Hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn
Sau hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp bất động sản trong phát hành TPDN, điển hình là vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào tháng 4/2022, thị trường TPDN rơi vào tình trạng “đóng băng”. Doanh nghiệp bất động sản dè dặt phát hành mới vì lo ngại sai phạm, nhiều doanh nghiệp vội vàng mua lại trái phiếu trước hạn; nhà đầu tư e ngại rủi ro không dám giải ngân. Cùng với đó, Bộ Tài chính liên tục phát đi các thông cáo cảnh báo rủi ro đến nhà đầu tư càng khiến cho thị trường này thêm trầm lắng.
Thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong quý II/2022, các doanh nghiệp bất động sản có 16 đợt huy động vốn trái phiếu, giá trị gần 8.600 tỷ đồng, giảm 79% so với quý I. Bước sang quý III, tình hình kém tích cực hơn khi tháng 7 chỉ có một doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công trái phiếu riêng lẻ với giá trị 210 tỷ đồng; tháng 8 cũng chỉ có hai công ty thuộc lĩnh vực này phát hành TPDN riêng lẻ, với tổng trị giá 1.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, một kênh huy động vốn khác là tín dụng ngân hàng cũng đang trong tình trạng không thuận lợi đối với doanh nghiệp nhóm này. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng nhưng chỉ ở mức vài trăm nghìn tỷ đồng, con số chưa tạo được động lực đối với thị trường này. Ngoài ra, chủ trương của ngành ngân hàng là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán do đây là hai lĩnh vực có rủi ro cao.
Khó huy động vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào cảnh thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng. Báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2022 của nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy, tính đến cuối
tháng 6, nhiều doanh nghiệp bị âm dòng tiền kinh doanh, như Nhà Khang Điền (-2.007 tỷ đồng), Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (-1.906 tỷ đồng), Tập đoàn Đất Xanh (-1.866 tỷ đồng), Công ty Văn Phú INVEST (-1.098 tỷ đồng), DRH Holdings (-784 tỷ đồng), Khải Hoàn Land (-773 tỷ đồng), Everland (-724 tỷ đồng), Công ty Kinh Bắc (-662 tỷ đồng)…
Cũng trong sáu tháng đầu năm nay, nợ vay của hầu hết doanh nghiệp nêu trên tăng mạnh. Thời điểm cuối tháng 6/2022, Đất Xanh có tổng nợ vay 5.977 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước; Nhà Khang Điền có tổng nợ vay 5.761 tỷ đồng, tăng 2,25 lần; Văn Phú INVEST có tổng nợ vay 4.486 tỷ đồng, tăng 42%; Khải Hoàn Land có tổng nợ vay 1.059 tỷ đồng, tăng 61%; DRH Holdings có tổng nợ vay 833 tỷ đồng, tăng 88%...
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, do khó khăn về vốn, nguồn cung các dự án bất động sản lần đầu vào thị trường đang sụt giảm nghiêm trọng: Năm 2018 có khoảng 200.000 sản phẩm mới, năm 2019 còn hơn 100.000 sản phẩm, năm 2020 và 2021 xuống còn khoảng 60.000 và sáu tháng đầu năm 2022 chỉ còn hơn 20.000 sản phẩm.
Theo ông Đính, ngoài nguồn vốn tự có, chủ đầu tư bất động sản còn phát triển dự án bằng nguồn vốn của khách hàng, vốn mồi tín dụng, vốn trái phiếu. Nếu dự án đang triển khai mà dòng vốn khó khăn, doanh nghiệp sẽ phải dừng dự án, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường (thí dụ, thiếu sản phẩm mới sẽ làm khan cung, đẩy giá nhà, đất lên cao làm người dân khó tiếp cận nhà ở, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bong bóng).
“Tôi đang mường tượng khoảng tháng 10 tới đây, rất nhiều doanh nghiệp đến hạn phải trả lãi trái phiếu thì lấy tiền đâu để trả”, ông Đính nói.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng và năm 2024 là 329.500 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến năm 2024, sẽ có khoảng 745.400 tỷ đồng TPDN đáo hạn, trong đó chủ yếu là trái phiếu bất động sản và các tổ chức tín dụng, gây áp lực rất lớn đến các doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường vốn nói chung.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cảnh báo, nếu TPDN đến hạn mà không trả được nợ sẽ gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư và làm xáo trộn cân đối vốn của nền kinh tế.
TS Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Chính sách chiến lược, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, rủi ro vỡ nợ trái phiếu không chỉ đe dọa đến các chủ thể tham gia thị trường mà còn gây áp lực đến cân đối vĩ mô, bởi vì bất động sản là ngành có liên quan đến khoảng 50-60 ngành nghề khác như xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, tài chính - ngân hàng, thiết kế, kiến trúc...
![]() |
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã quay trở lại kênh trái phiếu để huy động vốn. Ảnh: NAM ANH |
Gỡ “nút thắt” cho thị trường trái phiếu
Trong bối cảnh áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản đang lớn dần, đã có nhiều cuộc họp bàn để tìm cách tháo gỡ cho vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có buổi làm việc với một số chuyên gia và ngày 16/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị định 65/2022/NĐ-CP có nhiều nội dung mới, được cho là “cởi trói” cho hoạt động phát hành trái phiếu. Theo đó, Nghị định 65 sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Nghị định cũng có những điều khoản quy định chặt chẽ hơn, có giá trị bảo vệ nhà đầu tư và bảo đảm thị trường phát triển ổn định, bền vững, phù hợp thị trường TPDN non trẻ như thị trường Việt Nam.
Thí dụ, tổ chức phát hành phải có đánh giá xếp hạng tín dụng bắt buộc trong hai trường hợp: Tổng giá trị TPDN phát hành trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và 50% vốn chủ sở hữu; tổng số TPDN đang lưu hành tại thời điểm đăng ký phát hành mới lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Hay như nội dung “kế hoạch phát hành trái phiếu”, quy định mới làm tăng khối lượng công việc và hồ sơ phát hành trái phiếu…
FiinGroup, công ty cung cấp dịch vụ thông tin và dữ liệu tài chính (trong đó có dịch vụ xếp hạng tín nhiệm) nhận định, sang năm 2023, thị trường TPDN sẽ có những thay đổi về chất theo xu hướng nghiêng về phát hành đại chúng với các doanh nghiệp có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng. Phát hành riêng lẻ sẽ giảm quy mô, nhưng hướng đến mở rộng đối tượng nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, các định chế tài chính như bảo hiểm, quỹ trái phiếu và quỹ hưu trí…