản phần đường thuộc phía tây dự án vào cuối năm nay.

Đánh giá về tiến độ chung của dự án vành đai 3, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cho biết: Trước những khó khăn về vật liệu, Ban Giao thông đang phấn đấu thông xe kỹ thuật trong năm 2025 đoạn 14,7 km qua khu vực Thủ Đức.

Ngoài ra, lối giữa đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây với cầu Nhơn Trạch và vành đai 3 phấn đấu thông xe vào tháng 9 này. Trước đó, cầu Nhơn Trạch nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai (thuộc dự án thành phần 1A) đã được thông xe kỹ thuật từ cuối tháng 4.

Tập trung cho công tác đền bù

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh đang khẩn trương triển khai cắm ranh mốc, tổ chức công tác đền bù, tái định cư nhằm sớm triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) vào năm 2025.

Dự kiến có khoảng 1.800 hộ dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng. Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài dài 51 km sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam với hai địa phương, qua cửa khẩu Mộc Bài-Bavet.

Khi tuyến cao tốc này hoạt động sẽ giúp hình thành hệ thống giao thông hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Theo Ban Giao thông, đến ngày 24/4, ban đã hoàn tất công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho hai địa phương với số lượng tổng cộng 3.148 cọc. Công tác cắm mốc, giao ranh là cơ sở pháp lý thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, là bước ngoặt quan trọng thực hiện tiến độ triển khai dự án.

Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh đã đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần 3 và 4 về công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư. Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tiến hành chi trả bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong tháng 6/2025.

Về cách thức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Võ Trung Trực chia sẻ: “Cơ bản thành phố sẽ thực hiện như dự án vành đai 3; trong đó vận dụng các cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 98 và Luật Đất đai năm 2024, làm sao bảo đảm quyền lợi cao nhất đối với người dân trong vùng dự án”.

Theo Ban Giao thông, Dự án thành phần 2 làm đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài có tổng mức đầu tư 2.421 tỷ đồng, được thực hiện từ vốn ngân sách thành phố đã được phê duyệt, phấn đấu khởi công trong tháng 9/2025, xem như là bước khởi động về xây dựng của dự án trọng điểm quốc gia.

Tiếp đó, sẽ khởi công xây dựng dự án thành phần 1 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) trong tháng 1/2026.

Xem thêm