Đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xử lý vướng mắc cấp giấy phép khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn, phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm phía nam.
CẦN HÀNG CHỤC TRIỆU MÉT KHỐI VẬT LIỆU
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay, khu vực phía nam đang triển khai 15 dự án giao thông trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2025 và 2026. Do đó, nếu không cung cấp đủ vật liệu đất đắp, đá xây dựng theo tiến độ thi công, các dự án sẽ không thể đáp ứng tiến độ đề ra. Nhu cầu vật liệu đá cho các dự án khoảng 21,5 triệu mét khối.
Đến nay, các đơn vị đã đưa về công trường hơn 4,6 triệu mét khối; khối lượng còn lại cần huy động là gần 17 triệu mét khối, trong đó đã xác định được nguồn hơn 5,2 triệu mét khối.
Đối với vật liệu đất đắp nền đường dự án cao tốc Biên HòaVũng Tàu cần 5,2 triệu mét khối, hiện còn thiếu 4,7 triệu mét khối. Cơ quan chức năng đã xác định được nguồn 5,01 triệu mét khối, nhưng các vị trí khai thác tại huyện Long Thành, thành phố Biên Hòa vẫn đang chờ hướng dẫn thủ tục để hoàn thiện hồ sơ cấp phép.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng, khó khăn hiện nay là toàn bộ các dự án trọng điểm đều đang trong giai đoạn cao điểm về tiến độ, cho nên nhu cầu về đá xây dựng tăng đột biến, ảnh hưởng lớn tới tổng thể kế hoạch tổ chức sản xuất của các mỏ. Một số dự án có nhu cầu vật liệu lớn trong năm 2025, như: Sân bay Long Thành khoảng 4,7 triệu mét khối, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu khoảng 1,2 triệu mét khối, đường vành đai 3 khoảng 2,3 triệu mét khối...
Đối với dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Nguyễn Tiến Việt cho biết, nhu cầu về đá với tổng khối lượng 7,2 triệu mét khối, hiện đơn vị đã nhập về và sử dụng 2,2 triệu mét khối, số còn lại cần trong năm 2025 nhưng nguồn cung hiện nay
gặp khó khăn, có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Do đó, ông Việt đề nghị tỉnh Đồng Nai tăng công suất, tăng năng lực khai thác, bổ sung dây chuyền ở các mỏ khai thác đá. Cùng với đó, nới thêm khung thời gian vận chuyển, vì mỗi ngày phải có hơn 2.000 lượt xe tải (loại từ 20-25 tấn) ra vào công trường mới đáp ứng được nhu cầu vật liệu cho dự án sân bay đang tăng tốc đẩy nhanh tiến độ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, trữ lượng đá xây dựng trên địa bàn tỉnh còn gần 294 triệu mét khối, công suất khai thác 22,7 triệu mét khối/năm; trữ lượng cát xây dựng còn 3,6 triệu mét khối, công suất khai thác 0,5 triệu mét khối/năm; trữ lượng vật liệu san lấp còn 0,8 triệu mét khối, công suất khai thác 0,06 triệu mét khối/năm.
Tỉnh Đồng Nai đã tính toán, quy hoạch thăm dò, khai thác 26 khu vực đá xây dựng, diện tích 714 ha, trữ lượng dự báo là 56 triệu mét khối. Đối với cát xây dựng, tỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác ba khu vực, diện tích 84 ha, dự báo là 2 triệu mét khối. Về vật liệu san lấp, tỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác 89 khu vực, diện tích 149 ha, tài nguyên dự báo là 56 triệu mét khối.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, nhu cầu đá và vật liệu san lấp tỉnh có khả năng cân đối. Riêng cát san lấp, tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hỗ trợ thêm nguồn từ các tỉnh Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, tỉnh hiện có 32 mỏ đá xây dựng được cấp phép nhưng có 25 mỏ đang vướng các thủ tục liên quan việc cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
KỊP THỜI THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Theo đại diện một số doanh nghiệp khai thác vật liệu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trữ lượng khai thác đá, đất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp các công trình trọng điểm đang triển khai. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mỏ đang vướng mắc thủ tục về đầu tư, đất đai.
Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Hợp tác xã Sản xuất thương mại và dịch vụ Bình Thạnh cho biết, năm 2018, đơn vị được cấp phép khai thác mỏ Thạnh Phú 3, huyện Vĩnh Cửu, với diện tích 25 ha, trữ lượng hơn 14 triệu mét khối.
Đến nay, đơn vị đã mở rộng 24 ha, trữ lượng đã khai thác hơn 9 triệu mét khối. Diện tích còn lại khoảng 1 ha và trữ lượng hơn 5 triệu mét khối đá nhưng việc thỏa thuận thuê đất gặp khó khăn, một số quy định trong Luật Đất đai và Luật Khoáng sản chồng chéo, cho nên chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Tương tự, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa Huỳnh Kim Vũ cho biết, các mỏ đá đang khai thác của doanh nghiệp đều gặp vướng mắc. Trong đó, mỏ Tân Cang 1 trữ lượng còn lại hơn 24 triệu mét khối, hiện đang thực hiện thủ tục chấp thuận thỏa thuận bồi thường, hợp đồng thuê đất đối với phần diện tích đã hết hạn hơn 22 ha, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và có chồng chéo quy hoạch xây dựng với thời hạn giấy phép khai thác được cấp.
Đối với mỏ đá Thạnh Phú 1, trữ lượng còn lại khoảng 35,6 triệu mét khối cũng đang thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thuê đất đối với phần diện tích gần 38 ha.
Ngoài vướng mắc về thủ tục pháp lý, thời gian qua, các mỏ đều chủ yếu bán vật liệu qua đại lý, sau đó từ đây mới cung cấp cho các nhà thầu thi công các dự án trọng điểm, khiến nguồn cung-cầu phải qua khâu trung gian: “Chúng tôi sẵn sàng ưu tiên cung cấp đá cho các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, lâu nay công ty không thể liên hệ trực tiếp với các nhà thầu. Trong năm 2025, công ty sẽ tìm cách kết nối với các nhà thầu để cung cấp”, đại diện Công ty cổ phần Hóa An cho biết.
Trong khi đó, đại diện nhà thầu thi công đường băng sân bay Long Thành cho biết: “Giữa “thủ phủ” khai thác vật liệu xây dựng như ở Đồng Nai lại thiếu vật liệu cung cấp các dự án là không hợp lý. Đơn vị mong muốn, địa phương giải quyết các vấn đề pháp lý để tăng công suất khai thác, cung cấp phục vụ thi công dự án đúng tiến độ đề ra”.
Để tháo gỡ vướng mắc, thống nhất giải pháp bảo đảm vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Đồng Nai, chỉ trong vòng sáu ngày vừa qua, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có hai buổi làm việc tại Đồng Nai.
Tại buổi làm việc ngày 13/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu cần rút kinh nghiệm, xác định chính xác số lượng nhu cầu vật liệu, để các đơn vị liên quan có kế hoạch cung cấp.
Đồng thời yêu cầu tỉnh Đồng Nai cần nâng công suất, gia hạn các mỏ khai thác đá, đất phục vụ các công trình trọng điểm. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án phân bổ vật liệu đến công trình và phân luồng, phân làn giao thông để hoạt động vận chuyển được thuận lợi, bảo đảm an toàn giao thông.