Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thành phố xác định vai trò quan trọng của khoa học-công nghệ, phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất là đúng định hướng, phù hợp và góp phần tăng năng suất sản lượng, chất lượng, giá trị gia tăng của cây trồng, vật nuôi.
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học-công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo các chuyên gia, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn có trình độ chuyên môn cao. Tình trạng thiếu nhân sự, chảy máu chất xám, quy mô và chất lượng đào tạo... chính là những vấn đề nan giải, cần tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Đài Loan, giảng viên Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng: Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cần được nâng cao hơn nữa. Và chính nông dân, chủ thể quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế trong ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chuyên môn của mình.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn nhân lực nông nghiệp hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn là do các cơ sở đào tạo chậm thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng ứng dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Hầu hết các chương trình vẫn theo truyền thống, chưa áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy. Việc thực hành tại mô hình, khu thực nghiệm trong thời gian ngắn chưa bảo đảm thời gian cập nhật công nghệ, kỹ thuật cho học viên vận dụng vào thực tế sản xuất. Trong khi, với kỷ nguyên công nghệ 4.0, việc ứng dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất thay đổi thường xuyên, liên tục.
Theo đại diện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh), để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, việc đào tạo nguồn nhân lực phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng lẫn quy mô.
Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ. Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển của ngành, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo người lao động biết ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tiến sĩ Lê Ngọc Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nhấn mạnh: Cần nghiên cứu bài bản và phát triển hơn nữa chương trình đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị thật đa dạng cho lực lượng lao động nông thôn và cho cả các thành viên của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như các hội viên của hợp tác xã.
Đây là tiền đề quan trọng để chuyển dịch nền nông nghiệp truyền thống kém hiệu quả sang nông nghiệp hiện đại cho hiệu quả và chất lượng sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước nhằm mang lại giá trị gia tăng cao và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Đề cập đến chủ đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Đài Loan cho rằng: Cần tăng cường đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng, việc đầu tư này cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực với nội dung, đối tượng, phương thức và nguồn lực rõ ràng.
Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo theo hướng Nhà nước đầu tư xây dựng các trường cao đẳng, đại học, trung tâm đào tạo nghề... Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cần được đổi mới theo tinh thần phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên; cần kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa đào tạo tại trường với đào tạo tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; học viên cần được thực hành, trải nghiệm để có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế sản xuất.