Cung cấp và sử dụng năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp là mô hình vừa bảo đảm nguồn điện ổn định, liên tục cho các nhà đầu tư, vừa giảm phụ thuộc lưới điện truyền thống, góp phần quan trọng vào cam kết quốc gia về chống biến đổi khí hậu.
Mô hình sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo tiêu biểu
Tháng 4/2025, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã khánh thành nhà máy công nghệ cao LEGO Việt Nam (LEGO Manufacturing Vietnam) có tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD tại Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore 3 (VSIP 3), Thành phố Hồ Chí Minh.
Với việc lắp đặt 12.400 tấm pin mặt trời áp mái, nhà máy dự kiến vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo vào đầu năm 2026. Chú trọng sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo, LEGO Việt Nam là nhà máy thân thiện với môi trường nhất của Tập đoàn LEGO trên toàn cầu cho đến nay.
Bên cạnh việc lắp đặt pin mặt trời áp mái, Tập đoàn LEGO đã hợp tác với Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) xây dựng Trung tâm năng lượng ngay khu đất lân cận.
Trung tâm sẽ tích hợp Giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin quy mô lớn đầu tiên được triển khai tại Việt Nam và dự kiến hoạt động vào cuối năm 2025.
Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc vận hành của Tập đoàn LEGO chia sẻ, rất tự hào về những bước tiến của Việt Nam trong hành trình phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp Tập đoàn LEGO mang lại nhiều tác động tích cực hơn tại địa phương, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đặt ra trên toàn cầu.
Việc triển khai Giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin kết hợp các hợp đồng mua, bán điện nhằm tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo vừa mang tính tiên phong của Tập đoàn LEGO, vừa là một trong những sáng kiến đầu tiên được triển khai bởi doanh nghiệp tại Việt Nam. Sự đồng hành cùng đối tác trong việc xây dựng những khung pháp lý và chính sách cần thiết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khác trong quá trình đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo.
Cùng với các doanh nghiệp sản xuất chuyển hướng phát triển khu công nghiệp thế hệ mới gắn với phát triển bền vững, nhiều khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang quan tâm đến năng lượng tái tạo nhằm phục vụ sản xuất tại chỗ cho các nhà đầu tư.
Nhà nước kiến tạo - doanh nghiệp đồng hành, tiên phong cho xu hướng này là các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore. Chuẩn bị để áp dụng giải pháp năng lượng thông minh, năng lượng tái tạo, tháng 9/2019, các cổ đông của
Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) đã ký kết thỏa thuận thành lập công ty liên doanh nhằm đem đến các giải pháp năng lượng thông minh cho thị trường Việt Nam.
Lan tỏa khu công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo
Theo thỏa thuận ký kết, Tổng Công ty Becamex IDC và VSIP hợp tác với Sembcorp Smart Energy Solutions Việt Nam, một công ty thành viên của Tập đoàn Sembcorp ra mắt nền tảng cung cấp các dịch vụ năng lượng tổng hợp và công cụ hiệu quả cho các dự án phức hợp của Becamex IDC và Sembcorp tại Việt Nam.
Sở hữu nhiều Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore trên cả nước và hạ tầng bất động sản công nghiệp rộng lớn, Tổng Công ty Becamex IDC và Sembcorp sẽ tạo điều kiện cho các khách hàng có cơ hội được vận hành nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, từ đó đạt được các mục tiêu bền vững về môi trường; đồng thời giảm chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tháng 3/2022, VSIP đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 (VSIP 3). Với quy mô rộng 1.000 ha, khu công nghiệp nổi bật với điểm nhấn là trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ rộng 50 ha, mang lại lợi ích về độ tin cậy và tính bền vững trong việc cung cấp điện cho các khách hàng đầu tư vào khu công nghiệp này. Khách hàng đầu tiên tiếp cận với trang trại năng lượng mặt trời đã được quy hoạch chính là Tập đoàn LEGO.
Tiếp bước VSIP 3, tháng 5/2025, Tổng công ty Becamex IDC đã khởi công hai dự án chiến lược là Khu công nghiệp Cây Trường với quy mô 700 ha và Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 với diện tích 380 ha.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận chia sẻ: “Với trọng tâm là bảo đảm nguồn năng lượng sạch và ổn định, Tổng công ty Becamex IDC đã quy hoạch hai khu công nghiệp này gần các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, hình thành một quần thể liên kết công nghiệp-năng lượng hoàn chỉnh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Chúng tôi đang thúc đẩy tích hợp các nguồn điện xanh thông qua hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà xưởng, phát triển các trang trại điện mặt trời (solar farm) cùng các dạng năng lượng tái tạo khác để cung cấp cho các nhà đầu tư tại khu công nghiệp hoạt động ổn định và bền vững”.
Sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 64/67 khu công nghiệp, khu chế xuất đi vào hoạt động.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Võ Văn Minh cho rằng: Bên cạnh việc sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại, các khu công nghiệp tại thành phố luôn hướng đến mô hình khu công nghiệp xanh với những cam kết bảo vệ môi trường cùng các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi tái tạo năng lượng sạch, năng lượng mặt trời và giảm rác thải, khí thải, phù hợp định hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam.